Tháng thi đua cao điểm: Hai mô hình làm giàu ở nông thôn

16/12/2011 00:28 GMT+7

Sau 5 tháng thực hiện, 2 mô hình kinh tế cho thanh niên nông thôn tại tỉnh Quảng Bình đã đạt những kết quả khả quan, là cơ sở để nhân rộng ra các địa bàn khác.

Sau 5 tháng thực hiện, 2 mô hình kinh tế cho thanh niên nông thôn tại tỉnh Quảng Bình đã đạt những kết quả khả quan, là cơ sở để nhân rộng ra các địa bàn khác.

Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn tiến hành xây dựng hai mô hình: “Sản xuất gieo ươm giống cây huỳnh phục vụ công tác trồng rừng tại làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân” và “Chăn nuôi nhím sinh sản tại xã Quảng Lưu, H.Quảng Trạch”.

Ươm mầm xanh làm giàu

Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân với tổng diện tích đất tự nhiên 1.363 ha thuộc địa bàn 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn của huyện Quảng Ninh; cách đường Hồ Chí Minh 12 km về hướng tây. Làng có mục tiêu đảm bảo việc làm ổn định cho trên 200 lao động trong vùng đồng thời thu hút 300-500 lao động thời vụ. Quy mô của mô hình là 21.000 cây giống trên diện tích 1.000m2. Khi triển khai thực hiện, cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Bình cùng với tổ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế về các điều kiện như: đất đai, khí hậu... và khả năng nhân rộng mô hình.

 
Chăm sóc vườn ươm cây giống - Ảnh: T.Q.N

Kỹ thuật ươm được chú trọng. Đầu tiên là khâu xử lý, hạt giống cắt bỏ phần cánh, trước khi gieo, hạt được ngâm trong nước ấm 400C 9 tiếng sau đó vớt ra ủ vào bao tải; khi hạt nứt nanh đem gieo vào bầu đất đã đóng sẵn. Tạo ruột bầu theo nguyên tắc: 80% đất tầng mặt + 20% phân chuồng hoai mục, hỗn hợp đất bầu đập nhỏ, trộn đều; hỗn hợp đóng vào bầu đầy và chặt vừa phải, không để khoảng trống trong bầu và không nén chặt. Trước khi gieo hạt hoặc cấy cây vào bầu phải tưới đẫm nước xuống tận đáy bầu, hạt được gieo vào buổi sáng sớm. Tiếp đến, việc chăm sóc cây con phải đảm bảo cây đủ ẩm, mỗi ngày tưới nước 1-2 lần vào sáng sớm và chiều, nhổ cỏ thường xuyên, cứ 15 ngày làm cỏ, phá váng và tưới nước phân chuồng hoặc phân NPK pha loãng 1%/lần. Chú ý theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện các đối tượng gây hại nhằm có hướng xử lý kịp thời đúng kỹ thuật. Phòng trừ bệnh thối cổ rễ cho cây con bằng thuốc boóc-đô pha nồng độ 0,5-1%, phun 1 lít/5m2.

Bước đầu mô hình đã đạt được kết quả rất tốt: tỷ lệ sống 96%. Nhờ tạo dựng được vườn ươm khoa học nên đã cải thiện điều kiện vị trí, khí hậu hạn hán và mưa lũ, hạn chế được bất lợi của các nhân tố bên ngoài.

Thêm một hướng đi

Xác định kinh tế nông thôn không chỉ có trồng rừng nên mô hình nuôi nhím cũng được chú trọng triển khai. Hộ thanh niên Phan Thanh Sơn được lựa chọn để thực hiện với các điều kiện như cơ sở vật chất, khả năng đầu tư. 6 chuồng nuôi được chuẩn bị theo đúng quy trình hướng dẫn là có nền đất cứng, cao ráo, đất không ngập nước, mát mẻ, dễ dàng vệ sinh, thuận tiện cho việc bắt nhím. Thức ăn của nhím được chủ hộ thanh niên đối ứng với nguồn phong phú như: côn trùng, lá cây, rễ cây, củ, quả, ngô, sắn... Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào chiều tối (bữa chính) và buổi trưa (bữa phụ). Hiện nay nhím khoảng 4,5 tháng tuổi và trọng lượng bình quân 5-6 kg/con.

Trên cơ sở thành công bước đầu của 2 mô hình, Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn xây dựng và ban hành tài liệu cẩm nang nhân rộng 2 mô hình trên toàn tỉnh. Đồng thời tổ chức 7 lớp tập huấn cho 350 học viên là cán bộ đoàn viên thanh niên khối nông thôn tại 7 huyện, thành.  Hiện các hộ dân tại làng thanh niên lập nghiệp đang phấn khởi, tin tưởng vào loại cây mới đã được thực hiện theo trình tự bài bản. Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế tiếp tục theo dõi và đầu tư chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Hôm nay, khai mạc hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn

Sáng 16.12, hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 17, khóa IX khai mạc tại Hà Nội. Diễn ra trong hai ngày, hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến sửa đổi một số nội dung trong Quy chế thi đua khen thưởng của Đoàn, quyết định các danh hiệu thi đua công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2011. Ngoài ra, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận đánh giá kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong Năm Thanh niên 2011; chuẩn bị nội dung chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong năm 2012. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ đóng góp ý kiến cho nội dung dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa IX sẽ trình tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; Điều lệ Đoàn sửa đổi và đề án đại biểu dự đại hội Đoàn cấp toàn quốc.

P.Hậu

Nhiều đề án hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp”. T.Ư Đoàn tiếp tục chỉ đạo mở rộng nhiều hình thức, sản phẩm, tài liệu về nghề nghiệp dành cho cán bộ Đoàn và thanh niên. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành Đoàn đã phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình: Tư vấn về nghề nghiệp, việc làm; Tư vấn mùa thi; Ngày hội việc làm; Sàn giao dịch việc làm; Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, việc làm... 57/63 tỉnh, thành Đoàn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho hơn 12.000 thanh niên, tổ chức tập huấn cho gần 2.000 thanh niên là bộ đội xuất ngũ.

Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”. T.Ư Đoàn đã phối hợp biên soạn bộ giáo trình khởi nghiệp dành cho công tác đào tạo; tổ chức đào tạo 160 giảng viên nguồn của dự án; đào tạo trực tiếp cho trên 1.500 thanh niên về khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp.

Dự án “Đầu tư xây dựng 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên”. T.Ư Đoàn đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư các trung tâm tại Quảng Bình, Quảng Ninh, TP.HCM. Các trung tâm còn lại tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Thọ, Tiền Giang đang khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, khảo sát và lập dự án đầu tư, dự kiến các trung tâm này sẽ khởi công xây dựng trong năm 2012.

Chương trình “Giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên”. T.Ư Đoàn đã tổ chức điều tra, khảo sát về tình hình triển khai thực hiện các chính sách về nghề nghiệp, việc làm đối với thanh niên tại các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế; tổ chức điều tra, lấy ý kiến của 3.000 thanh niên là thanh niên công nhân, học sinh, thanh niên nông thôn, lao động tự do…

(Trích dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Đề án Năm Thanh niên của T.Ư Đoàn)

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.