Tôi xách giỏ đứng bần thần giữa chợ. Đã không định mua, nhưng cái thúng gừng sẻ với những củ gừng nhỏ màu nâu óng cứ níu lấy mắt mình. Củ này đẹp quá, củ kia tròn căng, vừa đúng “tuổi” để sên mứt.
Phải lâu thật lâu, mùa này chợ mới có vài chỗ bán gừng sẻ ngon. Trong năm, muốn tìm gừng sẻ không phải dễ vì đa số các sạp rau củ đều lấy gừng Trung Quốc củ lớn, bán dễ hơn. Không phải ai cũng thích gừng sẻ vì cái vị cay nồng cay hỗn, như mọi thứ trong thân nó đều chỉ dành để nuôi dưỡng vị cay đậm đà đó thôi. Nhưng cũng nhờ vị cay đặc biệt đó, miếng mứt gừng sẻ khiến ta cảm giác cắn một miếng là đã đời một miếng, không phải như mứt gừng công nghiệp được tẩy trắng nuột nà được bày bán ê hề ngoài mấy sạp hàng kia.
Màu của mứt gừng sẻ là màu nâu xỉn ủ ê, không đẹp đẽ như mứt gừng công nghiệp đã tẩy trắng |
Dù bề ngoài miếng mứt gừng không hề gây được cảm tình nào với cái màu nâu xỉn ủ ê như miếng vỏ cây khô quắt queo. Nhưng bên trong là cái sự cay thơm nồng đượm khiến người ta thử qua một lần rồi bắt ghiền, thử thêm lần nữa, lần nữa…
Với tôi, miếng mứt gừng sẻ là thứ lưu giữ những kỉ niệm đẹp của thuở tết nghèo còn thiếu thốn nhiều thứ. Đó là thứ quà tết “ngoài dự tính” của chú thím tôi ở xứ Bình Dương dành cho chị em tôi mỗi khi ba đưa tôi về chúc tết gia đình. Những năm 1980 - 1990, khi nhà tôi làm ruộng, trồng lúa thì nhà chú thím cũng chỉ trông cậy hết vào mấy công đất rẫy chỉ trồng được mỗi trồng khoai mì, đậu phộng. Tết về, dù năm nào chú thím trúng mùa thì cũng chỉ đủ tiền mua thịt, rau, bánh tét để cúng kiếng ba ngày mùng.
Riêng khoản mứt tết, thím tiết kiệm bằng cách mua nguyên liệu về tự làm mứt. Xuất thân là người Bình Dương, nơi từng có rất nhiều lò mứt thủ công đã nổi danh từ đó, tay nghề của thím cũng vào hạng thượng thừa. Bình thường thím làm nhiều thứ mứt để con cháu trong nhà ăn thỏa thích. Nhưng cũng có năm kinh tế eo hẹp, được hàng xóm chia lại ít gừng sẻ với giá rẻ như cho, thím chỉ làm mỗi món mứt gừng. Vậy là bọn con nít chúng tôi được dịp thi nhau ăn cay, thi nhau uống nước no căng bụng.
Miếng mứt gừng sẻ cay thơm nồng đượm |
Có năm tôi được về Bình Dương sớm, khoảng 25 tháng chạp, ngay ngày đi “giẫy mả” (dọn mộ) cho ông bà đã khuất. Việc giẫy mả chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ để dọn cỏ, thắp nhang cúng kiếng. Nhờ vậy mà tôi còn lại được cả ngày học lóm mấy công đoạn làm mứt gừng sẻ ngon từ thím. Thím kỹ tính, chọn từng củ gừng như chọn hoa hậu. Rồi nạo vỏ tỉ mỉ bằng cái muỗng inox chứ tuyệt nhiên không xài dao. Có lẽ nhờ vậy mà tinh dầu gừng mới được khơi lên nồng đậm. Mùi gừng tỏa khắp căn nhà, hít một hơi nghe khỏe re như người vừa trở mình sau khi trút được cơn cảm mạo mệt nhừ.
Nồi gừng luộc tỏa mùi thơm bay khắp nhà, thứ mùi mà hít cái thấy khỏe re cả người |
Nạo vỏ gừng xong củ nào là phải ngâm ngay vô thau nước chanh pha loãng để gừng không bị thâm đen. Sau đó thím rửa sạch từng củ, rồi bào thành từng miếng mỏng bằng bàn bào. Miếng gừng đạt chuẩn là bào không ra sợi xơ chởm chởm, mỏng vừa, không quá dày để khi sên không bị nát, khi thành mứt không bị cứng. Những lát gừng đó lại được ủ một nhúm muối hột cho ra hết chất đắng. Rồi lại ngâm trong nước vo gạo nửa ngày trời. Trước khi ướp đường, đem sên thì gừng lại phải luộc qua hai ba bận nước sôi để hạ bớt vị cay. Đây có lẽ là công đoạn mà tôi thích nhất. Vì nó nhàn tênh, chỉ việc bắt nồi nước, chụm củi, chờ sôi, thả gừng vô nồi rồi ngồi đó đợi mùi gừng bay ngào ngạt khắp nơi.
Cái mùi gừng thơm nồng đó không lẫn vào bất cứ mùi nào khác. Nó đậm đà đến nỗi sau này mỗi lần đi chợ, chỉ cần nhìn thấy gừng là mũi tôi như dậy lên mùi gừng luộc của thím năm xưa.
Tôi làm lại mứt gừng sẻ để được hít hà đã đời mùi tết từ miếng gừng cay |
Mấy năm nay tết nào tôi cũng lọ mọ bắt chước thím làm ít mứt cho sấp nhỏ. Riêng mứt gừng sẻ thì chỉ hai vợ chồng nhâm nhi với trà nóng. Chồng tôi cũng ưng món mứt gừng sẻ, nhất là trong mùa se lạnh này. Cắn miếng mứt cay thơm, hít hà một hơi, rồi nhấp ngụm trà chát, anh nói mình sướng hơn khối người vì đã được ăn tết sớm, hít hà đã đời cái mùi tết từ miếng gừng cay…
Bình luận (0)