Đề xuất chỉ định thầu 12 gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ rút ngắn thời gian triển khai dự án, song các chuyên gia cho rằng cần đặc biệt thận trọng từ tiêu chí đến kiểm soát, nhìn từ bài học chỉ định thầu nhiều dự án mở rộng QL1 trước đây.
Không có nhiều nhà thầu đủ mạnh
Bộ GTVT đã hoàn tất trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự thảo đang được xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Mai Sơn |
Huy Hùng |
Theo dự thảo, Bộ GTVT là cơ quan thẩm quyền quyết định đầu tư, phê duyệt dự án, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất Bộ trưởng Bộ GTVT là người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với tất cả gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Đối với các gói thầu xây lắp các dự án, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH-ĐT. Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu. Dự thảo cũng giao Bộ GTVT rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, cơ bản hoàn thành trước ngày 30.6 để địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã có kinh nghiệm chỉ định thầu tư vấn tại dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
“Chỉ định thầu song phải ban hành bộ hồ sơ yêu cầu trình độ, năng lực, kinh nghiệm của tư vấn, đơn vị nào đáp ứng được hồ sơ thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn, còn tư vấn yếu kém chưa có công trình lớn thì không vượt qua được vòng xét tuyển”, ông Thể nói và cho rằng ước tính chỉ có khoảng 5 - 7 tư vấn lớn đạt yêu cầu, đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn. Việc chỉ định thầu tư vấn sẽ rút ngắn thời gian triển khai được 3 - 4 tháng, song vẫn sẽ lựa chọn được các tư vấn giỏi. Tư vấn chỉ định thầu sẽ không thua đấu thầu chọn tư vấn mà rút ngắn được thời gian.
Với nhà thầu xây lắp, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu chỉ định thầu sẽ giảm thêm được 3 - 4 tháng so với đấu thầu. Việc triển khai sẽ rút kinh nghiệm đưa vào hồ sơ các nhà thầu có năng lực mạnh như dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, không để các nhà thầu yếu kém tham gia, nếu có tham gia chỉ là thầu phụ.
“Chúng ta đang triển khai hơn 600 km cao tốc giai đoạn 1, nay làm thêm hơn 700 km giai đoạn 2 nữa, song số lượng nhà thầu mạnh không còn nhiều, nếu giao thêm dự án có thể lại thành yếu, nên phải cố gắng xem xét”, Bộ trưởng Thể lưu ý.
Thận trọng trong đánh giá, hậu kiểm
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành giao thông cho biết ưu điểm lớn nhất của chỉ định thầu là rút ngắn tiến độ triển khai dự án khoảng 6 tháng so với đấu thầu. Với những dự án cấp bách, phải đảm bảo tiến độ, việc chỉ định thầu là giải pháp tối ưu để tiết kiệm thời gian. Tương tự như dự án nâng cấp, mở rộng QL1 trước đây, do áp dụng chỉ định thầu (lựa chọn nhà đầu tư - PV), nên tiến độ dự án đã được rút ngắn tới 1 - 1,5 năm, triển khai thi công từ năm 2013 - 2015 đã cơ bản hoàn thành. Dù vậy, việc chỉ định thầu với dự án nâng cấp, mở rộng QL1 trước đây cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, là bài học lớn cần rút ra khi cân nhắc việc chỉ định thầu với 12 dự án cao tốc Bắc - Nam tới đây.
“Đa số các DN giao thông trước đây đều đang kiệt quệ hoặc hoạt động cầm chừng. Ngay cả việc thực hiện một số dự án trong thời gian qua cũng rất khó khăn do đơn giá định mức theo Nghị định 68 của Bộ Xây dựng chưa sát với thực tế, hay nguồn vật liệu mỏ tính theo trượt giá các địa phương công bố thấp hơn nhiều so với mức tăng thực tế, khiến các DN đều lỗ cả. Thực tế là sắp tới có việc cũng chưa chắc dám làm, nếu các cơ chế, đơn giá tính định mức không thay đổi”, lãnh đạo DN này cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng chỉ định thầu hay đấu thầu, mục đích cao nhất vẫn là lựa chọn các nhà thầu có năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính và nhân lực.
Theo PGS-TS Trần Chủng, chỉ định thầu có thể rút ngắn thời gian triển khai song không được rút bớt các tiêu chí gồm thủ tục hồ sơ năng lực kỹ thuật, tài chính, nhân lực, kinh nghiệm thực hiện các công trình tương đương, giá thầu... “Để cuộc chơi tránh cơ chế xin - cho, minh bạch trong triển khai, phải công khai rõ bộ tiêu chí lựa chọn nhà thầu cả tư vấn lẫn xây lắp. Tuy nhiên, cũng cần tính cả kịch bản 2 là bộ tiêu chí đưa ra nhưng không sát với thực tế, không hấp dẫn khiến các DN không tham gia. Vì thế, các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí phải tham vấn ý kiến từ các đơn vị chuyên môn và cả DN”, ông Chủng nói.
Đặc biệt, chuyên gia này cũng cho rằng cần xác định rõ lại bài học từ chỉ định thầu các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 trước đây khi không tuân thủ các quy định của luật Đấu thầu, dẫn tới một số nhà đầu tư được chọn không có năng lực kinh nghiệm, tài chính. Mặt khác, khâu giám sát sau chỉ định thầu phải đặc biệt được coi trọng, muốn thế, phải có đơn vị chịu trách nhiệm chính trong chỉ định thầu.
Nếu nhiều bộ, ngành cùng tham gia đánh giá nhà thầu, nhưng cuối cùng khi xảy ra vấn đề thì trách nhiệm tập thể rất khó để giám sát, hậu kiểm với nhà thầu. Muốn giám sát chặt chẽ tránh sai sót, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thì phải có đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý sau chỉ định thầu.
PGS-TS Trần Chủng
Bình luận (0)