Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đang tổ chức lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân về đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty tư vấn thiết kế JiNa (Hàn Quốc) thực hiện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu xây dựng dày đặc các công trình rất khó bảo đảm tính nguyên vẹn của dòng chảy.
Phối cảnh sông Hàn của JiNa - Hàn Quốc - Ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng TP.Đà Nẵng
|
Giữa tháng 6.2015, JiNa đã gặp và trình bày với Thành ủy, UBND TP những ý tưởng nhằm hình thành trục cảnh quan xanh quanh sông Hàn kéo dài từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước, biến con sông Hàn thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
|
4 phân khu
JiNa đề xuất quy hoạch sông Hàn thành 4 phân khu (công viên sinh thái, công viên trung tâm, khu vực phát triển năng động và khu vực công viên cổng ngõ) và các khu vực ven sông sẽ liên kết 4 phân khu nêu trên tạo thành một khu vực tuần hoàn liên tục.
Đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Rồng, theo JiNa sẽ được quy hoạch thành khu vực công viên sinh thái với không gian xanh rộng lớn. Ở đó, sẽ xây dựng một vòi nước cao hình rồng, khu vườn mùa xuân, các công trình xây dựng không quá 4 tầng, xây dựng bến du thuyền. Những công trình dịch vụ tiện ích, khu thương mại cao cấp, giải trí... sẽ tập trung ở khu vực từ cầu Rồng đến cầu sông Hàn. Một công viên trung tâm, khu công viên trên bờ phía đông hay cảng du thuyền, khu vui chơi, biểu diễn nghệ thuật đường phố sẽ nằm trọn đoạn từ cầu sông Hàn đến cảng sông Hàn. Trong khi đó, đoạn từ cảng sông Hàn đến cầu Thuận Phước sẽ tạo ra một khu đảo nhân tạo làm điểm nhấn, xây dựng một công viên nước kéo dài thân thiện với môi trường sông nước và là nơi trình diễn các sự kiện nổi trên mặt nước...
Tất cả các ý tưởng về 4 phân khu đều hướng đến việc xây dựng một không gian xanh để mọi người dân và du khách có thời gian trải nghiệm, thư giãn và tận hưởng thiên nhiên hài hòa giữa sông xanh và biển cả. Bước đầu JiNa đề xuất tăng không gian cây xanh ven hai bờ sông Hàn từ 5% lên 10%. Sẽ phân kỳ quy hoạch giai đoạn 1 ở khu vực cảng sông Hàn và công viên trên cao để tạo thành điểm lõi của dòng sông Hàn.
UBND TP đã giao cho Sở Xây dựng công khai đồ án Quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn của JiNa trên website của sở (http://www.sxd.danang.gov.vn) và Viện Quy hoạch xây dựng TP (http://danangupi.vn) với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh phương án cuối cùng trình UBND TP xem xét, phê duyệt.
|
Không nên xây các bến du thuyền khổng lồ
Dẫn kinh nghiệm từ vịnh Marina của Singapore, KTS Trần Thanh Tuấn (TP.HCM) cho rằng chỉ một con vịnh nho nhỏ nhưng Singapore đã quy hoạch, xây dựng nơi đây trở thành một “thiên đường chốn nhân gian” với quần thể kiến trúc bao gồm những tòa nhà chọc trời, những khu vườn treo phát triển liên hợp các dịch vụ thương mại, khách sạn, giải trí... Đặc biệt, vịnh Marina còn là địa điểm tổ chức các lễ hội đón năm mới hoành tráng bậc nhất thế giới như lễ hội đếm ngược thời gian, bắn pháo hoa... Vì vậy nếu Đà Nẵng quy hoạch, xây dựng bờ sông Hàn một cách bài bản chắc chắn sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Nói về việc hiện nay TP.Đà Nẵng đã cấp phép xây dựng hàng loạt bến du thuyền, trong đó đã có một bến du thuyền có kiến trúc cao đến 5 tầng trên sông Hàn, KTS Tuấn cho rằng không nên xây một bến du thuyền khổng lồ trên sông như vậy bởi nó sẽ che chắn tầm nhìn. Ông nhận định việc Công ty CP đầu tư DHC xây dựng cầu tàu và bãi đỗ du thuyền trên sông Hàn cao đến 5 tầng chiếm gần 1 km bờ sông sẽ “giết” sông Hàn, phá vỡ cảnh quan cũng như tác động tiêu cực đến dòng sông, hệ sinh thái và có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước. “Có thể xây dựng bến du thuyền trên sông nhưng đó chỉ là những cầu tàu, phao để có thể tấp du thuyền, ca nô vào chứ không thể xây dựng một công trình hoành tráng trên sông như vậy được, nhất là nó phục vụ mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng (TP.HCM) nhận định, hiện quỹ đất sông Hàn không còn nhiều nên rất khó cho bài toán quy hoạch nếu chính quyền không có sự quyết tâm. Ông Dũng lưu ý: “Trên sông không nên xây dựng bến du thuyền vĩ đại, những công trình có tính chất kinh doanh nên dời vào trong. Bởi đối với dòng sông tầm nhìn quan trọng, lấn sông gây nhiều hệ lụy như thay đổi dòng chảy. Nhà hàng trên sông sẽ thải nước gây ảnh hưởng môi trường. Thế giới họ tôn trọng sông nước nên không bao giờ xây nhà hàng, thủy tạ, bến du thuyền hoành tráng trên sông”.
Một dự án đã xây dựng trên sông Hàn - Ảnh: H.Trà
|
KTS Võ Trọng Nghĩa cũng góp ý: Một TP du lịch thì nên là một TP xanh. Với đặc thù của Đà Nẵng hiện nay hoàn toàn có thể xây dựng thành một TP du lịch xanh như Singapore. Cụ thể, Đà Nẵng có thể làm các công viên khổng lồ dọc bờ sông trong đó có thể kết hợp với các hạng mục khác như các khu vui chơi giải trí, khu vực bố trí các trò chơi vận động, lối đi bộ, chơi thể thao cho người dân, du khách. Ngoài ra, ở khu vực này nên có những quy định đối với việc xây dựng, sửa chữa nhà phải trồng cây xanh, hoa cỏ trên mặt tiền, trên mái nhà... như một công viên thẳng đứng bao bọc sông Hàn tạo thành điểm nhấn cho cả TP.
Ý kiến Không gian dòng sông nay đã quá chật KTS Huỳnh Tòa, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Phó chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, phân tích: “Cần lưu ý trong quy hoạch và cấp phép xây dựng bến du thuyền dày đặc tại hai bên bờ sông Hàn là về chức năng thoát nước. Với dãy Trường Sơn che chắn sừng sững, địa hình đồng bằng miền Trung bị thu nhỏ, hẹp, nên các dòng sông thường có độ dốc rất lớn, dòng sông Hàn không là ngoại lệ. Thế nên, nếu xây dựng dày đặc các công trình phải hai bờ sông, đặc biệt nhiều bến du thuyền với hoạt động tấp nập rất khó bảo đảm tính nguyên vẹn của dòng chảy. Dòng chảy sẽ bị ảnh hưởng, nhiều trụ bê tông được xây dựng để làm bến du thuyền và kể cả dự án nhà dịch vụ cao mấy tầng tại bến du thuyền sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy khi mùa lũ về. Việc thoát lũ sẽ bị ảnh hưởng là cái chắc”. |
Bình luận (0)