Xu hướng tất yếu
Ngày 9.8 tại TP.HCM, Đại sứ quán Mỹ tại VN đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo về công nghệ sinh học tại VN, trong đó tập trung vào cây trồng BĐG. Cây trồng BĐG được các nước phát triển như Mỹ và một số nước châu Âu nghiên cứu, ứng dụng từ cuối những năm 80, và được thương mại hóa giữa các năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, đã có gần 30 quốc gia (phần lớn ở khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu) triển khai sản xuất cây trồng BĐG. Cuối năm 2010, diện tích cây trồng BĐG trên thế giới đã lên gần 150 triệu ha, trong đó các sản phẩm chủ yếu là đậu tương (chiếm 51,7%), ngô (hơn 30%), bông (hơn 9%), sau đó là cải dầu, khoai tây.
Tại VN, chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2020 đã nêu rõ: Mục tiêu giai đoạn 2011-2015: đưa một số giống cây trồng BĐG (như bông, ngô, đậu nành) vào sản xuất. Tầm nhìn đến năm 2020: diện tích trồng trọt các giống cây BĐG chiếm 30-50%. Theo TS Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, thành viên Hội đồng An toàn sinh học (Bộ NN-PTNT), đến nay cả nước đã có 7 trường hợp được khảo nghiệm hạn chế và khảo nghiệm diện rộng; 6 trường hợp đã được công nhận tạm thời làm thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VN - cho biết: “Lợi ích cây trồng BĐG được chứng nhận, năng suất cao, thích hợp vùng khó khăn, kháng sâu bệnh, đồng nghĩa không phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật gây tác động xấu đến môi trường. Sau hơn 11 năm triển khai cây trồng BĐG trên thế giới, đến nay chưa có chứng minh khoa học nào cho thấy công nghệ này gây tác hại”.
|
Kiểm soát nguy cơ bằng cách nào ?
Theo TS Paulade Andrade, thành viên Ủy ban An toàn sinh học quốc gia Brazil, nước này hiện đang phát triển mạnh cây trồng BĐG do đó khâu phân tích, rủi ro được thực hiện hết sức nghiêm nhặt. TS Andrade cho biết: “Ở Brazil, việc đánh giá rủi ro về môi trường, an toàn thực phẩm được thực hiện bởi một cơ quan duy nhất nhưng ở một số nước khác như Argentina, có 3 cơ quan khác nhau đánh giá về các rủi ro này”.
Tại VN, các biện pháp quản lý rủi ro được thực hiện rất chặt chẽ bao gồm việc quản lý thất thoát sinh vật BĐG hoặc vật liệu di truyền của sinh vật BĐG ra ngoài khu vực khảo nghiệm, bảo vệ an toàn đối với cán bộ thực hiện khảo nghiệm, quản lý rủi ro, sự cố xảy ra trong khu vực khảo nghiệm, tiêu hủy sinh vật BĐG và sản phẩm của sinh vật BĐG sau khi kết thúc khảo nghiệm. Theo TS Dương Hoa Xô, công tác khảo nghiệm đồng ruộng của cây ngô BĐG trên diện hẹp cũng như diện rộng đã được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định khảo nghiệm của Bộ NN-PTNT. Các kết quả cho thấy cây ngô BĐG không có những nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại; không ảnh hưởng xấu đến sinh vật không chủ đích; không có nguy cơ làm thay đổi bất lợi đến hệ sinh thái xung quanh và các tác động bất lợi khác.
Quang Thuần
Bình luận (0)