Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), “đây là loại thuốc rất độc hại đối với sức khỏe con người. Nó có cấu tạo phân tử mạch vòng gần giống với chất độc da cam. Việc phun xịt loại thuốc này xuống sông để diệt lục bình là phản khoa học, về lâu dài có thể gây tác hại rất khó lường”.
Đối với đơn vị hành chính cấp huyện, họ có đầy đủ các cơ quan chuyên môn cần thiết ở hầu hết các lĩnh vực. Trong trường hợp này, ngành nông nghiệp hay tài nguyên môi trường huyện hoàn toàn có đủ chuyên môn để đứng ra tham mưu. Khó hiểu vì chẳng biết khi UBND huyện ra chủ trương trên thì có tham khảo ý kiến của các cơ quan này không hay là chính những cơ quan chuyên môn này cũng không đủ chuyên môn? Chỉ biết rằng, loại thuốc nguy hiểm này được phun xịt trực tiếp đến tận 2 lần lên một số dòng sông, nơi vừa là nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của rất nhiều người dân nông thôn. Như vậy rõ ràng là những người dân ở các khu vực trên đang phải đối mặt với nhiều mối nguy hại tiềm ẩn về sức khỏe. Dư luận đang quan tâm liệu khi đã nhận ra những nguy hại đó thì chính UBND huyện và tỉnh có giải pháp gì để khắc phục hậu quả, bảo vệ sức khỏe người dân?
Còn theo như giải thích của một lãnh đạo huyện thì “đây là giải pháp cuối cùng vì không còn cách nào khác”. Liệu rằng cách giải thích như vậy có thật sự thỏa đáng? Tại sao không làm theo cách thông thường và đơn giản nhất là cho người vớt lục bình lên? Chắc rằng câu trả lời sẽ là: “lục bình nhiều quá, chúng tôi không đủ nhân lực”. Vậy thì thử hỏi, các tổ chức đoàn thể xã hội như: Đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, dân phòng… ở đâu, làm gì? Đó là chưa kể đến với một cấp hành chính như cấp huyện còn có thể huy động lực lượng công an, bộ đội tham gia.
Nói như vậy để thấy rằng, khi làm một việc gì cũng cần phải suy nghĩ thấu đáo nhất là đối với những người có quyền chức, vì rằng dù có ý định tốt nhưng cách làm sai thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều rất người.
Chí Nhân
Bình luận (0)