Thần vệ nữ

16/09/2012 03:05 GMT+7

Cho đến mười năm sau, tất cả những vết thương đã thành sẹo và thậm chí, vết sẹo có thể không còn do những sợi collagen tổng hợp màu trắng trong có trong mô sợi đã hoàn thành nhiệm vụ của nó một cách xuất sắc, xóa hết đi dấu vết thì cô vẫn còn mang chứng buồn nôn, thể nhẹ, dư chấn của một cơn địa chấn làm gãy đổ hết mọi thứ mỗi khi có chi tiết nào dù rất nhỏ liên quan đến cú sốc ngày ấy vô tình va đến.

Đó là một buổi sáng mùa thu, trời xanh, mây trắng và nắng rất nhạt. Cô nhớ rất rõ khi ấy cô mặc chiếc áo đầm màu xanh có hoa rơi rơi li ti màu vàng. Tâm hồn cô thật trong trẻo như bầu trời kia, mây chỉ có màu trắng và trời thì chưa bao giờ xanh đến thế. Người giúp việc mở cổng cho cô với ánh mắt thật ái ngại và có vẻ lần khân rất lâu mới miễn cưỡng làm công việc tra chìa vào ổ khóa. Cô dắt chiếc xe đi vào. Trên vuông cỏ xanh mịn, dày và mướt có những con chim sẻ líu ríu chuyện trò rồi tung lên cao đuổi bắt nhau. Nắng nhảy nhót trên tàng cây hoa sứ, hoa đỗ quyên đỏ làm thành vạt như tấm thảm do có bàn tay người chăm sóc tốt. Tất cả mọi thứ nơi sân vườn đều hoàn hảo.

Chưa vội vào nhà, cô đứng lại, ngó bao quát không gian thật nhẹ nhàng và yên ả này và rồi cô mỉm cười với ý nghĩ rằng có lẽ chị ấy sẽ rất thích những tấm ảnh cô vừa chỉnh sửa xong tối hôm qua. Chị ấy là người cầu toàn, sẽ kiểm tra từng góc khuất nhỏ nhất và sẽ lắc đầu nếu có chi tiết nào chị cảm thấy vướng víu, cho dù nó không hề ảnh hưởng đến bố cục hay nội dung bức ảnh. Cô cũng thấy mình thật bao dung với một người đàn - bà - trẻ - con, lúc nào cũng muốn đi ngược thời gian và làm mọi cách phá vỡ guồng máy của chiếc đồng hồ, bắt nó phải quay theo chiều ngược lại bằng sự trợ giúp đắc lực của dao kéo nhằm kéo dài tuổi xuân.

Từ gương mặt cho đến hình thể. Cô biết, đó không chỉ là ham muốn tột bậc mà còn là sự chịu đựng. Khi người ta chấp nhận đau đớn để tìm hạnh phúc, cho dù hạnh phúc ảo và ngắn ngủi thì đó cũng là điều đáng nể phục (?). Những tấm ảnh “thần vệ nữ” đã được cô chụp một cách chăm chút và hoàn toàn có trách nhiệm. Tình thân bao năm giữa hai người đã khiến cô làm việc đó một cách nghiêm túc dù cô biết rất rõ, đôi khi chẳng để làm gì, nhưng, với người đàn - bà - trẻ - con thì đó là điều thích thú, nó như một niềm tin để sống. Có những người quan niệm họ phải đẹp để tồn tại. Họ xấu có nghĩa mọi thứ chấm hết!

Bước đến bậc thềm, cô nghe có tiếng nhạc thật nhẹ vẳng ra từ phòng khách. Giai điệu của dương cầm mỏng và nhanh. Cô nhón chân lên thềm, cửa phòng khách không đóng. Cô cởi giày và đi vào. Mắt cô bị phản ứng nhẹ bởi ánh sáng và bóng tối nhạt. Định thần một lúc cô mới nhìn thấy bên trong và rồi cô sững lại, chết trân. Một cảnh tượng mà có lẽ cả đời cô dù trí tưởng tượng phong phú đến cỡ nào cũng không hề nghĩ đến. Chồng cô đang ngồi trên sofa màu đỏ, và gọn trong lòng anh là “tượng thần vệ nữ”.

Nhạc công piano đang lướt nhanh tay trên phím dương cầm, khi nhặt, khi khoan, khi nhẹ nhàng, lúc lười biếng và giai điệu lên đến cao trào, nóng bỏng nhất thì mọi thứ bất ngờ chìm vào yên lặng. Sự tĩnh lặng đến ghê người của âm thanh bị thắng gấp vì cúp điện đột ngột. Cô thấy mình không thở được và phản xạ vô thức cô quay lại chạy nhanh ra ngoài. Những tiếng động nhỏ đã làm bừng tỉnh vũ điệu trong phòng khách. Chồng cô đã nhận ra bóng ai thấp thoáng nơi cửa. Khi anh chạy ra đến bậc thềm thì cô đã lách qua cánh cổng cao và hối hả vẫy chiếc taxi vừa trờ tới. Anh gọi tên cô bằng âm thanh của những phím dương cầm rơi lả tả, gãy vụn, nó như tiếng thủy tinh vỡ cứa vào tim cô muôn ngàn vết thương, rỉ máu. Cô không hề nhìn thấy nụ cười thật ẩn ý của người giúp việc đang đứng nửa trong, nửa ngoài cánh cổng sắt.

Một tuần liền sau đó cô chìm trong trạng thái của người bị sốc. Miệng cô đắng ngắt, khô khốc, môi nứt nẻ và đầu óc chao đảo liên tục, có lúc trơ ra, mụ đi. Nằm nhắm mắt thì êm, mở mắt thấy chung quanh quay cuồng. Và đặc biệt, lúc nào cô cũng cảm giác buồn nôn, chỉ cần một suy nghĩ nhỏ liên quan đến ngôi biệt thự, “tượng thần vệ nữ” là cô nôn thốc tháo. Mật xanh, mật vàng và chẳng còn gì để nôn thì nôn khan. Người đàn ông đã thể hiện sự hối hận và cầu xin cô tha thứ. Khi lòng kiên nhẫn đến giới hạn cho phép mà không đạt được mong muốn thì anh ta bỗng bộc phát những cơn giận dữ không kìm được:

- Thà cô chửi tôi đi, cô la hét to lên đi, thậm chí cô đánh tôi đi, chứ cô cứ nôn như vậy chẳng khác nào sỉ nhục tôi đến tận cùng.

Đến khi cảm xúc tràn ra như chiếc xe xuống dốc không phanh:

- Cô có nôn thì về mà nôn trên bàn thờ nhà cô.

Bát nước đã hắt đi đến giọt cuối cùng. Cô nhìn anh bằng ánh mắt vô thức, và cô nói như van lơn:

- Xin anh hãy rút lại lời nói ấy đi, không phải cho em mà là cho con gái của chúng ta. Cái nghiệp này là của anh và em, con gái hoàn toàn vô can. Lời anh nói ra sẽ là phước của con gái sau này!

Giọng người đàn ông nặng nề, u uất:

- Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần, người ta có thể vì một phút lầm lỡ nhưng không thể quy kết tội cho họ cả đời. Tôi là nghệ sĩ, đôi khi cần có những tình cảm giống như liều doping làm chất xúc tác. Chút quan hệ ngoài vợ chồng ấy chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống cả. Cô còn không hiểu tôi thì ai hiểu tôi trên đời này nữa? Cô thừa biết tôi làm sao yêu được bức “tượng thần vệ nữ” phải qua nhiều lần chỉnh sửa. Mọi thứ đều là giả, giả hết, cô hiểu không? Mà, cũng là lỗi ở cô thôi, tại sao cô giữ lại những tấm hình trong máy vi tính? Người ta kích thích lòng tham con người vì để sơ hở của cải, cô biết không?

Cô biết, khi đã không còn niềm tin thì tất cả mọi cuộc tranh luận đều rơi vào bế tắc, nên cô chọn cách im lặng. 

Mọi thứ qua nhanh như một cơn bão quét, cô và con gái dọn về căn nhà cha mẹ cho thời cô chưa lập gia đình. Cuộc sống sang trang, tuy nhiên, cũng từ đó cô mang chứng buồn nôn, đôi khi vô cớ. Để chế ngự cơn buồn nôn, cô phải nhờ đến sự hỗ trợ của một ngụm nước và chấm chút muối trên đầu lưỡi rồi nhắm mắt trấn tĩnh lại. Có lúc cơn buồn nôn ào ạt trào lên, đó là lúc cô thấy mình bất lực với phản ứng của cơ thể khi dây thần kinh tủy sống đóng vai trò là cáp dẫn truyền cảm xúc bị tác động mạnh. Nhiều lúc, đối diện một mình, với chính mình, cô phân tích sự cố chấp và nguyên nhân gây ra thảm họa ấy.

Tại sao cô không xóa đi những tấm hình “thần vệ nữ” sau khi chép đưa hết cho chủ nhân của nó. Cô giữ lại làm gì trong máy tính có nối mạng nội bộ trong nhà, mọi người có thể đọc đĩa cứng máy cá nhân của nhau. Chồng cô đã nói đúng, không có gì kích thích người khác động lòng tham là để hớ hênh tài sản. Không ai biết trước được những gì sẽ đến, có thể một đời bình yên nhưng cũng có cuộc đời đầy bão tố, và cũng có thể sự bình yên tưởng là vĩnh cửu lại bị phá vỡ trong tích tắc khi con người không kiểm soát. Làm sao biết được những gì sẽ xảy ra trong ngày mai, đừng nói là tháng hay năm?

Những ngày tháng êm đềm có cô ngồi nghe anh nói say sưa về nghệ thuật, về âm nhạc và về những bức tranh của anh, những điều anh đã và chưa làm được, những khát vọng đôi khi đến cháy bỏng, điên cuồng… Những lúc như thế cô biết cách làm cho nó dịu xuống và động viên anh không được nản lòng. Nghệ thuật luôn khắc nghiệt và cả hên xui. Cô biết rõ điều này!

Đôi khi cô nghĩ chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả, có chăng là lỗi của định mệnh. Cô cố chấp, hẹp hòi không đủ bao dung và vị tha để có thể quên những hình ảnh in quá sâu vào tâm khảm, nó như những dấu đục khắc.

Sau đó, cô phải tập quen dần với mọi thứ như đứa trẻ bắt đầu từ bài đánh vần. Cô tập chịu đựng những thông tin đôi khi vô tình lướt qua tai về cuộc sống sau này của “tượng thần vệ nữ”. Cuộc đời một người đàn bà có quá nhiều tham vọng và không biết nơi nào là điểm dừng. Mối quan hệ giữa chồng cô và người đàn bà ấy không kéo dài được bao lâu. Cô biết ngay từ đầu bởi đó là hai thái cực đối nghịch của cuộc sống, người nào cũng muốn hơn thua và tính toán được mất. Dù biết rõ như thế nhưng đòi hỏi một sự tha thứ thì cô hoàn toàn không làm được.

Một ngày, đó là năm thứ sáu sau khi cô và chồng ly hôn, buổi tối cô cùng con gái ngồi xem ti vi, có gương mặt người đàn - bà - trẻ - con chiếu chậm trong một hội nghị nào đó. Đứa con gái nhanh tay bấm remote chuyển sang kênh khác, nhưng không kịp nữa rồi. Cơn buồn nôn ập đến, con gái rót cho mẹ ly nước và bưng lên đĩa muối. Nhấp chút nước, chấm xíu muối vào đầu lưỡi, cô ngả đầu ra lưng ghế và thở dốc. Đứa con gái nhìn mẹ hồi lâu. Khi mọi thứ đã ổn, nó lên lầu và mở cửa phòng vẽ. Chậm rãi và cương quyết, nó bẻ đôi từng cây cọ và lấy kéo cắt hết mấy bức tranh dang dở. Ánh mắt người cha khao khát nhìn đứa con là họa sĩ thành danh sẽ thay ông làm những thứ mà ông không làm được rơi rớt xuống xuống sàn xi măng và tất cả được hốt bỏ vào cái bao bố to đặt giữa căn phòng. Khi người đàn ông có một mái ấm gia đình tử tế đã không làm nên danh phận thì vùng vẫy cách nào cũng không thoát khỏi định mệnh đã an bài cho người nghệ sĩ. Nghệ thuật là cuộc chơi không công bằng và suôn sẻ cho bất cứ ai. Có người có mọi thứ như sắp đặt của thượng đế, có người vẫy vùng trong cái bể bao la đó cả một đời vẫn không tìm thấy lối ra cho riêng mình, nếu không nói càng lúc càng bế tắc. Lại cũng có những người như con ong cần mẫn âm thầm làm công việc sáng tạo, cố gắng một ngày nào đó được công chúng chấp nhận nhưng hoàn toàn vô vọng! Suy nghĩ trong đầu đứa con gái mười sáu tuổi chưa hẳn đã đúng nhưng dựa vào các chi tiết thật đã xảy ra mà nó từng chứng kiến.

Xách bao bố xuống nhà, nhìn mẹ ngồi thẫn thờ chăm chú vào khoảng không trước mặt với ánh mắt vô hồn, đứa con gái dõng dạc tuyên bố:

- Con quyết định từ bỏ nghệ thuật. Con đường này đã không làm cho mẹ qua thời gian có một trái tim khỏe mạnh hơn mà ngày càng yếu đi. Con sẽ đi con đường khác để có thể bảo vệ trái tim của mẹ.

Cô bừng tỉnh quay lại nhìn con gái. Đôi mắt sáng, vầng trán cao và ánh nhìn đầy cương quyết. Cô hoàn toàn không muốn con gái từ bỏ nghệ thuật, không chỉ khát vọng của ba nó mà còn là mơ ước của cô và nhiều lúc tỉnh táo nhất, cô nghĩ rằng phải chăng đó là điều không bình thường?

Đứa con gái lao vào học như con thiêu thân. Giấc mơ trở thành thầy thuốc chữa bệnh, không chỉ vết thương trong tâm hồn của mẹ mà còn vì mong muốn được xoa dịu nhiều hơn những trái tim mong manh dễ vỡ khác nữa.

Phải mất mười lăm năm sau biến cố, chứng buồn nôn mới vơi dần và dứt hẳn. Liều thuốc thời gian quả có chậm so với một người bình thường. Chị đã tỉnh táo và khách quan hơn khi đón nhận những tin tức từ người đàn - bà - trẻ - con. Không còn lòng thù hận, không còn nỗi bức bách tức thở khi nghe nói về người đó. Quả bóng đã xì hơi. Tuổi tác là tác nhân giúp mọi sự dần trôi một cách nhẹ nhàng hơn cũng là lúc chị thấy quả tim mình có vấn đề. Máu chảy về tim không bình thường. Có lúc nó khiến chị bị mệt và ngất. Vết thương đôi khi liền sẹo nhưng để lại tổn thương ở một phần khác của cơ thể. Cô bác sĩ nhận ra mình đã tính đúng khi ngày ấy quyết định bẻ hết từng ấy cây cọ và cắt vụn các bức tranh dang dở.

***

Sau hai mươi năm, hai người đàn bà chạm mặt nhau trước phòng chờ khám tiền mê cho ca phẫu thuật ngày tới. Dễ dàng nhận thấy vẻ mỏi mệt của người đàn - bà - trẻ - con và những phản ứng ngược của việc cố tình làm khác đi sự sắp xếp của tạo hóa đã ban cho con người. Chị bỗng nhận ra rằng, thời gian là vị vua độc tài, thống trị và chỉ huy tất thảy. Có vùng vẫy thế nào rồi đến lúc cũng phải buông giáo quy hàng. Trái tim chị được con gái chăm sóc vỗ về, an ủi đến đâu cũng phải chào thua trước số phận. Chỉ có những ai đã trải mới hiểu được điều này. Một trái tim hưng phấn, thích phá tan bao cuộc sống êm đềm giờ đây lại cùng hoàn cảnh với trái tim một lần tan vỡ. Ông Tạo có công bằng trong trường hợp này hay không thì chị không biết, nhưng chị ý thức rất rõ rằng, cuộc đời con người đến tận cùng của tham, sân, si cũng chỉ có một nơi chốn. Chị thở dài lần nữa và cảm giác trái tim đang thốt lên lời trách cứ như bao năm qua nó đã từng trách cứ chị.

Cô bác sĩ trẻ đã nhận ra người đàn bà quen biết cũ ngày xưa. Có một thời chân sáo, áo đầm cùng tiếng cười đùa giòn vỡ, người ấy từng là thần tượng của cô. Cô nhìn thấy vuông cỏ xanh trong ngôi biệt thự và thảm hoa đỗ quyên đỏ ngày cô còn rất bé. Cô lại nghe âm thanh của dương cầm nát vụn trong ngôi nhà cũ của cô. Tất cả đều là bi kịch mà tạo hóa buộc mỗi người phải gánh.

Cô bác sĩ trẻ đến bên cô y tá đang đẩy xe cho người đàn bà và hỏi nhỏ muốn xem hồ sơ bệnh án. Một trái tim đã quá mỏi mệt! Cô bước đến và đặt bàn tay mình lên bàn tay người đàn bà. Không còn làn da mịn màng mát lạnh ngày nào mà giờ nóng và khô. Cô nói nhỏ: “Bác yên tâm, mọi người sẽ làm hết sức để chữa trị cho bác”.

Quay ra ngoài, cô dễ dàng nhận ra anh con trai lớn của người đàn bà ấy đang chờ với vẻ lo âu không giấu được. Họ đã từng có một thời tuổi thơ rất dễ thương cùng nhau. Sau đó mọi thứ tan vỡ.

Cô đến bên anh và nói:

- Hy vọng mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến. 

Anh nhìn cô, ánh mắt sáng, nụ cười tươi mà một thời tuổi nhỏ anh từng ao ước được sở hữu. Và tất cả chấm hết từ những sai lầm của người lớn. 

Chiều rơi chậm, tiếng những bàn chân bước vội, tiếng người nói lao xao. Cô quay trở lại phòng chờ và thầm cầu nguyện hai tiếng bình an. Quá khứ vĩnh viễn khép lại để tương lai có thể mở ra với những gam màu thật sáng. Tự dưng cô thèm cầm lại cây cọ và bay bổng với những mảng màu tươi mới. Cô sẽ để đôi bàn tay của mình thể hiện ước mơ của tình yêu thương và cảnh báo về lòng sân hận. Con người (đa phần) được sinh ra từ yêu thương, được nuôi nấng bằng yêu thương để lớn lên. Vậy mà, đôi khi, người ta phải mất một quãng đời dài mới tìm thấy lại yêu thương, có khi không thể bởi mãi nuôi lòng oán hận. Đó là hai phạm trù thuộc về con người luôn song song tồn tại mà bất cứ ai cũng có thể phạm phải sai lầm.

Truyện ngắn Đào Thị Thanh Tuyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.