Thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam

24/06/2019 17:14 GMT+7

9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì mới tổ chức lễ ký kết thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) tại TP.HCM.

Đó là các công ty Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam. Các đơn vị sẽ cùng hướng đến mục tiêu giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế bao bì sản phẩm để góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch đẹp.
PRO Vietnam sẽ thực hiện nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế đồng thời hợp tác với Chính phủ trong việc tái chế. Bên cạnh đó PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam.
Tham vọng của PRO Vietnam là vào năm 2030 tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, người được các thành viên trong Liên minh đề cử làm Chủ tịch PRO Vietnam, chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng để phát triển một doanh nghiệp bền vững, chúng tôi phải luôn có trách nhiệm với xã hội và môi trường và hướng tới một Việt Nam xanh, sạch và đẹp".
Là những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam với hàng ngàn nhân viên và hàng triệu người tiêu dùng, các công ty này hiểu rằng trong khi bao bì sản phẩm hỗ trợ giải quyết vấn đề này thì cũng đồng thời làm nảy sinh ra một vấn đề khác. Điều này sẽ càng trở nên đặc biệt khó khăn tại những nơi có hệ thống quản lý rác thải không hiệu quả và không phù hợp do thiếu cơ sở hạ tầng tái chế.
Lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ tăng 38% từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Đây là mức tăng đứng thứ 4 toàn châu Á về tốc độ tăng lượng rác thải rắn. Hiện nay Việt Nam đang là một trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280.000 tấn mỗi năm.
Các số liệu về giao dịch thương mại đã chỉ ra rằng cho đến gần đây Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế. Với sự gia tăng của lượng rác thải, cần có sự hỗ trợ kết hợp giữa nhà nước và tư nhân để phát triển một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước đủ mạnh nhằm giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.