Nếu không thận trọng, sinh viên (SV) thuê nhà có thể bị một số chủ nhà trọ giăng bẫy.
Chết dở vì hợp đồng
“Cứ nghĩ chỉ cần cảnh giác với cò phòng trọ, ai ngờ ngay cả chủ nhà cũng lừa mình”, vừa nói trong giọng bức xúc, Hoàng Nga - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - vừa cho chúng tôi xem bản hợp đồng nhà trọ của mình.
Nga kể, để thuận lợi cho việc đi học, Nga và 3 người bạn thân cùng chuyển đến ký hợp đồng thuê phòng trọ thuộc hẻm 42 Hoàng Hoa Thám, P.7, Q.Bình Thạnh. Đây là phòng mà họ tìm được trên mạng và quyết định thuê với giá mỗi tháng 2,5 triệu đồng, đặt cọc trước một tháng.
Ở được 2 ngày, các thành viên mới phát hiện có một số điều lập lờ trong bản hợp đồng thuê phòng. “Đã có thêm điều khoản “phải ở đủ 12 tháng mới được nhận lại tiền đặt cọc” được viết bằng dòng chữ bút bi màu xanh trong khi toàn bộ hợp đồng được viết bằng màu đen”, Nga kể.
|
Quá bức xúc, Nga thắc mắc thì được chủ nhà trọ cho biết: “Tôi không quan tâm, hợp đồng như thế nào thì phải làm đúng. Nếu bây giờ các cô dọn đi thì mất tiền đặt cọc”. Nga cho biết thêm, ngày đến xem phòng và ký hợp đồng thì không hề đọc được điều khoản này. Nó chỉ xuất hiện sau khi chủ nhà mượn lại hợp đồng với lý do “photo để mỗi bên giữ một bản”. Chính vì điều này mà nhóm bạn Nga đã lâm vào cảnh “ở không được mà đi cũng chẳng xong”.
Trần Hoàng Quân - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - đang trọ ở lầu 2, chung cư Lý Thường Kiệt, Q.10 kể, ở gần hơn 4 tháng mới phát hiện ra bản hợp đồng có điều khoản ràng buộc “phải ở 6 tháng mới trả tiền đặt cọc”.
Cứ nghĩ chỉ cần cảnh giác với cò phòng trọ, ai ngờ ngay cả chủ nhà cũng lừa mình |
||
Hoàng Nga SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM |
||
Phí... trễ giờ
“Ngày đầu tiên chủ nhà đã thỏa thuận bao điện, nước, nhưng nào ngờ mình phải sử dụng điện nước theo công thức chẵn, lẻ” - Hoàng Phượng, SV Trường ĐH Tài chính Marketing, thuê phòng ở đường Bế Văn Cấm, P.Tân Kiểng, Q.7 - giải thích thêm, “chẵn, lẻ” nghĩa là ngày có điện nước, ngày không, cứ xen kẽ nhau.
Nhiều lần đề xuất với chủ nhà, Phượng nhận được câu trả lời: “Đã được bao điện nước mà còn ta thán. Giá điện, nước cứ tăng thì tôi bắt buộc phải làm thế. Nếu thích sử dụng điện, nước thường xuyên thì trả thêm tiền”.
Trần Hoàng Tuyển - SV Trường ĐH Sài Gòn - cho biết vừa vào TP.HCM kiếm được phòng trọ gần trường (đường An Dương Vương, Q.5), Tuyển và các bạn cùng phòng phải mất gần 200 ngàn đồng chi phí sửa sang lại các vật dụng trong phòng. “Lúc đầu xem phòng tưởng mọi thứ đều tốt, nào ngờ vừa ở đêm đầu tiên mới phát hiện cửa phòng bị hỏng, hệ thống đường dẫn nước bị nứt, vòi nước nhà vệ sinh không sử dụng được…”. Vội báo với chủ phòng, Tuyển bất ngờ vì chủ phòng nói: “Lúc bàn giao phòng tại sao không phát hiện? Lo mà tự mua đồ về sửa lại”.
Theo nhiều phản ánh của SV, trong quá trình trọ, nhiều chủ nhà tự ý đề ra các khoản phí không hợp lý. Phương Thanh - SV Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM - kể: “Ban đầu, chủ trọ không có quy định phải đóng tiền truyền hình cáp, tiền rác, tiền gửi xe, tiền bảo vệ an ninh… Vào ở được một thời gian, chủ trọ liệt kê ra nhiều khoản bắt buộc”. Thậm chí có lần Thanh đi làm thêm về lúc 23 giờ đã bị chủ trọ tính “phí trễ giờ” 10 ngàn đồng/lần mặc dù trước đó chủ nhà cho biết “giờ giấc tự do”.
Thanh chia sẻ kinh nghiệm: “Khi tìm nhà, SV phải hỏi thật kỹ mọi thông tin, đồng thời viết cam kết để cả 2 bên ký đồng ý thực hiện, đề phòng trường hợp chủ nhà tự ý thay đổi mọi điều khoản, đưa ra những yêu sách bắt buộc người thuê phải chấp nhận”.
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận (0)