Thật tình nghệ sĩ Thanh Lệ trông rất đẹp lão và khỏe mạnh. Bà trắng trẻo, nét mặt thanh tú, dáng người nhẹ nhàng, thon gọn so với tuổi 75 của mình. Bà vẫn toát ra hình ảnh của một cô đào biết chăm chút, hơn thế nữa, là một chuyên viên ngoại vụ của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, chững chạc, uy tín. Bà là con dâu trưởng của bà bầu Thơ. Bà bầu Thơ nổi tiếng khó tính, cai quản đoàn hát như... quân đội. Vậy mà bà lại tin cẩn giao tay hòm chìa khóa cho cô con dâu này thì biết Thanh Lệ có vị trí như thế nào trong gia đình và đoàn hát.
Thực sự duyên nợ của bà Thanh Lệ với nghiệp hát như một sự tình cờ. Bà yêu ông Hữu Thình rồi về làm dâu nhà ông. Hằng đêm, đời sống sân khấu thấm vào bà, rồi mê hồi nào không biết. Bà bầu Thơ cũng khuyến khích cô con dâu bước lên sân khấu. Thanh Lệ tập múa, ca, vai nhỏ, đến vai lớn, tới khi trở thành người có thể thay vai cho bất cứ cô đào phụ nào khi có sự cố. Ngay cả việc bếp núc, bà bầu Thơ cũng bảo Thanh Lệ phải học, để khi chị bếp nghỉ việc hoặc eo sách thì người nhà vẫn đảm đương chu tất. Thanh Lệ còn phải đi tiền trạm cho đoàn, gọi là ngoại vụ, tìm bãi hát, liên hệ với chính quyền địa phương, ký hợp đồng... Không ngờ cô đào hát vóc dáng nhỏ thó vậy mà có thể gánh trên vai nhiều trọng trách.
Bà mê hát lắm, lúc có bầu Hữu Châu vẫn lén nịt bụng mà lên sân khấu đu, bay, đánh kiếm tưng bừng. Lâu lâu, Hữu Châu ghẹo bà: "Má làm vậy nên bi giờ tui mới khùng khùng nè!". Hai mẹ con cười vang nhà. Nhưng mơ ước của bà gãy đổ nửa chừng, khi đứa con trai đầu chết trên đường lưu diễn ra Bắc (1980), rồi năm 1984 cả gia đình rút khỏi đoàn Thanh Nga, giao hết đoàn cho Nhà nước quản lý, đến năm 1985 bà bầu Thơ bị tai biến, năm 1986 ông Hữu Thình qua đời, năm 1988 bà bầu Thơ cũng xuôi tay nhắm mắt. Một loạt biến cố xảy ra, gia đình tan tác, bán nhà trả nợ, anh em ra riêng vất vả kiếm sống. NSƯT Bảo Quốc cũng chạy sô đong gạo từng bữa.
|
Bà Thanh Lệ thì gánh gồng nuôi ba đứa con thơ cùng đứa cháu nội mồ côi, từ cô đào hát đi xe hơi rớt xuống thành người bán cà phê vỉa hè. Bà nói: "Mỗi ngày đều đi ngang căn nhà cũ ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, tôi tủi thân lắm. Nhưng vì con cái mà có sức mạnh để vượt qua hết". Bà cắm mặt kiếm tiền, cắm mặt lo cho con ăn học. Hữu Châu, Hữu Lộc, Quỳnh Dao đều ra vỉa hè phụ mẹ. Bà thương nhất Hữu Lộc, nhỏ xíu mà bưng bê cà phê suốt buổi, còn một buổi đi học, không hề mắc cỡ. Còn Hữu Châu đang là sinh viên trường sân khấu, bà sợ con ngại ngùng nên chỉ để con ngồi rửa ly, dọn dẹp tại chỗ. Mấy mẹ con chui vào con hẻm nhỏ xíu của xóm Đồng Tiến, nơi mưa thì ngập nước, trùn dế bò lổm ngổm, nắng thì nóng bức với căn nhà tôn thấp lè tè. Sân khấu hạ màn sao mà cay đắng!
Tui coi phim trên ti vi, tức muốn chết. Thấy nhiều người đóng vai già chưa đạt, cỡ đó tui đóng dư sức. Vậy mà Hữu Châu không cho tui đi. Mấy hãng phim mời hoài, Hữu Lộc thì vui vẻ cho đi liền, còn nó nhứt quyết cản. |
Nhưng bây giờ, căn nhà ấy đã được sửa sang lại khang trang nhờ vào Hữu Châu là trụ cột đi hát nuôi cả gia đình. Tôi bàng hoàng khi thấy trước cửa nhà vẫn treo tấm bảng của Công ty Nụ Cười Mới. Bà Thanh Lệ bùi ngùi: "Hồi đó Hữu Lộc mượn địa chỉ này làm trụ sở công ty. Định giỗ 100 ngày của nó thì gỡ bảng xuống. Nhưng tôi không nỡ. Thôi, cứ để đó, có mất gì đâu, nhìn thấy để nhớ con!". Bà có cháu ngoại, cháu nội, cháu cố đầy đủ, ở chung khá vui vẻ, đứa nào ở riêng thì cũng thường qua lại thăm viếng. Hôm tôi đến, thật may gặp được nghệ sĩ Chí Tiên là em chồng của bà, chú Út của Hữu Châu. Hai chị em nhắc chuyện xưa cho tôi nghe, thật ấm áp. Nghệ sĩ Chí Tiên cũng giã từ sân khấu, thích nghiên cứu kinh Phật, nét mặt phúc hậu y chang nghệ sĩ Bảo Quốc, nhìn xa rất dễ lầm là Bảo Quốc.
Nhưng bà Thanh Lệ còn mê nghệ thuật dữ lắm. Hữu Châu phát hiện bà hay vô phòng hóa trang, lấy áo mặc vào rồi ngồi ca lại những tuồng hát cũ. Hỏi thì bà mắc cỡ chối biến. Nhưng lại nói thiệt là bài nào cũng còn nhớ vanh vách. Bà còn bảo: "Tui coi phim trên ti vi, tức muốn chết. Thấy nhiều người đóng vai già chưa đạt, cỡ đó tui đóng dư sức. Vậy mà Hữu Châu không cho tui đi. Mấy hãng phim mời hoài, Hữu Lộc thì vui vẻ cho đi liền, còn nó nhứt quyết cản". Hữu Châu giả bộ gầm gừ: "Thôi mà má, đi phơi nắng mệt thấy mồ, bệnh hoạn làm sao!". Hữu Châu rất có hiếu, nên bà rất thương, và nghe lời anh răm rắp. Nhưng bà vẫn ấm ức thế nào! Tôi cười: "Ông bầu của dì khó tánh quá! Thôi ráng năn nỉ chứ biết sao!". Bà vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó Hữu Châu cho mình đóng vài phân đoạn thôi cũng hả lòng hả dạ.
Hoàng Kim
Bình luận (0)