Đây là bảo tàng duy nhất tại VN về lực lượng biệt động SG-GĐ, đặc biệt là bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho dinh Độc Lập.
NHẬT THỊNH
Đến Bảo tàng Biệt động SG-GĐ, du khách được "gặp lại" chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968, để làm trạm giao liên biệt động Sài Gòn tại vùng xôi đậu ấp Trung Viết, xã Thái Mỹ (H.Củ Chi). Chiếc xe thực hiện nhiệm vụ đưa đón cán bộ nội thành ra vào chiến khu Củ Chi, chuyển thư từ, tài liệu, tiền vàng, thuốc tây… giao cho Bộ Chỉ huy Quân khu SG-GĐ. Hay chiếc xe gắn máy hiệu Lambretta trang bị cho gia đình ông bà Trần Văn Hãng (Ba Hãng) - thành viên Ban công tác 1, Tiểu đoàn Quyết tử 950 đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó là Biệt động Sài Gòn, sử dụng đi lại và phục vụ hoạt động cách mạng trước năm 1975...
Tại bảo tàng, lần đầu tiên một hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn của lực lượng được hiện hữu đầy đủ và rõ nét qua hệ thống các hầm chứa vũ khí, hầm ém quân được xây dựng ngay trong lòng địch trong nhiều năm phục vụ cho các trận đánh huyền thoại của biệt động giữa lòng Sài Gòn, và cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Nhiều loại thiết bị khác cũng có ở Bảo tàng Biệt động SG-GĐ cùng rất nhiều vật dụng sinh hoạt: đàn mandolin, bình thủy... Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi mà cũng đầy tính chất huyền thoại của biệt động SG-GĐ.
Bình luận (0)