Lần nào cũng vậy, tiếng guitar vọng ra sau cánh cửa luôn khiến tôi tò mò, dù hành vi nhìn vào phòng người khác là điều cấm kỵ nhất với tôi.
Minh họa: Hồng Thiện Cường
|
Đó là ngày đầu tiên tôi đến ở trọ tại đây - một căn biệt thự bỏ hoang do những tin đồn ma quái. Tôi không sợ ma, đương nhiên. Nếu sợ tôi đã không đặt bút ký vào bản hợp đồng thuê nhà trong sự ngạc nhiên lẫn vui mừng của bà chủ biệt thự. Bà không nghĩ sẽ có người đến thuê, đồng nghĩa với việc hàng chục tỉ đồng của bà “nằm chết” từ sau cái chết của người thân. Dù giá tiền thuê cũng chỉ là giá rẻ bèo nhưng vớt vát được vẫn hơn.
Khi tôi đến nơi mới biết biệt thự chia thành nhiều khu và đã có người ở trước đó. Căn phòng mà tôi đi ngang qua có người chơi guitar rất hay. Những bản nhạc cổ điển mà âm điệu của nó đã ngấm sâu vào tiềm thức của tôi từ thuở ấu thơ. Nó khiến lòng tôi chùng lại khi nghe. Nhưng tôi vẫn không nhìn vào căn phòng hơi hé mở ấy. Đơn giản vì tôi không có thói quen nhìn vào phòng người khác.
Giống như cái việc tìm hiểu về những tin đồn khiến ngôi biệt thự sang trọng như thế này trở thành nhà hoang, tôi cũng không màng quan tâm, chỉ biết mỗi việc của mình: nhận chìa khóa cửa chính, chìa khóa phòng và trả tiền đúng thời hạn.
Những ngày đầu tôi vẫn chưa tìm được việc làm ở thành phố này, thành ra rảnh rỗi. Tôi hay đi lang thang quanh khu biệt thự vào mỗi buổi chiều. Nhưng tất cả không đọng lại gì ngoài tiếng guitar ngân lên nửa gần gũi nửa xa lạ. Tôi hình dung đó sẽ là một gã trai mắt ướt, mái tóc dài rũ xuống che mất một bên mắt. Có thể hắn sống cùng một chú cún lông trắng thông minh và ít nhiều mắc chứng bệnh trầm cảm. Mà như thế có vẻ giống phim ảnh, tiểu thuyết quá. Tôi là một đứa con gái lãng mạn nhưng không phải là tín đồ của tiểu thuyết ngôn tình. Để xem, có thể là một người đàn ông ? Đơn giản vì người già chẳng biết lấy gì làm vui ngoài cây đàn. Mà nếu một mình ông ta ở đây thì sống ra sao, con cháu ông đâu?
Tôi thở dài. Rõ ràng những câu hỏi như thế này có thể rút ngắn bằng cách gõ cửa và hỏi thẳng chủ nhà cho nhanh. Nhưng nếu chuyện gì cũng có thể “hỏi thẳng” được như vậy thì tôi sẽ ưu tiên hỏi rất nhiều chuyện khác cần thiết hơn rồi.
Tôi miên man suy nghĩ cho đến khi tiếng guitar ngưng hẳn lúc nào không hay. Tôi hay bị ý nghĩ thôi miên, từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Giờ thì tôi không còn nghĩ đến chủ nhân của tiếng guitar nữa. Tôi nghĩ đến những buổi chiều dài, của thế hệ này và những thế hệ tiếp theo, có gì khác nhau. Chắc là không. Mặt trời vẫn lặn vào khoảng thời gian đó. Thời tiết của bốn mùa vẫn không xê dịch gì nhiều lắm. Mọi thứ thay đổi nếu có cũng chỉ ở con người mà thôi.
Bóng tối dần bủa vây lấy khu vườn. Không gian trước mắt tôi nhìn có vẻ chật hẹp lại. Tôi ghét bóng tối là vì vậy. Tôi thích sự thông thoáng, mênh mông của không gian hơn. Và cả tôi không thích những lúc cơ thể cồn cào vì đói như thế này, vì khi đói thì tôi chẳng nghĩ được gì khác ngoài thức ăn.
Tôi quay lại bất chợt mém đụng phải một cô gái. Cô ấy xõa tóc, mắt mở to đang nhìn thẳng vào tôi. Có vẻ như cô ấy giữ nguyên ánh nhìn ấy khá lâu rồi. Tôi có khựng lại một chút vì bất ngờ nhưng nhanh chóng gật đầu chào. Cô ấy cũng khẽ cúi đầu chào lại. Tôi nhận ra ngay cô ấy chính là chủ nhân của tiếng guitar nhờ tập nhạc cô ta cầm trên tay. Mắt tôi sáng rỡ: “Chị đàn hay lắm. Tôi rất thích”. Dường như cô ta cảm động: “Vậy à. Cảm ơn cô”.
Thường thì tôi rất ít khi tỏ ra thân mật với một người mới gặp nhưng không hiểu sao với người con gái trước mặt thì tôi lại khác. Tôi muốn nói chuyện với cô nên có ý mời cô ngồi lại ghế đá nơi góc vườn nhưng cô chối từ. Cô nói rằng trời sắp mưa và cô quên đóng cửa sổ phòng ngủ. Cô hỏi tôi có muốn lên phòng với cô ấy cho biết không. Giọng nói của cô ấy rất chân thành nên không có lý do để tôi chối từ.
Căn phòng gọn gàng đến độ cảm giác như là căn phòng trống. Chỉ duy nhất cây guitar dựng cạnh bình hoa nơi góc cửa sổ, trên vách phòng có treo một bức tranh trừu tượng. Cô gái chỉ vào chiếc ghế gỗ nơi cửa sổ có ý mời tôi ngồi. Đó cũng là chiếc ghế duy nhất trong căn phòng. Rồi cô bảo tôi ngồi chờ, cô đi đóng cửa sổ. Ngoài trời bắt đầu tí tách những hạt mưa trái mùa.
Cô gái trở lại trong bộ đồ ngủ và tôi liền hiểu ra vội đứng lên. Hình như cô có chút áy náy. Khi đưa tôi ra đến cửa, cô ấy nhỏ giọng: “Bữa sau tôi sẽ đàn tặng cô”. Tôi gật đầu vui vẻ lại ngay. Dù sao, chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau.
Tôi về lại phòng. Cảm thấy thích thú như hồi nhỏ cố gắng mở nắp chiếc hộp và phát hiện ra bên trong đầy những thứ thú vị. Cuộc gặp gỡ với cô gái có thể ví như thế. Trong căn phòng bí mật ấy, chỉ có một điều tôi đoán đúng, chủ nhân của tiếng guitar ấy ít nhiều mắc chứng trầm cảm. Tôi có thể chắc chắn điều đó.
Tôi thường đi ngủ lúc nửa đêm về sáng và thức dậy khi trời dần về trưa. Ở nơi này, thói quen đó có thể bị lạm dụng hơn nữa bởi tôi đang rảnh rỗi. Tôi bật dậy khi thấy bóng cô gái trước cửa phòng mình. Trên tay cô cầm cây guitar. Đó là một hình ảnh đẹp. Tôi thích những hình ảnh của sự kết hợp giữa yếu đuối và mạnh mẽ, giữa ngoan hiền và nổi loạn. Cô gái và cây guitar thỏa mãn được thị hiếu kỳ lạ đó của tôi.
Cô gái vào phòng, vén suối tóc qua một bên để tránh vướng dây đàn và cô đàn. Những âm thanh róc rách như một dòng suối chảy mát những phiến đá. Tôi nghe mà như say. Dám quả quyết rằng, chưa bao giờ tôi được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc sống động, cảm xúc như thế. Xong cô gái về, lặng lẽ như lúc đến. Lặng lẽ đến độ tôi không dám hỏi cô bất cứ câu gì trong những câu hỏi vang lên trong đầu: cô tên gì, làm nghề gì, tại sao sống một mình, cô có người yêu chưa, cô thường nghĩ về điều gì... Tôi sợ khi tôi bật ra bất cứ câu hỏi gì, cô gái cũng sẽ tan đi, như câu chuyện cổ tích nàng tiên cá đã từng hao tốn không biết bao nhiêu nước mắt của tôi.
Và một điều quan trọng nữa, dường như tất cả những câu hỏi ấy trở nên trần trụi với âm thanh thanh thoát kia. Tôi vẫn không biết gì về cô gái. Mà có nhất thiết phải biết không? Tôi vẫn có thể coi cô như một người bạn thân mà không cần biết thêm gì về cô ấy, được không?
Lần thứ ba tôi gặp lại cô gái. Hai chúng tôi nằm giữa căn phòng nhìn lên trần nhà và im lặng. Ở bên cạnh cô gái, tôi không thể phân tích được cảm xúc của mình. Chỉ biết rằng cô gái có một sức hút khiến tôi muốn ở cạnh bên cô ấy. Tôi chưa từng có một mối quan hệ nào mang lại cảm xúc tương tự như thế này. Cảm giác khiến tôi vừa thích vừa sợ. Vừa muốn được gần hơn, lại vừa muốn chạy trốn thật xa. Tôi muốn nói chuyện với cô gái về xúc cảm ấy của mình.
Đó là điều quá khó khăn, nhưng sự yên ắng ở đây như một động lực thúc dục, ủng hộ tôi lên tiếng. Tôi bắt đầu nói về cái duyên của những người may mắn gặp được nhau ở cuộc sống này. Tôi lồng ghép cuộc gặp gỡ của mình với cô ta và cho đó là một món quà quý giá mà tôi có được. Tôi nói xong và chờ đợi. Cuối cùng cô gái cũng lên tiếng, nhưng cô không nối tiếp đề tài tôi đang nói, mà cô kể về nỗi cô đơn. Cô đã từng trải qua những ngày tháng cô đơn đến cạn kiện, khi cô ở ngay bên cạnh những người thân của mình. Cô không chia sẻ được bất cứ điều gì với họ. Cô không thấy vui hay buồn. Cuộc sống chỉ là những ngày dài nối tiếp.
Tôi bị cuốn vào câu chuyện của cô gái, nhưng cô đã dừng lại. Kết thúc ngắn gọn bằng cách chỉ tay lên trần nhà, nơi có một móc bằng sắt, có thể dùng để treo, máng những vật trang trí như đèn ngủ, quạt trần. Giọng cô gái nhẹ tênh: “Tôi đã giải thoát nỗi cô đơn bằng nó”. Tôi không hiểu gì, hoàn toàn không hiểu nhưng cô gái đã ngủ. Đêm đó tôi ngủ lại phòng cô gái.
Nhưng sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì thấy mình đang ở bệnh viện. Hai tay tôi được nắm chặt bởi một bàn tay khác, nóng hổi, là cha tôi. Tôi vùng dậy, vị bác sĩ quen thuộc nhìn tôi mỉm cười: “Cha cô gầy đi vì lo lắng cho cô đó, biết không?”. Tôi nhìn cha, nói trong tuyệt vọng: “Cha à, con vừa gặp một người rất thú vị. Giờ con muốn đến gặp người đó, cha hãy để con đi”. Tay cha tôi nắm chặt hơn, ông làm tôi đau: “Con gái, con phải điều trị cho khỏi hẳn. Cha sẽ đưa con đi đến bất cứ đâu con muốn”. “Không, cha à, lần này cha phải tin con. Con sẽ kể đầu đuôi cho cha nghe”. Cha tôi gạt đi, quay sang bác sĩ: “Đã có kết quả chưa, tôi hy vọng việc điều trị không quá khó khăn cho bác sĩ?”. “Phải, chứng bệnh ảo giác này rất hiếm nhưng sẽ ổn thôi nếu như có sự phối hợp của cô bé”. Tôi nhìn cha, nói như muốn khóc: “Con phải làm sao thì cha mới chịu tin con?”. Cha ôn tồn: “Con gái à, bình tĩnh đi, cha biết hết rồi con không cần phải kể nữa”. “Nhưng cha biết gì mới được?”. “Người quản gia của ngôi biệt thự ấy cha có quen, ông ta nói thường thấy con nói chuyện một mình, rồi còn biểu lộ cảm xúc qua nét mặt khi nói chuyện một mình...”. Ông thở dài: “Nên phải điều trị dứt bệnh cho con, con gái ạ!”. Tôi nằm vật ra giường.
Tôi nghĩ về lần cuối cùng gặp cô gái, nghe cô nói về nỗi cô đơn và cái móc trên trần nhà. Ngay lập tức tôi bật dậy: “Cha à, con chỉ muốn biết một điều nữa thôi”. “Được, con gái”. “Ngôi biệt thự đó có người chết đúng không cha? Con muốn nghe về câu chuyện đó”. “Chuyện lâu rồi, đó là cái chết của con gái người chủ ngôi biệt thự. Cô ấy là nghệ sĩ đàn guitar. Cô ấy tự tử trong chính căn phòng của mình, cha chỉ biết có vậy thôi”.
“Vâng! Vậy cha có muốn biết thêm không, cô ấy thật đáng thương cha ạ.”. Cha nhìn tôi lắc đầu buồn bã: “Đến giờ uống thuốc rồi con!”.
Bình luận (0)