“Tôi là người may mắn”
Nói về giải nhất Nhân tài đất Việt, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Mạnh Hùng (ảnh) luôn khẳng định đó là công sức của cả tập thể. Không dám nhận mình là “nhân tài”, anh chỉ nhận “tôi là người may mắn”. Phạm Mạnh Hùng bảo, nếu không có lớp người đi trước tận tình dạy dỗ, sẽ không có anh hôm nay. Nếu không có những giáo sư như: Thạch Nguyễn, Lê Minh Khôi, đã mời giáo sư nước ngoài, xin dụng cụ y tế về quê hương “cầm tay, chỉ việc” cho các bác sĩ Việt Nam thì khó có công trình “rinh” giải. “Vì vậy đầu tiên phải tri ân các thầy”, tiến sĩ - bác sĩ Hùng nói.
|
“Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông” là hình thức “nong” (dùng bóng đưa vào mạch, “nong” rộng ra và (hoặc) đặt stent động mạch vành). Với một đất nước đông bệnh nhân mắc bệnh tim mạch như nước ta, thì cụm từ “đặt stent” không xa lạ. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Mạnh Hùng là một trong những người đầu tiên đưa can thiệp động mạch vành vào Việt Nam. Đây có thể coi là một trong những thành tựu y học nổi bật, mở ra cánh cửa đầy hy vọng cho bệnh nhân tim mạch nước ta. Nếu trước đây, bệnh nhân chỉ có vài sự lựa chọn: thuốc men, mổ xẻ, cộng với sự chăm sóc, giáo dục về phương pháp “nuôi” trái tim khỏe, thì nay họ có thêm lựa chọn mới, làm thủ thuật. Mỗi ca “đặt stent” chỉ diễn ra trong khoảng vài chục phút, ít đau đớn, hiệu quả rõ rệt, nên ngay cả những bệnh nhân lớn tuổi cũng không căng thẳng tâm lý khi “vào cuộc”.
Cho đến nay, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Mạnh Hùng đã thực hiện trên 2.000 ca can thiệp phẫu thuật, một con số không nhỏ với một bác sĩ vừa bước qua tuổi 40. Hiện nay anh đang giữ cương vị Trưởng phòng Can thiệp phẫu thuật của Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng anh bật mí: “Tôi ăn lương của trường ĐH Y Hà Nội”. Một trong những nhiệm vụ chính của tiến sĩ - bác sĩ Phạm Mạnh Hùng vẫn là giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm cho những thế hệ kế cận. Với anh, mục đích cuộc đời không giản đơn là việc kiếm sống. Anh muốn gắn bó với bệnh viện công vì ngoài việc cứu người, anh còn có thể tiếp tục được học tập, nghiên cứu và dìu dắt học trò.
Nước mắt - nụ cười
Trình độ kỹ thuật của nhóm can thiệp phẫu thuật động mạch vành, do tiến sĩ - bác sĩ Phạm Mạnh Hùng đứng đầu, có thể tự tin sánh ngang các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới. Nhóm can thiệp phẫu thuật của anh còn đoạt nhiều giải thưởng có giá trị khác như: Giải thưởng khoa học công nghệ nhà nước, Giải thưởng các nhà nghiên cứu trẻ Đông Nam Á, Giải thưởng các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam… |
Nếu coi thành công là trái ngọt thì thất bại là trái đắng. Hỏi anh có sợ “trái đắng” không, anh nói vui: “Dân trong nghề có câu này, ông bác sĩ giỏi là ông bác sĩ có nhiều bóng ma đứng ở đầu nhà nhất. Đó là câu bông đùa nhưng cũng hàm chứa một sự thật, một bác sĩ giỏi phải luôn đương đầu với ca khó, cứu bệnh nhân dù chỉ còn mảy may cơ hội. Đương đầu với ca khó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với thất bại cao”. Thường xuyên bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân làm phiền, thậm chí mắng, nhưng chưa bao giờ người ta thấy bác sĩ nổi giận. Lúc nào cũng thấy ở anh phong thái điềm đạm, nho nhã của một thầy giáo.
“Tôi là người lãng mạn, chẳng qua sự bận rộn làm lãng mạn phôi phai ít nhiều”. Bác sĩ tiết lộ, anh thích dòng thơ lãng mạn Việt Nam, đặc biệt “say” Nguyễn Bính và thuộc khá nhiều truyện Kiều.
Hồng Diệu
Bình luận (0)