Tháng 'Củ mật' âm lịch của người Việt

Trong sinh hoạt dân gian thì tháng cuối năm âm lịch là tháng “Củ mật”. Mọi thứ phải được tính toán chi ly, kiểm soát chặt chẽ.

Mùa Xuân đang gõ cửa. Tháng Chạp mà người xưa nói là Lạp Nguyệt bắt đầu cho những lễ lạc cuối năm: giẫy mả tổ tiên, cúng âm linh, dựng nêu, đưa ông táo về trời, tất niên hay Đại Lạp và rước ông bà, đón giao thừa vào lúc trừ tịch... để đón mùa xuân.
Bao nhiêu nghi thức trong văn hóa dân tộc đã in đậm trong tâm thức mỗi chúng ta...

tin liên quan

Tiếng chổi tre trong đêm giao thừa
Sài Gòn đêm cuối năm, lẫn trong dòng người nô nức đổ ra đường chờ đón giao thừa, nữ lao công Phạm Thị Thu (Công ty TNHH Dịch vụ công ích Quận 5, TP.HCM) cần mẫn đưa từng nhát chổi tre xào xạc trên phố đêm.
Đến tháng Chạp, các nhà thờ tộc họ ở các làng cũng vừa làm xong việc viếng mộ tổ tiên và làm giỗ hiệp kỵ để tưởng nhớ công ơn của tiền hiền, hậu hiền và những vị đầu phái đầu chi đã sinh ra nhiều đời con cháu về sau của dòng tộc…
Mọi người bước vào tháng cuối năm âm lịch với một tâm trạng khác. Hồi nhỏ, tôi cứ nhớ vào tháng này, người ta bắt đầu ra đồng thu hoạch gừng, đào môn, khoai tím và mang nếp, đậu trong chum ra phơi để chuẩn bị làm mứt, làm bánh khô, bánh tét khi bắt đầu có nắng. Ở các chợ quê, các gánh củ kiệu cũng bắt đầu xếp hàng ngoài đầu chợ cung ứng cho nhu cầu “củ kiệu dưa hành”. Các hàng may, hàng vải bắt đầu đắt khách đến sắm sửa quần áo mới. Các hàng bán vàng mả treo đầy những bộ đồ cúng thổ thần, áo mão, giấy tiền giấy bạc, vàng nén, hương trầm… để bán lai rai.
Bây giờ, cũng vậy! Hàng vàng mả còn phong phú hơn nhiều, có nhà mua đến hàng tạ giấy “Thượng hải”, ngoài vàng nén còn có cả “Đô la địa phủ”, mô hình những cái điện thoại hiện đại cỡ Iphone để đốt cho người thân.
Còn thêm những hiệu tạp hóa chưng ra các thứ quà gói sẳn đắt giá để cho khách hàng mua biếu bạn bè và các mối quan hệ làm ăn trong suốt một năm qua. Thị trường tết bắt đầu nhộn nhịp từ cái tháng mà các nhà Nho học xưa còn gọi là Lạp Nguyệt này. Theo GS Nguyễn Tài Cẩn, thì Lạp Nguyệt là từ chữ Hán và người việt nói trại chữ Lạp thành Chạp.
Nhưng trong sinh hoạt dân gian thì tháng cuối năm âm lịch cũng là tháng “Củ mật”. Mọi thứ phải được tính toán chi ly, kiểm soát chặt chẽ. Người giàu có không nôn nóng đầu tư, cho vay mượn vào tháng Chạp.
Kẻ bần hàn tiết kiệm từng đồng chuẩn bị cho nhu cầu của “ba ngày tết”. Đây cũng là tháng mà nạn cờ bạc, tứ đỗ tường bắt đầu ló dạng và nạn trộm cắp hoành hành, cho nên ông bà ta khuyên phải “củ mật” để đề phòng tiền bạc, của cải, thậm chí con gà, chiếc xe sẽ “không cánh mà bay” cùng những kẻ đạo chích!
Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết khá nhiều chuyện về ngày tết, nhưng chuyện về trộm cuối năm của ông có lẽ có những lý giải và ví dụ sinh động hơn cả. Ông kể kẻ trộm cuối năm hoành hành do nghèo khó, cờ bạc rượu chè thì đã đành, nhưng cũng còn do gia chủ, nhất là nhà giàu mất cảnh giác.
Ngày xưa, những đồ thờ cúng, đồ đồng thau quý như bộ Tam sự, Ngũ sự, độc bình thường cất kỹ trong rương và đến ngày gần tết mới mang ra lau chùi, chưng lên các bàn thờ… Kẻ trộm thường giả dạng đi hỏi mua heo, mua phân chuồng vào ban ngày để nắm kỹ địa hình và đến tối thì ra tay hành sự! Ông còn kể chuyện vui, tên trộm đào ngạch cửa, đưa cái nồi đất vào vài lần, nếu không động tĩnh mới chui vào. Còn nếu cái nồi đất (giống cái đầu kẻ trộm) bị phát hiện, bị đập bể thì… rút lui!
Không chỉ “củ mật” đối với nạn ăn trộm như vừa kể, mà mãi đến năm 2017 này, khi về các làng quê, tôi vẫn chứng kiến nhiều nhà thờ, đình chùa “sạch sành sanh” những bộ lư hương-chân đèn bằng đồng quý giá, phải thay bằng đồ gốm, đồ gỗ. “Tháng Củ mật” bao gồm cả chuyện… lo! Nói như cố học giả-nhà văn Phan Khôi: “Mỗi năm một bận tết, người Nam Việt ta cũng mỗi năm một bận lo. Trong xã hội, càng những kẻ to đầu chừng nào cục lo lại càng lớn…”. Ông kể rằng thợ thuyền lo cơm ăn, chè uống trong ba ngày tết không đi làm; người nghèo lo quần áo cho con; các cô gái lo áo quần lòe loẹt với chị em, nhà chí sĩ lo chưa làm xong phận sự; nhà buôn lo thiếu vốn kinh doanh…
Một doanh nhân bạn tôi khi nghe nói chuyện tháng Chạp và những điều cụ Phan Khôi viết, đã nói thêm: Ngày nay chúng tôi còn lo khối việc ông ạ! Lo lương, lo thưởng, lo quà cáp phải không, lo trả nợ ngân hàng và lo cả chuyện bảo vệ cơ quan, xưởng máy ngày tết để phòng cháy, phòng trộm!. Và anh bạn thở dài: “Không biết năm nay, việc không đi chúc tết các cấp lãnh đạo có thực hiện được không, vì chỉ mới nghe chỉ thị ở T.Ư, chớ ở tỉnh, huyện đã có ai nói chi đâu!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.