Thăng trầm mì Quảng

29/09/2020 08:00 GMT+7

Sau 1975, quê hương mới vừa giải phóng đã nghe cái đói rập rình, kỷ niệm khó quên nhất một thời nhỏ dại của tôi là vị ngon đậm đà của tô mì Quảng.

Hạt gạo cõng củ khoai, mì Quảng, món ăn truyền thống quê tôi trở thành xa xỉ. Mì chỉ xuất hiện hiếm hoi vào những ngày giỗ chạp, hay bữa cơm mới đầu mùa.
Cứ mỗi lần nhà hàng xóm nào chùm hum xay bột là tụi nhỏ chúng tôi ngóng trông thèm thuồng. Trái mít trao qua, trái cà trao lại, thế nào rồi những người hàng xóm cũng sẽ bưng bê một mâm ít nhiều tùy lòng sang biếu nhà hàng xóm gọi là thơm thảo. Tô mì được san năm sẻ bảy, ba mẹ phần rau cỏ, các con phần cục nhưn và những cọng mì dẻo thơm. Những tô mì năm ấy ngoài cái thơm truyền thống của nước nhưn, của rau húng quế, còn có mùi vị của những tấm lòng quê. Mãi đến giờ, đã năm mươi lăm năm qua, cái tên anh Hai Được, bà Ngọc, bà Thành vẫn cứ còn gợi lên trong tôi rưng rưng sợi mì dẻo thơm.

Có một thời mì Quảng đâu chỉ gợi lên cái sự nghèo, nó còn là hiện diện của sự giàu có no đủ

Ảnh: Trịnh Thanh

Ấy thế mà có một thời mì Quảng đâu chỉ gợi lên cái sự nghèo, nó còn là hiện diện của sự giàu có no đủ. Tôi hoài ngẫm nghĩ tại sao mì Quảng xuất thân từ tấm bánh tráng, cũng bột gạo xay mịn, thêm ít mè đen hoặc trắng, tráng thành lá mỏng, phơi khô, nướng dòn thành món khai vị không thể thiếu ở các bữa cơm đãi khách, ở lễ tiệc mà bánh tráng phổ biến khắp trong Nam ngoài Bắc còn mì Quảng thì chỉ cư ngụ ở Quảng Nam? Phải chăng món mì Quảng xuất thân từ bánh tráng, rồi gặp điều kiện thuận lợi mà trở thành mì Quảng? Điều kiện ấy là gì? Tôi nghĩ về những đoàn người Đàng ngoài lũ lượt di cư tìm đến Đàng trong, trong vô vàn tiếng gọi di dân hẳn có tiếng gọi riết róng của cơm áo! Và xứ Đàng trong vùng Thăng Hoa với những cánh đồng phù sa màu mỡ trải dọc các dòng sông Thu Bồn, Vu Gia đã thỏa giấc mơ cơm no bao đời. Ngũ cốc giàu có nên cái bánh không chỉ tằn tiện trong bánh tráng mà thành lá mì tráng dày, bắt chồng lên nhau lớp này lớp khác. Đám trẻ con chực chờ mẹ vụng tay lỡ làm rách lá mì khi bắt ra vỉ, lá mì rách thành chiến lợi phẩm cho lũ nhỏ. Chúng chia nhau từng miếng, chấm với chén nước mắm để sẵn, hít hà ngon lành. Rồi lá mì thành tô mì với bao gia vị sẵn có từ con gà vườn, con cá đồng mà thành nồi nước nhưn thơm lựng quyến dụ. Mỗi người lớn ăn một lon gạo đủ no, song một lon gạo tráng chỉ được một lá rưỡi mì, thành phẩm là hơn một tô mì. Thêm thứ nước nhưn thơm ngậy mùi thịt gà hay ngọt lựng vị cá đồng, mỗi người ăn ba tô vẫn còn thòm thèm. Ăn mì tốn gạo lắm! Nhà tôi lúc ấy sáu người, nấu cơm chỉ tốn sáu lon gạo, làm một bữa mì chí ít cũng một ang (24 lon). Vậy nên không giàu lúa gạo không dám liên hoan một bữa mì gà mì cá đâu. Có thời người dân quê tôi ăn mì như cơm bữa, ấy là những lúc vụ mùa sung túc. Tô mì là biểu hiện của một đời no đủ áo cơm!
Rồi cái ăn theo chân người Quảng trong suốt hành trình lập nghiệp, mì Quảng hiện diện đó đây, sánh vai cùng phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu miền Nam mà mời gọi bao người. Người Quảng trên hành trình tha hương, gặp nhau thế nào cũng kéo vào quán mì Quảng, họ đãi nhau bằng kỷ niệm. Bên tô mì, kêu thêm một tô nhưn, khề khà chai rượu gạo, kỷ niệm về ngọt lựng lòng quê. Bận tôi công chuyện ngoài Hà Nội, gặp ông anh là doanh nhân có tiếng cùng quê, anh hân hoan: Hôm nay anh đãi chú món mì Quảng!
Ngày nay khi đời sống kinh tế đã khá lên nhiều, lúa gạo từ các nơi luân chuyển, cái ăn không còn đưa lên hàng đầu trong đời sống, tô mì Quảng cũng mất dần địa vị sang trọng trong đời sống bao người, ngay cả ở quê. Song với những ai gắn bó một đời với cái thời cơm chưa no, áo chưa ấm thì mì Quảng vẫn cứ là một kỷ niệm thân thương không thể nào phai. Như nhà thơ Bùi Giáng, mọi người cứ nhớ Bùi Giáng Mưa nguồn, Bùi Giáng Ngàn thu rớt hột gì gì đi nữa thì trong tôi vẫn nhớ hoài cụ Bùi với lời hẹn hò dễ thương hết biết: “Tao ăn thêm 2.000 tô mì rồi tao chết”! Một dùng dằng với quê hương trước khi “đi là đi biệt từ khi chưa về” (Thơ Bùi Giáng).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.