Ngày 23.6, thông tin từ Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa cho biết, đơn vị này vừa có công văn đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa, từ đầu năm đến ngày 15.6, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 26 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với 31 trẻ em. Trong đó, có 17 vụ tai nạn đuối nước gây tử vong 20 trẻ em; 5 vụ tai nạn giao thông gây tử vong 6 trẻ em; 4 vụ tai nạn, thương tích khác (như cháy nhà, ngã xe đạp, điện giật do sạc điện thoại) gây tử vong 5 trẻ em.
Từ thực tế cho thấy tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới số trẻ em tử vong lớn. Đáng lưu ý, có những vụ tai nạn đuối nước làm tử vong nhiều trẻ em cùng lúc, như tại TX.Nghi Sơn hồi trung tuần tháng 4 xảy ra vụ tai nạn đuối nước khi tắm biển khiến 2 trẻ em tử vong; đến đầu tháng 6 vừa qua lại xảy ra vụ đuối nước khi tắm biển làm 3 trẻ em tử vong.
Những nguyên nhân
Theo Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến nhiều trẻ em tử vong là do chính quyền cấp cơ sở tại một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đạt hiệu quả cao; môi trường sống xung quanh trẻ em vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em; nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đầy đủ; một số gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ em, để trẻ em đi lại hoặc xuống môi trường nước khi chưa biết bơi…
Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện ngoài thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ LĐ-TB-XH về việc phòng, chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em thì cần tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đề nghị cơ quan chức năng khi có vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em thì cần xác minh nguyên nhân, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em.
Cũng theo Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa, để hạn chế các vụ tai nạn, thương tích xảy ra đối với trẻ em thì các cấp chính quyền cần tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức và gia đình trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em; thường xuyên phát những thông điệp cảnh báo về các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em để nhiều người dân được tiếp cận thông tin.
Đối với các đơn vị thi công các công trình xây dựng, giao thông, đơn vị quản lý các hồ, đập, công trình thủy lợi, thủy nông cần thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và trẻ em khi đi qua khu vực đang thi công. Các công trình xây dựng đã hoàn thiện thì phải san lấp các hố sâu đã được đào phục vụ trong quá trình thi công để đảm bảo an toàn cho người dân và trẻ em.
Đồng thời, cần tăng cường quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Bình luận (0)