Một
Như thường lệ, mới đầu chạp chị đã lo kêu thợ tân trang lại quán. Và nhân tiện quét sơn lại trần với tường nhà. Quán cà phê của anh chị nằm ở một vị trí thuận lợi với mặt tiền hướng ra đường cái và phía sau là sông. Anh cho cất một nhà thủy tạ mái tranh đơn sơ, sát mép nước.
|
Nhưng suốt mùa đông vừa qua, chẳng có vị khách nào dám ngồi ở đó. Gió sông thông thốc đem theo khí chướng và những cơn lạnh buốt da. Ngược lại, trời nắng nóng ai cũng muốn ra đó để hưởng chút mát mẻ từ con nước và từ gió bốn bề, lồng lộng. Chỗ ở của gia đình anh chị nằm ở tầng trên và có nhiều cửa sổ nên đứng ở hướng nào, sông cũng ngay tầm mắt. Suốt ngày tất bật với bao công việc, hết việc quán rồi tới việc nhà. Nhưng có bận bịu đến đâu chăng nữa, chị vẫn luôn dành thời gian cho sông và thấy vui.
Sông, hết sức gắn bó và thiết thân với người phụ nữ duy nhất của cái gia đình này. Nên anh và các con không lạ, khi, một hai chị đòi đặt tên của quán cà phê là “Sông” mặc cho rất nhiều người phản đối. Bà nội tụi nhỏ nói: “Tao ưa bông cúc mà phải là cúc vàng. Vậy cứ cúc vàng đặt, cho nó... bình dân mà cũng tươi tắn, sáng trưng chứ bộ!”. Thằng út ngứa họng, trả treo: “Còn con thích bông vạn thọ vậy đặt tên vạn thọ sao!” khiến cho chị phải trừng mắt với con và anh, nổi bực: “Trời ơi! Hết chuyện sao! Bông vạn thọ để chưng bàn thờ cúng mà mày...”. Bà ngoại muốn “Thủy Tiên” để luôn nhớ đến em gái của chị đang sống tha hương. Cô bạn thân đề nghị “Tâm An”, không quên giải thích: đó, như niềm mong ước của con người. Nhắc đến chuyện này, trong bữa cơm sau đó với chỉ riêng gia đình mình, thằng đầu của anh chị phản đối: “Rồi như, con ưng yêu đương lung tung thì cũng đem quán của nhà mình ra đặt tên là “Tim sốc” sao!” làm mọi người không nín được, bật cười.
Nói thật, những cái tên đó lọt vô tâm trí chị và chuội đi, tuột trôi tức khắc. Chỉ có “Sông” là nghiễm nhiên ở lại. Chỉ là “Sông” với duy nhất một từ lóe lên trong tâm hồn chị và bám riết, không chịu buông rời. Hồi còn con gái, chị ao ước mình được làm chủ một cái quán cà phê nhưng cái tên chưa hề ló dạng. “Sông” chỉ định hình, khi chị đã thuộc về nơi này và thường xuyên hiển hiện, hồi rõ rệt lúc chập chờn trong những giấc mơ của chị, suốt mười năm đầu về làm vợ anh. Khi hãy còn yêu nhau, anh có đưa chị về ra mắt gia đình. Bữa đó, má anh nấu cho chị ăn một bữa cơm quê đúng nghĩa và ngon miệng quá chừng. Các thứ rau quơ đại quanh nhà được má phân ra làm hai loại: loại để ăn sống và loại để nấu canh tập tàng. Chị còn nhớ ăn sống có rau càng cua. Loại rau này giờ mới được dân phố tiêu thụ nhiều chứ trước đây trên hai chục năm, chắc chỉ có vùng này mới biết thưởng thức. Và rất khác thành phố, rau tập tàng lại nấu với đậu phộng sống giã nhỏ. Chưa đủ, còn có một chén muối hột giã với ớt xanh để chấm mấy thứ rau nấu canh đó. Con cá ở sông Côn trên đó cũng ngon gấp vạn lần con cá ở sông Hà Thanh dưới này. Cá ngon và rau ngọt, những ân cần thật thà của má, những gần gũi chân chất của các em anh và dòng tộc trên này đã thêm sức đẩy cho chị mạnh dạn, gật đầu ưng thuận.
Hồi đó, anh có chở chị ra bờ sông chơi cho biết. Sông đẹp quá! Chị kêu lên với anh và bỡn cợt: “Biết đâu em chịu bỏ thành phố lên tận đây làm dâu vì con sông này”. Và anh độp ngay:
- Bộ không sợ có người tự ái sao?
- Mắc gì sợ chứ!
- Vậy ra thẳng bến xe về dưới đi... Về coi có thằng trai phố, trai vườn nào phù hợp thì lấy.
- Lấy chi?
- Lấy, để mà tưới tắm bắt sâu và gánh rau ra chợ bán.
- Còn không?
- Thì suốt ngày bịn mình trong cửa hàng, cửa hiệu bán bán buôn buôn. Cho khỏe.
- Em không ưa trai vườn. Em không thèm trai phố. Anh không ưng em cũng quyết kiếm chồng xứ này.
- ...
- Và, nhất định sẽ mở một quán cà phê rất đẹp ở ngay đây.
Hai
Trên mười năm sau, một cái quán như thế mới có thể góp mặt với đời và chấm dứt những khát khao triền miên trong chị. Vừa mừng vừa lo, chị mất ăn mất ngủ cả năm ròng. Có gần năm trăm mét vuông đất cho chị thỏa sức sắp xếp quán theo ý mình. Cũng may là hồi đó, thằng lớn nhà chị đang học năm cuối kiến trúc và rất hiểu ý mẹ trong việc thiết kế. Những ý tưởng lay bay trong đầu chị liền được con biến thành hiện thực và cũng hết sức... lay bay. Những tưởng được thế, “Sông” sẽ dập dìu khách như dòng sông dưới kia, dạt dào con nước lênh láng nước. Vậy mà suốt một năm đầu, quán hết ế ẩm rồi đến đông đảo hỗn tạp với muôn sự rối ren khiến chị ốm o, phờ phạc. Anh đã nói đến việc dẹp quán nhưng chị không cho phép mình được quyền nghĩ đến một kết thúc tồi tệ như vậy. Chị đã đặt vào “Sông” tất cả vốn liếng của gia đình mình. Chị đã gom góp cho quán đâu chỉ có bạc tiền. Chị sẽ đối diện, đêm đêm, với những cơn ngủ trắng phớ không mộng mị của mình như thế nào đây? Giấc mơ không thèm ghé về có đâu cật vấn, tra hỏi? Những lúc “Sông” quán hành chị vật vờ, khổ sở thì dòng sông dưới kia đỡ nâng chị, vỗ về chị. Có những đêm rã rượi vì quán chị ra ngồi với sông, rất khuya. Và, nhận ra những nỗi niềm mình được san sớt. Thấy đỡ cô đơn và được an ủi. Để, sau mỗi lần như thế lòng chị lại bớt đi nhiều phần trĩu nặng. Đã nhẹ thoáng hơn và có thêm sức mạnh. Năng lượng được nạp trở lại khiến chị tỉnh táo cân bằng và với tâm thế ấy, chị đã giữ được “Sông” cho đến tận chạp này.
“Sông” gắn kết vào đời chị như thế đó! Mạnh mẽ mà uyển chuyển, khốc khô uy quyền mà mượt mà xúc cảm. Tựa như dòng sông dưới kia vẫn trôi ngang nơi này, ngày bữa. Sông, mùa nước dâng lũ tràn hung dữ và mùa êm đềm phẳng lặng hiền hòa. Quán cà phê của chị, có số khách không đến nỗi thưa thớt nhưng cũng chẳng đông đảo gì! Chỉ bấy nhiêu đó, có chừng. Nhưng, rất tử tế. Để được như vậy “Sông” cũng phải mất một khoảng thời gian, cho những đổi thay để thích nghi và sàng lọc. Khách của chị, im im trầm trầm. Họ đến và ngồi vào chỗ của mình, góp với bạn bè dăm ba câu chuyện. Nghe những khúc nhạc hay và thưởng thức thứ thức uống mà mình thích. Họ quý chị. Cả nữa mùi cà phê đậm đặc, những lùm cây, một khoảnh trời, con nước vơi đầy dưới kia, tiếng cốc ly va chạm lanh tanh... Và họ nhận ra mình không thể rời bỏ nổi nơi này bởi sự gắn bó, những thiết thân.
Tất nhiên, là những cảm xúc rất khác khi có “Sông” trong đời. Không như là đã có với anh và các con. Nhưng, cùng với tổ ấm đẫm ngập thương yêu này, cứ như thể “Sông” đã giúp chị nhận ra mình. Chị, được là chị chứ không phải một ai đó khác. Được mỗi sớm trở dậy, đi bộ ra con sông phía sau nhà rồi làm mấy vòng, loanh quanh quán. Rồi nấu nước châm trà, chế cà phê trong khi cô phụ việc quét tưới sân vườn và lau chùi bàn ghế. Anh hay nhắc chị dậy muộn một chút để giữ sức khỏe vì đêm đã phải thức khuya. Nhưng chị cũng có cái lý của mình. Dậy sớm để chuẩn bị các việc chu đáo và trên hết, để thưởng thức trọn vẹn ly cà phê đầu tiên ở “Sông”. Ly cà phê chính chị pha cho riêng mình. Với những khoảng đầu ngày tinh tươm được ở ngay ngôi nhà mình, quán của mình và từng ngụm, từng ngụm đen sánh nhâm nhi trong muôn vàn hứng thú.
Ba
Anh thi thoảng phải đi công tác xa, về đến nhà việc đầu tiên là thả người thoải mái trên cái võng mắc nơi lùm tre kia, xin bà chủ quán một ly nước chanh to ít đường nhiều đá. Rồi quần soọc khăn tắm vắt vai lững thững ra sông. Thằng con thiết kế cho nhà một cái bến tắm với nguyên liệu là tre, dây thừng bện và những thanh gỗ đủ hình dáng, rất ấn tượng. Thoảng, khi vơi khách và tốt trời chị thích ra đó ngồi. Thõng cả hai chân xuống nước, đập vỗ vu vơ và nghĩ ngợi vẩn vơ. Những ý nghĩ không làm mệt trí lại khiến cái đầu nhẹ tênh. Đôi khi chị tự nhủ: Đó, những ý nghĩ rời và thấy hay hay.
Tháng trước, thằng lớn có việc tạt về nhà mấy hôm và dành trọn ngày làm một cái góc nhỏ thay đồ, gần bến tắm. Chị hỏi: “Chi vậy con?” cậu nhỏ cứ tủm tỉm cười. Nhà ba người đàn ông, vẫy vùng bơi lội trên sông đã đời rồi cứ quần ướt băng về nhà. Còn chị thì cứ nguyên bộ đồ, đâu sao! Đã có sẵn một con đường nhỏ từ dưới sông lên thẳng chỗ ở, không hề dính dự gì tới khu vực bán buôn. Vậy cần gì cái chỗ chút xíu đó. Mà thằng nhỏ cũng thật khéo nghe. Đúng là dân thiết kế. Nho nhỏ và hay hay. Chừng con gần đi thì chị bật hiểu. Bởi, dợm bước lên xe ông nhỏ mới chịu nháy mắt nói khẽ vào tai chị: “Tết, cả hai đứa con cùng về nghen má”. Chị kể lại với má chồng, bà cụ cười mãi. Còn anh khi nghe chuyện, nâng ly rượu thuốc bữa cơm chiều, nhấp một hơi dài rồi đủng đỉnh: “Cũng nịnh... vợ dữ ha! Cái này dứt khoát là hơn ba nó rồi”.
Chuyện bồ bịch của cái thằng đây cũng khiến chị không hiếm lần rối trí. Hai đứa chúng nó thương nhau suốt mấy năm đại học và cũng vì nhỏ này mà con trai chị quyết định ở lại Sài Gòn làm việc. Chị thấy cũng bình thường nhưng anh gia trưởng ghê. La con ào ào qua điện thoại, chưa đủ, còn vô trong đó gặp hai đứa... la tiếp. La sao la, tụi nó cứ sít rịt, vậy là bất lực “tùy bay” trong rất nhiều bất bình, bất mãn... Chị rất thương chồng, ngó sơ là hiểu ý. Cái kiểu này nói ổng mặc áo vét đi thăm nhà gái thì cũng ừ liền mà đi hỏi vợ cho con cũng ừ ngay. Nhưng đi trong tư thế không thèm dòm sui, dòm họ hàng và ai hỏi tới là cộc lốc trả lời. Mà vậy, tội các con... Bởi đó, chị mới phải nghĩ kế. Cái con người này ưa ngọt lắm kìa! Đêm đêm, nằm lại bên nhau chị rủ rỉ rù rì. Và cứ từng chút một, khi nịnh nọt khi thầm thào, miết miết, cho tới hồi anh chịu nói gọn lỏn: “thì cưới”, chị mới thở ra nhẹ nhõm. Chị hình dung “Sông” một ngày tổ chức tiệc tùng cưới xin cho con mà mừng ứa nước mắt.
Trời đổ mưa suốt mấy hôm nay, khiến chị thêm khổ vì phải hong sấy mớ kiệu và mấy thứ củ ngâm mắm. Quen kiểu ăn quê, kiệu nhà làm mặn mòi chứ không lơ lớ, ngòn ngọt như kiệu người ta bán. Cũng vậy, miếng mứt gừng, chị làm, xắt vừa phải nên còn đậm đà lắm vị cay. Đồ đi mua ngậm trong miệng cả đỗi vẫn chỉ là chút hương, rất thoảng. Bà nội chê rồi anh từ chối. Đồ ăn ngày tết và bữa cơm ngày thường ở nhà vẫn không khác mấy hồi chị mới về làm dâu. Vẫn là những thứ rau củ trong vườn, quanh bờ mương, rào dậu... Vẫn cá ngựa hấp, cá lóc um, cá rô nướng mọi, chiên xù... Rồi mắm cua, mắm cá mương, cá trắng, mắm tép đồng... Tất cả, đều là những sản vật đánh bắt được từ dòng sông sát cạnh. Thương con, thôi thì mỗi lần tụi nhỏ về nhà chị túi bụi nấu nấu, kho kho rồi còn giành phần cho các con đem đi nữa chứ! Thằng lớn thi thoảng mới có mặt chứ thằng sau, học ngay dưới thành phố đây, tuần nào lại không về, ra bến sông đó hụp lặn bắt chán chê. Rồi ăn no nê đồ mẹ nấu và đùm túm đủ đầy, xách đi. Anh và các con hay nói: “Món của má ngon. Món của nhà...”. Còn chị thốt ra: “Là món của sông đó chứ!”.
Sông, khiến bữa cơm gia đình chị dẫu không được sum họp bên nhau vẫn luôn mặn mòi ngon miệng. Sông, khiến chị được là đàn bà đúng nghĩa là đàn bà: gian bếp nhỏ, lửa liu riu chị kho cho chồng con xoong cá lúi với nghệ tươi rồi lúi húi với mớ ruột cá niên muối mắm... Sông, khiến chị bận bịu nhưng cũng cho chị làm kẻ nhàn hạ nhất đời. Với những buổi trưa ra nhà thủy tạ bắc cái võng thiu thiu cơn ngủ. Nắng chan mặt sông nhưng hơi nước ẩm mát, theo gió phả lên từng chặp khiến nhẹ hẳn người. Có hồi, chị bắc cái ghế tựa ngồi dưới lùm cây trong sân nhà nghe tiếng tre đong đưa, kẽo kẹt. Sông hất gió đùa nhẹ trong lá tạo nên những âm thanh, rất ám gợi. Chị gọi đó tiếng gió sông.
Bốn
Hay thật! Là chạp năm nay. Sắp tới rằm mà nắng cứ như là nắng ráng. Và, nếu không mưa trời lại có cái âm u của tiết lạnh. Sông vẫn đẹp nhưng không khiến yên lòng. Quán ít khách hơn và chị tranh thủ lo chuyện tết, cũng hay. Chị trông trời nắng để giang mấy hũ mắm mới làm. Ái ngại, khi ngắm nhìn con nước. Sông khéo không kéo nắng về cho kịp với mùa xuân. Rất may rồi những ngày đẫm ướt, ngập ngụa trong mưa cũng qua. Nắng tràn với nước lên và gió sông, miên man và mơn man lùa vào từng tấc thịt da. Sáng nay chị được ngồi với một người khách, quê ở Hà Nội. Một phụ nữ tự giới thiệu mình tên My và tết tới là tròn tuổi bốn mươi. My nói thích quán và thích nhất, một góc nhỏ nơi nhà thủy tạ. Bằng chất giọng bắc rất ngọt và có chút điệu đàng, người đàn bà ấy rủ rỉ chuyện trò, bảo “Sông” cho người ta cái cảm giác cũ quen, như được về lại chính ngôi nhà mình.
Từ chuyện quán qua chuyện tết, hai người phụ nữ tự nhiên hào hứng hẳn. Nhất là khi nhắc đến ẩm thực ở ngoài bắc và miền Trung. My cho biết cả nhà cô ấy rất mê những sản vật xứ này. Nói chồng em rất thích rượu Bàu Đá và mấy mẹ con rất thích các thứ bánh ở đây. My hỏi chị, có cách gì đem được bánh hỏi về ngoài đó mà không bị hư? Chiều nay, cô ấy sẽ xuống phố và sáng mai thì bay. Chị chỉ cho My chỗ mua bánh ngon ở dưới đó, dặn đừng cho thoa dầu và để riêng hẹ. Người phụ nữ xứ bắc “ồ” lên, thích thú. Chị cũng muốn “ồ” lên như thế, khi dõi mắt ra sông.
Nắng, khoảng ngày này rất lạ! Nắng cứ như nắng mới. Những lóe sáng không gắt gay như trong mùa hạ. Nắng của mùa đông nhưng rất tươi mà không chói. Nắng những ngày cận tết có màu vàng chanh. Nắng ngập tràn sông và sông, sóng xoãi nắng. Đẹp quá! My bảo trời tốt thế này, thể nào mẹ em cũng đem áo dài nhung và cả áo khoác ra hong nắng để diện tết. Phơi để khô và hong để bớt mốc. Bởi mùa đông ngoài đó rất ẩm. Từ My, có một chút u xám vừa thoảng qua tâm trí nhưng chừng đấy không làm nắng chạp ở nơi này thôi gờn gợn, lung linh.
Chị muốn nói lời cám ơn người khách Hà Nội, cám ơn câu chuyện, cảm ơn nắng, cảm ơn chạp. Và với “Sông” nữa...
Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
Bình luận (0)