Vào thế kỷ 17, những nhóm cư dân nhà Minh (Trung Hoa) không chịu thần phục nhà Thanh đã lần lượt rời quê hương đi tìm vùng đất mới dung thân, nuôi hy vọng ngày trở về, trong đó có Mạc Cửu (1655 - 1735). Sách Mạc thị gia phả chép: Vào năm Tân Hợi (1671), Mạc Cửu vượt biển đi về phương Nam, lấy đất khách làm quê. Nhận thức được sức mạnh của Đại Việt - Đàng Trong thời chúa Nguyễn có thể chở che cho cơ đồ bao nhiêu năm gây dựng, trước âm mưu thôn tính của người Chân Lạp và Xiêm, Mạc Cửu đã tình nguyện cầu xin chúa Nguyễn cho được sáp nhập, được làm thần dân Đại Việt xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn thuận lòng, tháng 8.1708, lấy Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên - vùng đất tương truyền có người tiên thường hiện ra trên sông, nhân thế đặt tên là Hà Tiên, với nhiều thắng cảnh đẹp đã từng đi vào thơ ca Nam bộ mà nổi danh là Hà Tiên thập vịnh do chính con trai của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích sáng tác.
Dưới thời chúa Nguyễn và sự cống hiến của họ Mạc, Hà Tiên trở thành một cảng thị hoạt động mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á giai đoạn thế kỷ 18 - 19.
Quy mô, cấu trúc thành Hà Tiên
Sách Gia Định thành thông chí chép: Trấn thự Hà Tiên, tọa kiền về hướng tốn, lấy núi Bình Sơn làm hậu hộ, núi Tô Châu làm tiền án. Biển lớn làm hào ở phía nam, Đông Hồ làm hào ở đằng trước, ba mặt lũy đất, từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi, từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng rưỡi. Từ cửa tả đến Xưởng Thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi, đều cao 4 thước, dài 7 thước. Hào rộng 10 thước, ở giữa thành dựng công thự... Từ nơi đấy đến phố lớn đều là Mạc tôn (Mạc Cửu - NV) trước kia kinh doanh, đường phố ngang dọc, cửa nhà liên tiếp. Người Kinh, người Trung Quốc, người Cao Miên, người Chà Và theo từng loại mà họp ở. Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, là một nơi đô hội miền biển.
Căn cứ vào các nguồn sử liệu cho thấy công trình thành Hà Tiên có quy mô nhỏ hơn so với các thành trì khác ở Nam bộ. Tuy nhiên các ghi chép mô tả cho thấy, thành trì ở Hà Tiên gắn trực tiếp với phố cảng, thiên về hoạt động buôn bán giao thương hơn là về chính trị, quân sự. Vì lẽ đó mà trong suốt thời gian dài, triều đình đã giao cho Thống chế Thoại Ngọc Hầu làm Án thủ đồn Châu Đốc kiêm quản luôn cả công việc Hà Tiên trấn. Điều này còn được ghi nhận qua ghi chép của Duy Minh Thị vào khoảng năm 1872 qua tác phẩm Nam kỳ lục tỉnh dư địa chí, cho biết thành trì Hà Tiên còn có tên gọi khác là Nam Phố.
Thành - cảng Hà Tiên qua tư liệu khảo cổ học
Sau nhiều lần giao tranh đánh và giữ thành Hà Tiên trong các sự kiện loạn Lê Văn Khôi năm 1833, cùng nhiều lần dịch đổi trấn lỵ Hà Tiên của triều Nguyễn, đặc biệt là sự kiện thực dân Pháp xâm chiếm thành Hà Tiên vào năm 1867 sau khi thôn tính xong thành Vĩnh Long, Châu Đốc, người Pháp đã phá bỏ thành Hà Tiên vào cuối thế kỷ 19. Hiện nay, không còn dấu vết nào nhận diện được vị trí, quy mô, cấu trúc thành Hà Tiên ngoài các nguồn sử liệu ghi chép. Diện mạo thành trì - cảng thị Hà Tiên may mắn được hình dung và xác thực là một trung tâm giao thương quốc tế ở Nam bộ dưới thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn qua những phát hiện khảo cổ học trong khu lăng mộ của Án thủ Châu Đốc đồn, Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản Hà Tiên trấn vụ Thống chế Thoại Ngọc Hầu. Tại đây, tháng 9.2010, quá trình tu bổ lăng Thoại Ngọc Hầu đã phát lộ kho báu tùy táng chôn ở hai bên mộ Thống chế Thoại Ngọc Hầu và Chính thất phu nhân Châu Vĩnh Tế. Trong tổng số hơn 500 di vật tùy táng, các nhà nghiên cứu phát hiện hàng chục di vật có nguồn gốc từ châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… Trong đó, đáng chú ý là những di vật có nguồn gốc từ châu Âu như các loại hình cổ vật thủy tinh - pha lê, các đồng tiền vàng, tiền bạc Hispan của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đặc biệt là 2 đồng tiền vàng Bồ Đào Nha có hàng chữ nữ hoàng Bồ Đào Nha Joannesy, được phát hành tại Lisbon (Bồ Đào Nha)…
Tiến sĩ Phạm Hữu Công (Thư ký Hội đồng giám định cổ vật tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu) cho biết: Kết quả nghiên cứu tổng hợp nhóm di vật tùy táng có nguồn gốc từ châu Âu cho thấy, đây là những di vật giao thương gắn liền với hoạt động cảng thị Hà Tiên dưới thời Thống chế Thoại Ngọc Hầu kiêm quản hoạt động trấn Hà Tiên. Vì thế, nguồn tư liệu về hoạt động giao thương ở Hà Tiên và Nam bộ giai đoạn từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn đã được chứng minh bằng những bằng chứng xác thực từ khảo cổ học.
Bình luận (0)