Trong số những ca sĩ từng hát nhạc Trịnh, Thanh Lam là trường hợp đặc biệt vì gây tranh cãi nhiều nhất. Các ý kiến chê trách chủ yếu cho rằng cách thể hiện theo lối "lên đồng" của cô hoàn toàn không phù hợp với dòng nhạc cần sự thiền tịnh, ưu tư, chiêm nghiệm như nhạc Trịnh. Thanh Lam thậm chí còn bị cho là không tôn trọng nguyên tác. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng âm nhạc nghệ thuật phải sáng tạo và Thanh Lam làm tốt vai trò của người nghệ sĩ khi kiến tạo cái mới, không trùng lặp với bất cứ ca sĩ nào khác.
"Phá nát" hay "phá cách"
Thanh Lam vẫn được biết đến là một ca sĩ lớn của nền nhạc nhẹ VN, khi sở hữu giọng hát đẹp, nội lực hiếm thấy và có tầm ảnh hưởng, nhiều cách tân tới nhạc nhẹ đương đại từ đầu thập niên 1990.
Cô cũng là người được học hành trường lớp bài bản và tiếp xúc với âm nhạc từ sớm qua người cha là nhạc sĩ Thuận Yến. Sau này, Thanh Lam lại được gắn bó với những bậc thầy trong nghề chuyên về hòa âm, phối khí các dòng đương đại hội nhập từ thế giới và giảng dạy thanh nhạc bậc cao. Vì vậy, không thể hoài nghi về chuyên môn lẫn tư duy, thẩm mỹ của Thanh Lam để nói rằng cô "phá nát" nhạc Trịnh.
Thậm chí, chính Trịnh Công Sơn đã từng đánh giá rất cao Thanh Lam khi nói "tương lai nhạc Việt là Hồng Nhung và Thanh Lam". Điều này đồng nghĩa rằng bản thân nhạc sĩ họ Trịnh cũng thích cách Thanh Lam thể hiện tác phẩm của mình vì nó sáng tạo, tiên phong cho cái mới.
Trong âm nhạc nói chung và nhạc Trịnh nói riêng, sự tự do và sáng tạo luôn được đặt lên hàng đầu và không một người nghệ sĩ nào lại muốn đi vào lối mòn hay "há miệng chờ sung". Người nghệ sĩ tài năng sẽ biết tạo ra cái mới chưa ai làm, dù có thể cái mới đó chưa được đón nhận ngay lập tức. Bản thân Trịnh Công Sơn cũng luôn muốn mọi người hát nhạc của ông theo cách riêng, tinh thần riêng, không gò bó, rập khuôn tượng đài. Có như vậy, nhạc Trịnh mới được sinh tồn, nảy nở, như lời ông nói là: "Nó giúp mình có được chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải kẻ nhắc tuồng từ quá khứ".
Với Thanh Lam, thứ làm nên tên tuổi, chỗ đứng cho cô chính là cái tôi, cá tính, bản ngã nghệ thuật cực kỳ đậm đặc, mạnh mẽ. Có thể nói, Thanh Lam là ca sĩ có cá tính âm nhạc mạnh nhất trong thập niên 1990, nói cách khác là "cái điên" đậm bản năng giới tính của người đàn bà trong âm nhạc. Cá tính ấy lại được song hành cùng giọng hát nội lực, khỏe khoắn, tạo nên cơn cuồng phong sẵn sàng lấn át mọi thứ khi cô xuất hiện. Vì vậy, không khó hiểu khi Thanh Lam đã đem "người đàn bà hát" ấy vào nhạc Trịnh, với một bản năng phụ nữ đam mê, cháy bỏng, hừng hực nhựa sống tuôn trào.
Trên thực tế, Thanh Lam không phải lúc nào cũng cuồn cuộn. Nhiều khi cô hát nhạc Trịnh rất nhẹ nhàng, tinh tế, khoan thai. Nhưng rồi, Thanh Lam bộc phát bản năng trong mình để tìm lối đi riêng, như cô nói: "Nhưng tôi luôn tự biết nếu mình cứ đi mãi con đường ấy thì làm sao "qua" được chị Khánh Ly. Hơn nữa, cùng với thời gian và những trải nghiệm của bản thân, tôi cũng đã nhận ra những "góc khuất" khác của nhạc Trịnh mà tôi nghĩ rằng mình có thể khai phá nó".
Trường hợp của Thanh Lam giống với danh ca Patti Labelle bên Mỹ, cùng có giọng hát và cá tính quá mạnh, nên hát bất cứ bài nào, dòng nhạc nào cũng cuộn trào, "phá" theo cách riêng của mình. Và đến sau cùng, tất cả đều đáng được trân trọng vì sự "phá cách" đó, chứ không phải "phá nát".
Người đàn bà hát nhạc Trịnh
Như đã nói, Thanh Lam là trường hợp đặc biệt bậc nhất trong nhạc Trịnh. Cô sở hữu giọng nữ trung dày, trầm và tối tương tự với những danh ca trước 1975. Chất giọng này phù hợp với lối hát "âm tính" vốn có, nhưng Thanh Lam lại hát cực kỳ "dương tính", hơn cả nữ cao Ngọc Lan, Hà Trần.
Nếu ở Hồng Nhung, Hà Trần, sự "dương tính" là cách thể hiện tươi sáng, trẻ trung, căng tràn sức sống thì đến Thanh Lam, nó được đẩy đến đỉnh điểm, quyết liệt, cao trào với sự bùng nổ, phát tiết, dữ dội, không theo quy tắc thường thấy nào.
Khi hát nhạc Trịnh, Thanh Lam thường bung giọng để belt quãng trung, đạt tới mức âm lượng lớn và độ dày, rền khủng khiếp. Nó khiến giọng hát của cô vừa to, lại vừa lan tỏa, vang động khắp không gian. Thanh Lam không ngần ngại phô diễn lối hát cộng minh trên giọng ngực ở những khoảng âm to, dày, lớn cả về trường độ và cường độ, tràn đầy năng lượng, thổi cả màu sử thi vào nhạc Trịnh.
Đây là một "đặc sản" chỉ riêng Thanh Lam mới có. Cô như người ủy thác để giúp khán giả giải phóng bản thân, cuồng nộ và kìm nén trong con người họ qua một mảng nào đó của nhạc Trịnh. Nói cách khác, Thanh Lam là người hiếm hoi dám thổi bùng những cơn bão cuộn trào trong nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh qua tiếng hát Thanh Lam còn nổi bật ở lối đãi chữ bè dài kéo ra ê a kèm theo những đổ hột rất nhẹ, nghe rất đam mê, rất "đàn bà" và phồn thực, cuồn cuộn nhựa sống.
Tất nhiên, việc đẩy mọi thứ đến cùng cực sẽ dẫn tới sự "cực đoan" trong âm nhạc, gây khó chịu cho nhiều người nghe. Nhưng rõ ràng, tiết chế hay ngoan ngoãn không phải là Thanh Lam. Mỗi nghệ sĩ cần có một bản ngã của riêng họ. Bản ngã của Thanh Lam là mạnh mẽ, cuồng nhiệt, đam mê và cô đã đưa được nó vào nhạc Trịnh. Vì vậy, dù bị phản ứng, gây tranh cãi đến đâu cũng không thể phủ nhận dấu ấn đậm nét và đóng góp về phong cách, sự sáng tạo của Thanh Lam trong dòng chảy nhạc Trịnh.
(còn tiếp)
Bình luận (0)