Phải công nhận, bà mẹ ẩm thực Việt thật độ lượng và tài tình. Bởi nguyên thủy bánh mì là một loại bánh bột nướng của Tây, có mặt ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Song loại bánh này vẫn được dung dưỡng và dần cải biến thành những dạng bánh thân quen như ngày nay.
Một thời để nhớ
Mỗi chúng ta ai cũng có vài khoảng thời gian đẹp để nhớ. Ví dụ như tuổi thơ nghịch ngợm, thời sinh viên túng thiếu hoặc những lúc lận đận... Lạ thay, những khoảnh khắc ấy, bánh mì hoặc xôi nếp luôn là bầu bạn.
Hơn mười năm trước, dọc theo những bến xe miền Tây, miền Đông bánh mì còn “chở” cả những tiếng rao: “Bánh mì nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đây! Mua vô! Mua vô!”.
Biết lựa, người mua sẽ tìm được những chiếc bánh ngon y như lời rao ngân nga của người bán.
Và những chiếc bánh ấy sẽ là món quà “Xì - Gòn” thật quý giá cho những “cục cưng” hay bậc cao niên chốn tỉnh lẻ.
Cũng có người ăn kèm với đường tán, sang hơn nữa thì rưới lên ít sữa đặc có đường cho thêm ngọt và béo.
Cũng có những lúc người ta “bị” gặm bánh mì. Ví dụ như những bác xích lô, chú xe ôm, học sinh, sinh viên nghèo...
Một tô cháo huyết kèm ổ bánh mì không cũng là bữa sáng thịnh soạn cho dân lao động nghèo thành thị. Hay như anh sinh viên nghèo Trần Bích (đang ở Q.4), quê miền Trung, từng “đi chợ” với hai ổ bánh mì, để dành ít tiền còm mua vé đi xem phim hay dịp cuối tuần. Nay anh Bích đã làm công chức, thu nhập tương đối, thỉnh thoảng anh lại lai rai với bánh mì, chả lụa. Anh cứ một mực bảo rằng, bánh mì ngày khổ ngon hơn bánh mì thời sướng.
Tiếp nối, bao lớp người ngày nay vẫn ghiền ăn bánh mì, bởi nó khá rẻ, tiện dụng ở mọi lúc mọi nơi. Và tất nhiên, họ luôn có những điểm bán ngon quen thuộc.
"Gặm là ghiền"
Xin nói thêm, người viết cũng “đạo” bánh mì và mới sưu tầm được một chỗ bán mới khá ấn tượng: Quyên Quyên (67A Nguyễn Văn Đậu, P.6, Bình Thạnh, TP.HCM).
Quán nhỏ, nhưng bài trí xinh xắn và rất tự tin với câu slogan: “Gặm là ghiền”, giá từ 8.000 -10.000 đồng/ổ.
Được biết, quán này mới mở khoảng ba tháng, nhưng khách đến ủng hộ ngày càng đông. Chộn rộn, nhí nhảnh và thường nhất là thực khách tuổi teen. Lặng lẽ và điềm đạm là những người già. Bất chợt và hối hả là khách đi đường. Sáng Chủ nhật vừa rồi, người viết đã chứng kiến ba người khách kiên nhẫn đứng đợi ở đây gần 10 phút, vì hết bánh và mẻ bánh nóng hổi của lò “mối” đang ra. Trong đó, có một bà... bầu.
Thật bất ngờ, bếp trưởng quán này là người ăn chay. Tuy vậy chị chế biến các “nhưn” thịt bò nướng, xíu mại, pa-tê... thật vừa miệng. Tinh tế, người ăn sẽ cảm nhận độ ngọt tự nhiên của đạm tươi từ thịt heo, trứng, gà... nêm gia vị vừa phải ít béo và không mặn.
Ngay cả món tương ngọt gia vị, chị cũng tự ủ lấy theo phương pháp thủ công. Thêm ly nước rong biển khuyến mãi, cũng được chị nấu nhà bằng đường cát, nên hương vị ấn tượng hơn nước mát vỉa hè.
Quán nhỏ, nhưng cách bài trí vật dụng bên trong thật khéo léo, có nhiều tủ, lò hiện đại mà nhỏ gọn hỗ trợ. Nhân viên ở đây chỉ “kêu” lò mang đến mỗi lần khoảng 30 - 40 ổ bánh. Số bánh bán chưa hết, nằm quá 15 phút, sẽ được bỏ vào lò nướng hong lại cho nóng giòn.
Cách tẩm ướp gia vị cũng tỉ mỉ không kém. Ví dụ như thịt đùi heo sau khi làm sạch, xắt khối lớn, ướp gia vị đợi thấm vài ba giờ. Rồi đầu bếp mới “khìa” trên lửa riu riu, trở đều, cho đến khi tỏa mùi thơm phức và ráo.
Thợ mỗi khi lấy món này ra xắt bán cũng lấy mỗi lần một tảng. Số còn lại, nếu nguội sẽ được hâm nóng trong nồi inox sáng bóng.
Trong lúc chế biến, bếp trưởng quán này vẫn không "ngã mặn" (do ăn chay) nên nhờ một người em khéo nấu nướng, nêm nếm thử vài lần đầu rồi định lượng sẵn, cứ vậy mà làm.
Tấn Tới
Bình luận (0)