Thân thương Bờ Hồ

25/01/2021 18:52 GMT+7

“Bờ Hồ” như đã trở thành một danh từ riêng để chỉ một địa danh ở Hà Nội. Nói “Bờ Hồ”, ai cũng hiểu đó là khu vực quanh hồ Gươm, chứ không phải bất cứ một bờ hồ nào khác.

Đang học cấp ba ở trường học sinh miền Nam, tôi cùng một số bạn được gọi vào quân đội để đi học kỹ thuật máy bay chiến đấu ở Liên Xô. Tôi xa Hà Nội cùng ba má và các anh tôi một thời gian, rồi lại trở về thủ đô.
Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, cả miền Bắc bắt đầu cuộc chiến khốc liệt chống chiến tranh phá hoại. Chúng tôi phục vụ chiến đấu trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Đơn vị thường xuyên di chuyển, có lúc gần, có lúc xa Hà Nội.
Những thời điểm tạm lắng tiếng bom, chúng tôi tranh thủ ngày nghỉ đạp xe về Hà Nội. Vài chục cây số đạp xe lúc bấy giờ là chuyện thường. Câu mà cánh lính chúng tôi thường nói là “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết”.
Việc bơm thật căng bánh xe đạp không chỉ để xe chạy cho nhẹ và nhanh mà có ý nghĩa quan trọng nữa là để chở bạn gái đi chơi trên những đường phố đầy cây xanh của Hà Nội. Tất nhiên, thanh niên chúng tôi không thể không chở nhau đến Bờ Hồ.

Bờ Hồ - điểm đến của mọi người

Hà Nội có rất nhiều hồ và cũng nhiều hồ đẹp. Hồ Tây lãng đãng sương mù chiều đông, không nhìn thấy bờ bên kia. Hồ Bảy Mẫu với công viên Thống Nhất ngày đêm sôi động. Nhưng có lẽ ai đã đến Hà Nội thì cũng đều phải ghé thăm hồ Gươm ít nhất một lần.
Hồ Gươm hình chữ nhật, vạt bốn góc cho lãng mạn hơn, bao quanh là các con đường lớn. Tôi nhớ, đến đầu thập niên 70, quanh hồ Gươm không được gọn gàng như bây giờ. Chưa có bờ kè kiên cố như bây giờ. Nước hồ rất xanh, thậm chí hơi đen do lâu không được xử lý. Ấy vậy mà dù nắng hay mưa, mùa nóng hay mùa lạnh, người Hà Nội đổ ra bờ hồ hóng gió rất đông.
Khách từ nơi khác đến thì ra ngắm tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Muốn chụp hình thì nhờ mấy bác “phó nhòm”. Bên hồ có nhiều băng ghế đá. Buổi tối muốn có một ghế đá ngồi không phải dễ, chắc phải ra xí chỗ từ 3 - 4 giờ chiều. Muốn chắc ăn thì cầm theo cái áo mưa, trải xuống bãi cỏ là có thể ung dung ngồi ngắm tháp Rùa, tưởng tượng hình ảnh thần Kim Quy nổi lên đòi kiếm của vua Lê. Muốn ăn quà vặt thì có các cậu bé bán lạc rang đóng hàng trong các gói giấy hình chóp, mang thùng xốp bán que kem sữa, dừa, đậu xanh… với giá bình dân.
Ngày nay, phố đi bộ quá đẹp, quá thanh bình. Các cháu bé vui chơi ở đây không biết rằng ngay dưới chân mình cách đây 50 năm từng có rất nhiều hố tránh bom cá nhân. Nhà bưu điện trung tâm khi ấy cũng mang tên “Bưu điện Bờ Hồ”.
Một cửa hàng lớn không nằm bên bờ hồ nhưng cũng được gọi là Bách hóa Bờ Hồ. Đó là Cửa hàng bách hóa tổng hợp Hà Nội hay Bách hoá Tràng Tiền - một thời là niềm tự hào của ngành thương nghiệp thủ đô. Những năm 1970 - 1980, trung tâm thương nghiệp này chủ yếu phân phối hàng theo tem phiếu. Chúng tôi rất thích đi bách hóa tổng hợp, chỉ để ngắm các hàng hóa bày rất đẹp trong tủ kính.
Qua góc hồ này là đã đi được một nửa đường vòng quanh bờ hồ Gươm. Ngay đầu đường Lê Thái Tổ có một hiệu kem nổi tiếng từ xưa: kem Bốn Mùa. Ngày trước quán kem không nằm bên bờ hồ mà ở trong ngôi nhà đẹp phía bên kia đường, ban đêm có ánh sáng đèn màu xanh rất đặc trưng. Thường chỉ có ba loại kem là kem cây, kem cốc và kem nước. Kem nước đựng trong một cái cốc cao, thực ra cũng là kem cốc nhưng được chế thêm si rô đá tươi, mùi rất thơm và nhìn đẹp.

Câu lạc bộ Thống Nhất

Trên con đường này, chỗ góc phố giáp với phố Hàng Trống có một địa điểm mà tôi không bao giờ quên, đó là Câu lạc bộ Thống Nhất. Đây là nơi chính quyền TP.Hà Nội dành riêng cho đồng bào miền Nam tập kết gặp gỡ, sinh hoạt, vui chơi. Nơi này có một ngôi nhà mặt tiền và một sân khấu khá rộng, có thể chứa hàng nghìn người.
Với học sinh miền Nam, tết Trung thu năm nào cũng được tổ chức ở đây. Tôi còn nhớ rất rõ một tết Trung thu, mỗi học sinh miền Nam khi đến đây đều được phát 3 viên kẹo, người phát nói là kẹo của Bác Hồ cho. Đứa nào cũng vui, nhưng vui hơn là một lúc sau, bỗng nhiên chúng tôi nhìn thấy Bác xuất hiện trên sân khấu. Bác thường tới các cuộc họp bằng cửa phụ nên chẳng ai phát hiện ra. Bác đưa hai tay ra phía trước, bảo mọi người ngồi xuống, ổn định trật tự rồi mới nói.
Tôi khi ấy còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ lời Bác dặn dò, đại ý là Đảng, Nhà nước đưa các cháu ra miền Bắc nuôi dạy là cho miền Nam sau này, phải cố gắng thành con ngoan trò giỏi. Bác nói đã có quà cho các cháu đến đây, còn các cháu ở trong Nam Bác còn nợ, chưa gửi được. Nghe Bác Hồ nói, chúng tôi đứa nào cũng rơm rớm nước mắt. Câu lạc bộ Thống Nhất vì thế trở nên thân thương với những người miền Nam đang sống giữa lòng miền Bắc như chúng tôi.
Bờ Hồ cũng trở thành thân thương với tất cả những người đã từng sống ở Hà Nội, từng đến Hà Nội, như lời của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trong ca khúc nổi tiếng Người Hà Nội: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.