Sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do, tại cuộc họp báo ngày 5.11, người phát ngôn Viện KSND tối cao khẳng định ông Chấn có bị oan hay không phải chờ đến phiên tòa tái thẩm do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tổ chức “vào ngày mai” (6.11) sẽ rõ. Đông đảo người dân chờ đợi sự công minh, dù quá muộn màng, của pháp luật.
Nhưng phiên “tái thẩm” đã diễn ra không như mong đợi. Phiên tòa này đã không tuyên ông Chấn vô tội hay có tội mà chỉ tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời quyết định “điều tra lại từ đầu”.
Báo chí mấy hôm nay bàn luận sôi nổi về sự có khác nhau hay không giữa “tái thẩm” và “giám đốc thẩm”. Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao thay phiên nhau giải thích về những thủ tục của hai hình thức này, hai ông còn lấy làm phiền lòng vì có người đã hiểu không đúng. Trong khi đó, bất kể “tái thẩm” và “giám đốc thẩm” có khác nhau hay không, nhưng với quyết định “điều tra lại tư đầu”, ông Chấn chỉ mới được tự do một nửa, vì ông vẫn đang bị khởi tố về tội giết người.
Tuy ông đã ra khỏi nhà tù nhưng vẫn còn là một bị can, vẫn có thể bị cơ quan điều tra gọi lên gọi xuống bất cứ lúc nào. Ông vẫn ngày đêm lo ngay ngáy, không biết mình có bị bắt nữa hay không. Nếu như ông phải xin việc làm tại một nơi nào đó, chắc chắn không tổ chức nào nhận một bị can vào làm việc. Tự do của ông Chấn vẫn cứ “treo” đó đã. Tự do còn bị “treo” ngày nào thì ngày đó ông và gia đình còn sống trong bất an, còn thiệt hại về vật chất, tinh thần và sức khỏe, còn mất những cơ hội tạo dựng lại cuộc đời.
Điều khó hiểu nữa là, sau khi thủ phạm thật sự của vụ giết người là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung về tội giết người cướp tài sản trong khi quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Chấn vẫn còn nguyên giá trị (vì không bị đình chỉ). Có nghĩa là, một bị hại nhưng có tới hai vụ án được khởi tố với hai bị can khác nhau đang song song tồn tại. Không biết TAND tối cao quyết định “điều tra lại từ đầu” là điều tra lại theo quyết định khởi tố nào?
Tất nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giải thích đó chỉ là thủ tục và hai vị Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao có lẽ lại bị phiền lòng vì dư luận “hiểu không đúng”.
Vâng, dư luận có thể hiểu không đúng về sự rắc rối của các thủ tục tố tụng, nhưng đối với thân phận con người thì dư luận không thể hiểu sai. Và lẽ ra cái mà hai vị viện trưởng và chánh án đáng “phiền lòng” nhất không phải là dư luận hiểu không đúng về thủ tục mà là thân phận một con người đã bị các cơ quan tố tụng coi như con sâu cái kiến. Nếu các vị thực sự quan tâm đến số phận một con người, thì các vị đã không để người ta chờ đợi thêm một ngày nào nữa. Người ta đã ở tù 10 năm rồi! Sự tổn thất về vật chất, tinh thần và sức khỏe trong 10 năm ở tù của ông Chấn và gia đình ông là không gì và không ai bù đắp nổi, nay làm sao có thể đủ sức chờ thêm một ngày nào nữa! Các cơ quan bảo vệ pháp luật từ T.Ư đến địa phương hoàn toàn có đủ khả năng tiến hành minh oan ngay lập tức, nếu như thật sự biết quan tâm đến thân phận con người và biết thành khẩn sửa sai.
Ngày xưa, trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Mười, khi chính quyền Xô-Viết còn non trẻ phải đối phó với vô vàn cam go thách thức của thù trong giặc ngoài, một bác nông dân đã gửi lá đơn lên Hội đồng Dân ủy khiếu nại rằng người ta đã trưng dụng con ngựa của bác một cách bất hợp lý. Lá đơn đã bị một viên chức Xô-Viết phê một câu “Chuyện vớ vẩn”. Ai đó đã đặt lá đơn kèm theo lời phê trên lên bàn làm việc của Lenin. Ngay tức khắc Lenin đã ra lệnh cách chức viên chức ghi lời phê đó và nói, rằng chính quyền Xô-Viết dù làm những chuyện trời long đất lở, nhưng nhất định phải quan tâm đến thân phận của từng con người cụ thể, ai không hiểu được điều đó thì không xứng đáng là viên chức của chính quyền Xô-Viết.
Thái độ của Lenin đối với thân phận con người cho đến nay vẫn là “kim chỉ nam” cho cán bộ, công chức Đảng, Nhà nước và vẫn đang là câu chuyện thời sự.
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)