Thanh long, sầu riêng đối mặt cạnh tranh ở Trung Quốc

06/03/2023 06:36 GMT+7

Dự báo, thanh long, sầu riêng VN sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc, khi nước này có sản lượng thanh long vượt VN, còn Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất khẩu qua đây.

Đừng "cố nhét cho đủ chuyến hàng"

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của sầu riêng VN xuất khẩu vào Trung Quốc khiến cạnh tranh ở thị trường này ngày càng gay gắt. Theo một chuyên gia ngành bảo vệ thực vật, đầu năm nay, Thái Lan đã áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, so với trước đây là 32%. Như vậy, quả sầu riêng có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Động thái này được cho là yếu tố cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng VN khi Thái Lan không còn giữ được vị thế "một mình một chợ" ở thị trường Trung Quốc.

Còn với thanh long, cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn, cao hơn sản lượng của VN với 1,4 triệu tấn. Ngôi vị số một thế giới về sản lượng thanh long là thành quả của Trung Quốc sau nhiều năm liên tục mở rộng diện tích, cải thiện năng suất, từ 1,24 tấn/mẫu (năm 2016) nâng lên 1,54 tấn/mẫu (năm 2020).

Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) VN lâm thời tại Trung Quốc, từng cảnh báo Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính cho nhiều loại nông sản của VN nhưng DN, nhà sản xuất chưa chủ động để học tập, nghiên cứu thị trường này, nhất là phương thức bán hàng trực tiếp. Ngoài ra, Trung Quốc đã điều chỉnh nhiều quy định, đang là thị trường "khó tính", đặt yêu cầu cao về chất lượng hơn số lượng.

Thanh long, sầu riêng đối mặt cạnh tranh ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Sầu riêng cần được xây dựng, quảng bá thương hiệu để có sức cạnh tranh tốt hơn khi xuất khẩu

ĐINH TÙNG

Thực tế nhìn vào cách làm của DN VN vẫn còn dễ dãi, vẫn coi đây là thị trường "dễ tính", gò ép về số lượng, chưa thực sự coi trọng chất lượng. "Tôi từng chứng kiến kho sầu riêng nhiều quả còn sâu, còn rệp, kích thước không đủ tiêu chuẩn nhưng DN vẫn cố đóng vào cho đầy container. Để giữ thị trường xuất khẩu lớn này, chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhằm tạo niềm tin, giữ uy tín với đối tác, người tiêu dùng chứ đừng chạy theo số lượng mà cố nhét cho đủ chuyến hàng", bà My cảnh báo.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), thừa nhận xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc hiện tại ổn định nhưng nhu cầu tiêu thụ đã giảm hơn 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Trước đây ở biên giới phía bắc, mỗi ngày phía Trung Quốc có thể nhập hơn 300 container, còn bây giờ có ngày bán không nổi 100 container. Thanh long giữ được giá tốt là do một thời gian dài giá rẻ, nông dân chuyển đổi cây trồng khác nên diện tích, sản lượng không còn nhiều.

VN phải xây dựng thương hiệu cho trái cây xuất khẩu vì bán hàng thương hiệu sẽ thu về giá trị cao hơn so với bán hàng nguyên liệu.

Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội DN VN lâm thời tại Trung Quốc

Ông Hiệp khẳng định thanh long cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc sẽ có nhiều thua thiệt. Từ phía nam đưa sang chợ đầu mối Trung Quốc, chỉ riêng chi phí vận chuyển khoảng 15.000 đồng/kg, giá bán sẽ cao hơn hàng nội địa. Còn về chất lượng và mẫu mã, thanh long Trung Quốc hiện tại không thể sánh bằng VN nhưng đáng lo là tâm lý "người Trung Quốc tiêu dùng thanh long Trung Quốc". Về lâu dài, với trình độ khoa học kỹ thuật, Trung Quốc sẽ cải thiện được chất lượng, mẫu mã thanh long, từ đó tác động đến sản lượng xuất khẩu của VN.

Nâng chất lượng, xây dựng thành thương hiệu quốc gia

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, thanh long nằm trong nhóm trái cây xuất khẩu chủ lực, năng lực sản xuất của nông dân rất tốt, đã làm được sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như EU, Mỹ, Nhật Bản… Nhưng nghịch lý ở chỗ thanh long chưa được quan tâm xây dựng là trái cây thương hiệu của quốc gia, chưa có vị thế trên thị trường quốc tế để bán được giá cao.

Dẫn chứng với trái sầu riêng, Malaysia có thương hiệu sầu riêng bán mỗi quả giá đến 1.000 USD, hàng VN chất lượng không thua kém nhưng giá bán thì kém xa, hay việc chúng ta xuất rất nhiều chuối sang Trung Quốc nhưng người tiêu dùng chỉ biết đến chuối Philippines, bà Phan Thị Trà My nhấn mạnh: "VN phải xây dựng thương hiệu cho trái cây xuất khẩu vì bán hàng thương hiệu sẽ thu về giá trị cao hơn so với bán hàng nguyên liệu".

Là doanh nhân có nhiều năm kinh doanh nông sản tại thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty CP công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng sở dĩ Thái Lan kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng vì đây là trái cây mang thương hiệu quốc gia. Họ áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ, nếu muốn xuất khẩu thì các DN buộc phải tuân thủ. DN VN muốn đặt kho thu mua sầu riêng tại Thái Lan, chưa nói đến cơ quan quản lý nhà nước, riêng Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan cũng có quyền vào tận kho kiểm tra số lượng, chất lượng sản phẩm. 

Thế nên, theo bà, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải xây dựng thành thương hiệu quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã, quy cách đóng gói… Ngoài ra, các DN cần phải thay đổi phương thức bán hàng, thay vì chỉ bán ở chợ đầu mối biên giới như hiện nay thì cần đầu tư để thâm nhập sâu hơn, mở các cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm; có những kho hàng đặt sâu bên trong nội địa Trung Quốc, hướng đến những đô thị lớn để khai thác phương thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh ở nước này.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho rằng Thái Lan nâng tiêu chuẩn với sầu riêng và sản lượng thanh long nội địa Trung Quốc đã vượt qua VN là những vấn đề đáng lo ngại. Ngay từ bây giờ, DN, các nhà sản xuất, nông dân phải thay đổi phương thức kinh doanh, sản xuất để giữ được thị trường bền vững.

Riêng với trái sầu riêng, nếu so với Thái Lan, VN đang nắm giữ lợi thế về khoảng cách địa lý, chi phí logistics khi chỉ cần 1,5 - 2 ngày là hàng cắt tại vườn vận chuyển đường bộ có thể đưa sang thị trường Trung Quốc, trong khi Thái Lan phải mất 7 - 8 ngày. Hiện nay, sầu riêng Thái Lan xuất khẩu vào Trung Quốc phải thu hoạch sớm hơn, trong khi sầu riêng VN có thể để già ngày hơn nên chín thơm, ngon hơn hàng Thái Lan. Chính vì thế, Thái Lan phải điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng để giữ chân khách hàng, cạnh tranh với sầu riêng VN.

"Nhưng so với Thái Lan, sầu riêng VN giá bán thấp hơn, chưa có thương hiệu phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc; chất lượng còn trồi sụt, chưa đồng đều… Nếu đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng; mẫu mã đẹp, có múi đều nhau và xây dựng được thương hiệu cho trái sầu riêng thì VN cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các đối thủ, không riêng gì Thái Lan", ông Nguyên nhấn mạnh. 

Để giảm bớt sức ép cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc, các DN, nhà sản xuất VN nên đầu tư mạnh vào thanh long trái vụ, rơi vào tháng 12 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau. Đây là mùa đông, Trung Quốc sẽ không trồng được thanh long, không có sản lượng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.