Thận trọng

06/01/2012 02:53 GMT+7

Độ mở lớn, độ trễ dài nên sau 3 năm kể từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, năm 2011 mới là năm các doanh nghiệp (DN) trong nước thực sự "ngấm đòn". Nhưng đáng lo hơn là chờ đợi họ phía trước không phải là "ánh sáng cuối đường hầm". Bức tranh kinh tế u ám của năm nay đang tiếp tục thử thách sự chịu đựng của họ và nếu các nhà làm chính sách không thận trọng, hậu quả sẽ khó lường.

Độ mở lớn, độ trễ dài nên sau 3 năm kể từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, năm 2011 mới là năm các doanh nghiệp (DN) trong nước thực sự "ngấm đòn". Nhưng đáng lo hơn là chờ đợi họ phía trước không phải là "ánh sáng cuối đường hầm". Bức tranh kinh tế u ám của năm nay đang tiếp tục thử thách sự chịu đựng của họ và nếu các nhà làm chính sách không thận trọng, hậu quả sẽ khó lường.

Nói thận trọng bởi kinh tế năm nay đang đối mặt với nhiều mâu thuẫn. Đầu tiên là mâu thuẫn giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất (LS). Chính phủ đã khẳng định, mục tiêu hàng đầu của năm nay là kiềm chế lạm phát dưới 1 con số. Mà muốn kiểm soát lạm phát, phải thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng LS. Đó là lý do, dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bằng mọi giá giảm LS nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ, vẫn chưa dám tin. Bởi điều này đi ngược với mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ. Nhưng LS đã ở mức cao cả năm qua, khiến gần 50.000 DN phá sản. Chưa nói đến việc tăng LS thì chỉ cần tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay cũng có thể "bức" hàng ngàn DN tới bước đường cùng. Bài toán đặt ra cho các nhà quản lý hiện nay là làm thế nào để hóa giải mâu thuẫn trên. Hạ lạm phát tới mức nào để DN có đường sống, kinh tế vẫn tăng trưởng chứ không chỉ máy móc thắt chặt như chúng ta đã từng làm.

Một vấn đề quan trọng nữa là việc đưa điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị của Bộ Công thương cuối năm 2011 đã khẳng định, phải đưa các mặt hàng này theo cơ chế thị trường với điều kiện "công khai, minh bạch". Đây là điều hoàn toàn đúng, là xu thế tất yếu và được tất cả mọi người ủng hộ. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là, nếu các ngành này chưa thể công khai, minh bạch; vẫn còn khuất tất lỗ, lãi; vẫn còn độc quyền... hãy tạm ngưng lại cái "cơ chế thị trường nửa vời" mà họ đã và đang làm hiện nay. Bởi như vậy, chỉ thiệt thòi cho người dân và cả nền kinh tế. Chúng ta đều biết, giá điện, xăng dầu tác động trực tiếp đến lạm phát. Minh chứng rõ ràng nhất là trong năm 2011, những tháng không tăng giá điện, giá xăng dầu thì tốc độ tăng CPI giảm hoặc chậm hẳn. Với mục tiêu kiểm soát lạm phát nói trên, các cơ quan có thẩm quyền nên có thái độ rõ ràng trước các đòi hỏi tăng giá của các ngành này. Hãy trực tiếp điều hành một cách sòng phẳng, lợi ích chia đều cho cả DN, người dân và nền kinh tế chứ không để họ "vin" vào "cơ chế thị trường" rồi hưởng lợi một mình như vừa qua. Hãy thực hiện đúng lời Thủ tướng, "thả" họ theo cơ chế thị trường khi họ thực sự công khai, minh bạch.

Vẫn bệnh cũ nhưng sức khỏe của DN đang suy kiệt, sức khỏe của nền kinh tế đã sụt giảm. Điều này đòi hỏi, điều hành chính sách trong bối cảnh hiện nay phải cực kỳ thận trọng, linh hoạt, phù hợp và kịp thời để giúp các DN vượt qua khó khăn trong  năm 2012 dự báo đầy khó khăn này.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.