(TNO) Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã chấp nhận chia sẻ thương quyền truyền hình bóng đá Việt Nam (VN) cho hai nhà đài: Đài truyền hình VN (VTV) và VTC. Tỷ lệ chia sẻ cụ thể: VTV: 40%, VTC: 30% và AVG: 30%. Phải nói, đây là kết quả của “cuộc chiến” tranh cãi um sùm và cả những suy nghĩ thầm lặng của các ông bầu từ VPF tới AVG, để cuối cùng, người xem bóng đá VN sẽ được hưởng lợi từ sự chia sẻ khá hợp lý này.
>> VFF xin đổi tên V-League thành V-Super League
>> AVG bác các đề xuất của VPF
>> AVG tiếp tục nói "không" với VPF
|
Chia sẻ thế nào, giá cả bao nhiêu là việc của các đối tác AVG, VTV và VTC, nhưng chắc chắn, sau những quyết định cụ thể này, bóng đá VN sẽ được giới thiệu trên các sóng đài truyền hình một cách phổ cập nhất và bằng sóng sạch. Người hâm mộ bóng đá cũng chỉ yêu cầu như vậy: được xem các trận bóng hay miễn phí và xem bằng sóng sạch.
Cái được về phía người xem bóng đá VN là như vậy! Còn cái được của bóng đá VN thì sau cú “bắt tay lịch sử” này mọi chuyện vẫn còn chờ. Vì chưa ai biết Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và bóng đá VN sẽ nhận thêm được bao nhiêu tiền, sau khi biết chắc mỗi năm AVG chi cho bóng đá VN khoảng 6 tỉ đồng từ bản hợp đồng dài tới 20 năm kia.
Chuyện thương thảo giá bản quyền truyền hình chắc còn tiếp diễn, nhưng dù sao vẫn nên cảm ơn những “phát pháo” từ Chính Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF). VPF đã “nổ” trước về bản quyền truyền hình, và sau nhiều ngày đấu qua đá lại, lúc thắng lúc thua, nhưng bước đầu đã xóa được sự độc quyền không nên có về bản quyền truyền hình.
Cái được thứ hai, là từ chỗ những nhà đài chỉ thích “phát chùa”, VTV và VTC đã chấp nhận thương thảo để được chuyển nhượng bản quyền truyền hình. Nghĩa là họ phải trả tiền để được quyền phát sóng các trận đấu. Chưa biết họ sẽ trả bao nhiêu, nhưng đó cũng là một bước tiến rất lớn về thương hiệu của bóng đá VN, ít nhất là đối với những đài truyền hình trong nước.
Từ đây, sẽ không còn chuyện VFF phải “năn nỉ” VTV để họ phát sóng các trận đấu bóng đá VN. Và không chỉ VTV, mà các đài lớn khác như VTC cũng phải tuân thủ việc trả tiền bản quyền truyền hình để giành quyền được phát sóng trực tiếp các trận đấu của bóng đá VN.
Sự tranh luận, thậm chí tranh cãi khá gay gắt về chuyện bản quyền truyền hình thực ra là việc nên làm, và đừng ai sợ tranh cãi như thế sẽ “mất đoàn kết”. Trong kinh doanh, luôn cần có cạnh tranh. Bóng đá bây giờ cũng là một lĩnh vực kinh doanh, dù nó mang tính xã hội cao.
Nhưng kinh doanh trong bóng đá lại rất cần “vì Thượng đế” hơn cả kinh doanh ở các lĩnh vực khác. “Thượng đế” ấy chính là người hâm mộ bóng đá VN, là các fan của các CLB bóng đá, và nhiều hơn là từ những người dân yêu bóng đá vô tư, trung lập.
Nếu cạnh tranh trong kinh doanh bóng đá mà mang lại lợi ích cho người hâm mộ bóng đá, thì sự kinh doanh ấy rất cần được phát huy. Đó là kinh doanh lành mạnh, kinh doanh vì sự phục vụ hàng triệu người xem bóng đá.
Có thể, như AVG nói, họ không đặt lợi nhuận trong cuộc kinh doanh vào cạnh tranh này. Nhưng chắc chắn, VPF cũng không thể chỉ vì lợi nhuận mà tuyên bố cạnh tranh. Bởi họ rất biết, nếu không được người hâm mộ bóng đá ủng hộ, thì họ không có lý do để tồn tại.
Có thể, chính từ những suy nghĩ "âm thầm” như thế này mà AVG đã quyết định “chia sẻ miếng bánh” thương quyền truyền hình bóng đá VN với VTV và VTC chăng? Nếu được như vậy, thì đây là thắng lợi ban đầu của bóng đá VN, cũng là thắng lợi chung của AVG và VPF.
Riêng tôi nghĩ, đó còn là thắng lợi của VTV và VTC nữa! “Được quyền trả tiền” để truyền hình bóng đá, tại sao không tự hào cơ chứ! Vì bóng đá VN bây giờ đã khác, quan hệ và quan niệm giữa VFF và các nhà đài truyền hình cũng đã khác. Một “cái khác” hợp qui luật, hòa nhập với bóng đá thế giới.
Thanh Thảo
Bình luận (0)