Tháng 7 âm lịch: Vì sao dân gian gọi là tháng 'cô hồn', có phải kiêng làm những chuyện đại sự?

04/08/2024 07:45 GMT+7

Dân gian người Việt thường gọi tháng 7 âm lịch là tháng 'cô hồn' và kiêng làm những chuyện lớn trong gia đình. Quan niệm này có từ lâu và mang tính phổ biến, vậy vì sao lại có điều này?

Tháng cô hồn là bắt đầu từ ngày 1.7 đến 30.7 âm lịch (tức từ 4.8 đến 2.9 dương lịch). Tuy nhiên, theo quan niệm xưa sau ngày 15.7 âm lịch các cô hồn không còn nhiều nữa do Diêm vương đã cho đóng cửa Quỷ Môn Quan vào 12 giờ ngày 14.7 âm lịch.

Tháng "cô hồn" có nguồn gốc từ đâu?

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa Du lịch cho biết, việc gọi tháng 7 âm lịch là tháng "cô hồn" không có lịch sử rõ ràng. Tuy nhiên, theo truyền thuyết tháng 7 âm lịch là tháng có những người chết không có nơi nương tựa, không có gia đình, ma quỷ đi lang thang khắp nơi. Điều này gắn liền với thời xa xưa, mang tính phong tục.

Tháng 7 âm lịch: Vì sao dân gian gọi là tháng 'cô hồn', có phải kiêng làm những chuyện đại sự?- Ảnh 1.

Mâm cúng tháng "cô hồn" của người dân TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Trong việc thờ cúng, mọi người quan niệm người chết luôn được người sống cúng bái, thờ tụng. Tuy nhiên, có những linh hồn không đón được về với gia đình, những người ăn xin không được ai thờ cúng nên tháng 7 âm lịch là dịp để người sống cúng cho những người đó. Vì vậy, theo truyền thuyết tháng 7 âm lịch là tháng "cô hồn".

Nhiều người quan niệm, cúng đầu tháng, trước rằm tháng 7 (ngày trăng tròn). Tuy nhiên, có những năm nhuận, trăng tròn rơi vào ngày 16 âm lịch nên họ cúng muộn hơn. Cũng có những nơi quan niệm phải cúng vào ngày trăng khuyết (trăng non) cuối tháng 6 âm lịch. Theo phong tục của người Hoa, họ thường cúng vào ngày 16 âm lịch về sau vì đó là lúc trăng già, những vong linh nhận được đồ cúng một cách thuận lợi.

Tháng 7 âm lịch: Vì sao dân gian gọi là tháng 'cô hồn', có phải kiêng làm những chuyện đại sự?- Ảnh 2.

Nhiều người "cướp" lộc sau khi gia chủ cúng tháng 7 âm lịch

NGỌC DƯƠNG

"Truyền thống từ bao đời nay về việc cúng tháng 7 âm lịch vẫn diễn ra như vậy. Tuy nhiên, việc thực hiện có sự thay đổi vì người dân thời xưa cúng bái uy nghi còn ngày nay sẽ đơn giản hơn. Ngày nay, nhiều người cúng bánh, kẹo không chỉ cho những vong linh, vong hồn ở thế giới bên kia mà ngay ở trần gian. Vì vậy, chúng ta dễ dàng thấy cảnh người dân đến hưởng lộc, "cướp" lộc. Không ít nơi, họ còn cúng tiền thật, tung ra để mọi người đón nhận trong dịp cúng tháng 7 âm lịch", ông Hiền nói.

Vì sao kiêng làm việc lớn trong tháng "cô hồn"?

Với phong tục thờ cúng này, người dân hy vọng thế giới tâm linh của những người đã khuất, không nơi nương tựa, ma đói được bình yên từ đó thế giới đời thực cũng được may mắn, suôn sẻ. Người đã khuất khi được quan tâm, thờ cúng sẽ phù hộ cho những người ở cõi dương bình an, hạnh phúc.

Tháng 7 âm lịch: Vì sao dân gian gọi là tháng 'cô hồn', có phải kiêng làm những chuyện đại sự?- Ảnh 3.

Tháng 7 âm lịch nhiều người đi lễ chùa để cầu an cho người sống, cầu siêu cho người đã khuất

ĐỘC LẬP

Tháng 7 âm lịch, nhiều người thường kiêng làm những việc đại sự như cưới hỏi, xây nhà, đi xa, khai trương… Họ cho rằng, những điều này cần có sự may mắn nên sẽ không thực hiện vào trong tháng "cô hồn" – tháng ma quỷ, không có nhiều may mắn. Những điều này được truyền miệng từ đời này qua đời khác và được nhiều người thực hiện.

"Tháng 7 âm lịch hay tháng "cô hồn" là phong tục, truyền thống của người dân từ bao đời nay. Chúng ta tôn trọng suy nghĩ, giá trị tâm linh của mỗi người nhưng không đẩy thành những điều huyền bí, mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày", ông Hiền bày tỏ.

Có nhiều cách lý giải về phong tục trong tháng 7 âm lịch nhưng nhiều người cho rằng, các quan niệm đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn, đề cao tấm lòng báo hiếu, sống lương thiện, hiền lành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.