Ngày 21.5, tại bản Năng Cát (xã Trí Nang, H.Lang Chánh, Thanh Hóa), UBND H.Lang Chánh đã tổ chức khai mạc lễ hội Chí Linh sơn năm 2023.
Đây là lần đầu tiên lễ hội Chí Linh sơn được tổ chức để kỷ niệm 605 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 2023), và 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi (1433 - 2023).
Tham dự lễ hội có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, và đông đảo người dân địa phương.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND H.Lang Chánh cho hay: mùa xuân năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Nhưng do lực lượng chênh lệch nên nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh càn quét, tiêu hao rất lớn về lực lượng, đành phải rút toàn bộ lực lượng từ vùng đất Lam Sơn lên vùng núi Chí Linh (H.Lang Chánh bây giờ).
Quân giặc bao vây ráo riết hòng bắt chủ tướng Lê Lợi, nên Lê Lai đã đổi áo liều mình cứu chúa, cải trang thành "Chúa Lam Sơn" lĩnh 500 quân và hai voi chiến xông ra tập kích quân Minh. Giặc Minh bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi bèn rút quân về, sau đó xử tử Lê Lai. Chính nhờ sự hy sinh anh dũng đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trường kỳ chiến đấu chống quân Minh.
Rừng núi Chí Linh với địa thế hiểm trở đã được Lê Lợi và nghĩa quân 3 lần rút quân lên nương náu vào các năm 1418, 1419, và 1422. Đây cũng là thời gian nghĩa quân Lam Sơn khốn khó trăm bề. Trong thời gian này, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã được đồng bào dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đùm bọc, đồng cam cộng khổ chiến đấu chống quân thù.
Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, chấm dứt ách đô hộ của giặc Minh, đất nước được giải phóng, dân tộc được độc lập. Trong khí thế oai hùng của ngày chiến thắng, Lê Lợi đã đọc Bình Ngô đại cáo tổng kết cuộc chiến tranh, khẳng định chủ quyền dân tộc của một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử.
Để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, từ nhiều đời nay, người dân địa phương đã tổ chức lễ hội Chí Linh sơn.
Trong lễ hội, ngoài các chương trình nghệ thuật tái hiện thời khắc gian khổ và hào hùng của nghĩa quân Lam Sơn, người dân và du khách còn được tham gia các chương trình như cuộc thi "Người đẹp Châu Lang", trưng bày gian hàng truyền thống, sản phẩm dân tộc và ẩm thực… của người dân địa phương.
Bình luận (0)