(TNO) Với vai trò Giám đốc điều hành (CEO) của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới, Mark Zuckerberg không chỉ liên tục sáng tạo để duy trì sức hấp dẫn của Facebook, mà còn phải "tinh thông" quản trị để giữ vững chiếc ghế quyền lực của mình.
Học hỏi giám đốc tờ Washington Post
Trái ngược với không khí sôi động của các công ty tại thánh địa công nghệ Sillicon Valley (Mỹ), các văn phòng của tờ Washington Post ở bang Washington thường tẻ nhạt và yên ắng. Tuy nhiên, vào năm 2005, tại một trong những văn phòng này đã diễn ra một sự kiện ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Facebook sau này.
|
Qua lời giới thiệu của một người bạn thân, Zuckerberg rời trụ sở tại Sillicon Valley để đến gặp giám đốc tờ báo là Donald Graham nhằm tìm hiểu xem liệu Washington Post có muốn đầu tư vào Facebook hay không.
Khi bước vào văn phòng tờ báo, Zuckerberg đã rất ngạc nhiên trước cung cách điều hành của những nhà lãnh đạo ở Washington Post, vốn khác hẳn với các công ty tại Sillicon Valley.
"Tôi hoàn toàn ngạc nhiên với cách họ điều hành công việc kinh doanh. Họ chỉ tập trung vào các mục tiêu dài hạn và đặc biệt chú trọng đến việc phát triển thương hiệu", Zuckerberg viết cảm nghĩ của mình về chuyến đi trong một quyển sách.
Zuckerberg đã theo sát ông Graham trong bốn ngày liền nhằm học hỏi cách điều hành một công ty lớn. Bốn năm sau, anh mời ông Graham giữ một ghế trong ban giám đốc của Facebook.
Tuy nhiên, cho đến nay, tờ Washington Post vẫn chưa hề bỏ tiền đầu tư vào Facebook.
Ông Graham cũng chính là người chỉ cho Zuckerberg cách duy trì quyền kiểm soát công ty của mình.
Giống như nhiều công ty truyền thông khác, Washington Post có hai loại cổ phần, gồm cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết. Gia đình Graham nắm giữ hầu hết số cổ phần thứ hai.
Zuckerberg đã thiết lập mô hình này tại Facebook. Khi trang mạng xã hội phát hành cổ phiếu ra công chúng, Zuckerberg sẽ chỉ nắm một lượng nhỏ cổ phần phổ thông, nhưng sẽ nắm giữ hơn phân nửa tổng số cổ phần ưu đãi biểu quyết.
Bắt chước Steve Jobs trong cách tuyển dụng
Zuckerberg từng là bạn tâm giao của vị tổng giám đốc quá cố hãng Apple là Steve Jobs. Cả hai thường đi dạo và trò chuyện với nhau vào buổi trưa tại thành phố Palo Alto, bang California (Mỹ), nơi Jobs cư ngụ.
|
Steve Jobs thường thích mời những nhân tài mà ông muốn tuyển về làm cho Apple theo cách vừa đi dạo vòng quanh thành phố Palo Alto (Mỹ), vừa thảo luận để thuyết phục họ. Và Zuckerberg cũng bắt chước cách này.
Một số nhân viên của Facebook cho biết, trước khi vào làm, họ được Zuckerberg dẫn đi dạo trên các ngọn đồi gần công ty.
Khi leo đến đỉnh, Zuckerberg sẽ chỉ cho họ thấy toàn cảnh bên dưới ngọn đồi và đồng thời cũng tiết lộ định hướng của mình trong tương lai.
Tờ New York Times dẫn lời một người từng được Zuckerberg tuyển vào làm cho Facebook hồi năm ngoái kể lại: "Anh ấy chỉ về phía trụ sở của Apple, Hewlett-Packard và một số công ty công nghệ lớn khác. Rồi sau đó, anh ấy chỉ vào trụ sở của Facebook và tuyên bố rằng nó sẽ trở nên lớn hơn tất cả các công ty kia. Và rằng nếu tôi gia nhập công ty, tôi sẽ có thể trở thành một phần của sự phát triển này".
"Cần gì luật sư, cứ thỏa thuận riêng với nhau thôi"
Đó là câu mà Zuckerberg thường dùng khi tiến hành đàm phán mua một công ty nào đó. Và qua các thương vụ mua bán thành công của Facebook, anh đã chứng tỏ được mình là một nhà đàm phán sành sỏi.
Ví dụ như trong vụ đàm phán mua ứng dụng chụp ảnh Instagram, Zuckerberg và Kevin Systrom, tổng giám đốc của Instagram, đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản của vụ mua bán tại nhà riêng của Zuckerberg ở Palo Alto, trong khi luật sư và cố vấn của hai bên đứng quan sát từ phía xa.
“Khi cuộc thương lượng kết thúc, cả hai vị giám đốc trẻ cùng ngồi lại với nhau bên ngoài căn nhà, ăn bò bít tết và kem, trong khi cánh luật sư ngồi trong nhà xem phim", một người có mặt tại nhà Zuckerberg hôm đó thuật lại.
Quả đúng như vậy, thương vụ Instagram cho thấy cách mà Zuckerberg củng cố quyền lực của mình trong vòng 8 năm qua.
Ban giám đốc của Facebook chỉ nhận được một email thông báo vắn tắt về việc mua Instagram chỉ vài ngày trước khi nó được vị CEO trẻ công bố chính thức. Không ai trong số họ lên tiếng phản đối quyết định này của Zuckerberg.
Hoàng Uy
>> Lãnh đạo Đài Loan bị phạt vì dùng Facebook tranh cử
>> Facebook "hét giá" cổ phiếu trước thềm IPO
>> Nhà đồng sáng lập Facebook bỏ quốc tịch Mỹ để trốn thuế
>> Điện thoại Facebook phân vân giữa Android và Windows Phone
>> Facebook mua lại dịch vụ Glancee
>> Ôn thi đại học trên Facebook
>> Facebook cải tiến giao diện xem ảnh trên di động
>> Facebook mua lại dịch vụ Lightbox
>> CEO Facebook: Đặt ưu tiên hàng đầu cho tính di động
>> Facebook cảnh báo "hiểm họa" thất thu tài chính
>> Facebook mở "chợ" ứng dụng trực tuyến
Bình luận (0)