Gặp tai biến do thuốc
Bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội) mới đây tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân bị tổn thương tiền đình do kháng sinh. Đó là bệnh nhân nam 54 tuổi (ở Hưng Yên) mắc lao, được chỉ định dùng kháng sinh kháng lao. Bệnh nhân đã được bác sĩ kê đơn lưu ý: nếu thấy các biểu hiện bất thường cần đi khám lại ngay. Nhưng khi dùng thuốc tại nhà, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, tê môi nhưng vẫn cho rằng “đã tiêm thuốc thì phải mệt” nên không đi khám lại. Khi thể trạng quá yếu được người nhà đưa vào Bệnh viện 103 thì bệnh nhân đã bị tổn thương tiền đình do phản ứng của kháng sinh. Theo các bác sĩ, đây là tổn thương rất khó hồi phục.
|
Một bệnh nhân nữ khác 25 tuổi (ngụ Hà Đông), uống thuốc kháng giáp trạng nhưng không rõ loại gì (vì không mang theo thuốc vào bệnh viện). Sau 2 ngày, bị dị ứng, mẩn đỏ khắp người, nhiều ở mặt, cổ, tay. Biểu hiện mẩn đỏ, mề đay, ngứa, cứ từng mảng, từng mảng, phải vào Bệnh viện 103 khám lại và xử trí.
Thêm một bệnh nhân nữa, 15 tuổi (ngụ Thanh Trì, Hà Nội), sau khi tiêm thuốc chống bệnh dị ứng thời tiết tại một phòng khám tư thì bị tình trạng mặt, cánh tay và lưng nổi mẩn đỏ từng đám to, mặt sưng húp và đỏ ửng, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì. Đáng lưu ý, gần đây, Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội) cũng tiếp nhận trường hợp bị mù do dị ứng thuốc. Mù mắt là giai đoạn muộn khi mắt bị loét kết mạc, giác mạc do dị ứng thuốc. Việc điều trị phục hồi thị giác là rất hy hữu.
Hết sức cẩn thận khi dùng
Bác sĩ Yên Lâm Phúc cho hay, sử dụng kháng sinh phải tuân thủ điều trị, chỉ định và hướng dẫn của người có chuyên môn. Ngay cả khi được kê đơn thì vẫn có thể xảy ra các tai biến do thuốc. Còn trong trường hợp tự mua, tự uống thì nguy cơ bị các phản ứng không mong muốn sẽ cao hơn rất nhiều. Nhất là các thuốc kháng sinh, rất dễ gây dị ứng, đặc biệt là những người có cơ địa dễ dị ứng. Trường hợp dị ứng thuốc nặng có thể sốc tử vong ngay tại chỗ, không thể cấp cứu. Do vậy, không nên tự ý dùng thuốc để tránh nguy cơ dị ứng. Với thuốc có nguy cơ gây dị ứng cao như kháng sinh, thuốc kháng giáp trạng, thuốc chống động kinh... thì cần phải thử phản ứng trước khi đi vào điều trị chính thức.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện bạch Mai (Hà Nội), ngay với thuốc trị cảm cúm thông thường, phổ biến cũng có thể gây phản ứng nguy hiểm, do vậy cần thận trọng khi tự dùng thuốc. Khi có biểu hiện dị ứng do thuốc như ngứa da, nổi mẩn, mề đay... cần ngưng thuốc lại ngay và tới bệnh viện không chậm trễ.
Liên Châu
Bình luận (0)