Thành Mới - vàng lá xuất hiện sau mỗi cơn mưa

26/07/2022 06:33 GMT+7

Di tích văn hóa Óc Eo Thành Mới được Louis Malleret nhắc đến trong những năm 1936 - 1937 với việc ghi nhận 3 vết tích kiến trúc đền thờ phát hiện ở các điểm đã bị đào phá và đặc biệt là nhóm di vật quý tìm thấy gồm 1 vương miện và 1 thắt lưng bằng vàng.

Vùng đất nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu còn được gọi là “vùng đất giữa sông”, có địa hình chủ yếu là các doi sông, cồn sông, cù lao sông… thuộc Vĩnh Long, một phần Đồng Tháp (H.Châu Thành, Lai Vung, TP.Sa Đéc) và một phần Trà Vinh (H.Càng Long, Cầu Kè). Nơi đây, dấu tích vật chất của cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo đã được ghi nhận bởi Malleret từ rất sớm cũng như các nhà khảo cổ học VN từ những năm 1980 đến gần đây.

Cố vấn BCH T.Ư Đảng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời thăm công trình khai quật di tích Thành Mới

Các di tích tiêu biểu ghi nhận chủ yếu tập trung trên địa bàn H.Vũng Liêm (Vĩnh Long) gồm: Thành Mới, Kênh Ruột Ngựa, Đìa Chảo, Phú Long, chùa Văt Kompon Rolem, Giồng Kè, Trung Hậu, Trung Điền… Trong đó, đáng chú ý là di tích Thành Mới thuộc địa bàn hai xã Trung Hiếu (ấp Bình Thành) và Trung Hiệp (ấp Bình Phụng).

Được phân bố trong phạm vi khá rộng trên cánh đồng ruộng trũng có những gò - giồng đất nổi cao, vết tích văn hóa thuộc loại hình cư trú như cột gỗ kiến trúc nhà ở, gốm sinh hoạt… tập trung dọc theo hai bên bờ kênh Ruột Ngựa. Trên các điểm gò như Gò Cây Me, Gò Thành Mới có các vết tích nền móng kiến trúc bằng gạch song đã tiếp tục bị phá hủy nghiêm trọng.

Thành Mới là di tích văn hóa Óc Eo được Louis Malleret nhắc đến trong những năm 1936 - 1937, đã bị đào phá và đặc biệt là nhóm di vật quý tìm thấy gồm 1 vương miện và 1 thắt lưng bằng vàng, nhưng đáng tiếc là nhóm di vật này đã bị người dân nung chảy để bán. Người dân cho biết tại một hố đào gần Nỗng Vua - một gò đất cao trong quần thể di tích Thành Mới, họ thấy một trụ gạch rỗng lòng (hố thờ), bên trong có nhiều cát trắng, bới lớp cát, họ tìm thấy các di vật vàng, một số đồ đồng cùng nhiều di vật khác… Trước đó, khu đất này, cứ sau mỗi đợt mưa lớn, người dân lại đi trên gò lượm vàng lá và các loại hình hạt chuỗi bằng đá quý. Những di vật này đã bị người dân đem bán và làm thất lạc.

Dấu ấn Võ Văn Kiệt

Trong quần thể khu di tích Thành Mới, Louis Malleret còn phát hiện 1 pho tượng Phật đứng và 1 tượng Vishnu, cả hai pho tượng này hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Đặc biệt, tháng 7.2002, người dân trong quá trình cải tạo đất ở khu vực xã Trung Ngãi (H.Vũng Liêm) gần Thành Mới đã phát hiện pho tượng Vishnu cao 102 cm, sau đó giao về cho Bảo tàng Vĩnh Long. Hiện vật đặc biệt quý hiếm này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018 và là bảo vật đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Tượng thần Vishnu - Bảo vật quốc gia phát hiện tại khu vực lân cận di tích Thành Mới

TƯ LIỆU

BẢO TÀNG VĨNH LONG

Năm 1986, ông Võ Văn Kiệt, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, về thăm quê đã đề nghị mở rộng một con kênh cụt lấy nước từ sông Mang Thít vào xã Trung Hiệp và Trung Hiếu, chính nhờ con kênh này đã làm xuất lộ khu di chỉ cư trú quan trọng - kênh Ruột Ngựa. Nhờ phát hiện đó, năm 1987, các nhà khảo cổ học VN mới bắt đầu thực hiện nghiên cứu, khảo sát di tích Thành Mới, xác định di tích có quy mô khá lớn, thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo điển hình.

Năm 1995, trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu khảo cổ học Trường Sa, Tây Nguyên và Nam Bộ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Viện Khảo cổ học, di tích Thành Mới được quan tâm và lên kế hoạch. Tháng 11.1998, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Vĩnh Long tiến hành khai quật lần thứ nhất.

Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Óc Eo một cột địa tầng về sự phát triển liên tục các văn hóa khảo cổ đồng bằng sông Cửu Long đã được phát hiện. Đến thời điểm trước 1998, khảo cổ học chưa phát hiện và khai quật một khu di tích nào như Thành Mới - một cụm di chỉ mà các nhà nghiên cứu có thể thấy được những “trang sử” phát triển liên tục từ “tiền Óc Eo” đến “Óc Eo” và giai đoạn sau Óc Eo với một địa tầng không hề có hiện tượng xáo trộn.

Tháng 12.1999, Viện Khảo cổ học tiếp tục di tích Thành Mới được khai quật lần thứ hai, làm rõ tổng thể kiến trúc đã khai quật trước đó, kết quả làm rõ được một phế tích kiến trúc đã bị phá hủy dài còn lại 7 m, rộng ngang 4,5 m, là một nền đền tháp, tại trung tâm nền tháp có dấu tích của một hố thờ nhỏ hình vuông kích thước 0,3 x 0,3 m đã bị đào phá bởi những người tìm báu vật, cùng với đó là nhiều nhận thức bổ sung cho nghiên cứu về địa tầng, tính chất của các phức hệ kiến trúc phát lộ.

Sau khi giữ cương vị Cố vấn BCH T.Ư Đảng, ông Võ Văn Kiệt vẫn luôn rất quan tâm, nhiều lần về thăm và chỉ đạo các ban ngành phối kết hợp nghiên cứu tổng thể khu di tích cũng như có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, sau chương trình nghiên cứu khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ khép lại, di tích Thành Mới đã bị chìm vào quên lãng. Mặc dù hố khai quật đã được lấp cát để bảo tồn và đang trong quá trình lập hồ sơ công nhận di tích, tuy nhiên hiện trạng của di tích chưa được quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, người dân đã tiếp tục cải tạo, canh tác trên khu vực di tích đã phát lộ và đang có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có sự đầu tư tổng thể và bảo tồn phát huy giá trị kịp thời.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.