Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thông tin về 2 cổng thành mới xuất lộ

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
29/06/2020 12:57 GMT+7

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa có thông tin chính thức về 2 cổng thành mới xuất lộ được cho là "chưa từng xuất hiện trong sử sách".

Sáng nay 29.6, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa có thông tin chính thức về 2 cổng thành được xuất lộ sau khi di dời dân khu vực Thượng thành thuộc kinh thành Huế.
Khác hẳn với các cổng thành chính của kinh thành Huế đều nối với các trục giao thông đường bộ đi vào kinh thành, 2 chiếc cổng này có kích thước nhỏ, nằm bên phải và bên trái của Đông thành Thủy Quan trong kinh thành Huế, cách nhau vài trăm mét và kết nối với hệ thống đường thủy của sông Ngự Hà và Hộ Thành hào, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) để ra bên ngoài. 
Theo đó, một cổng đã xuất lộ và cổng khác vẫn còn khuất lấp, được bịt kín bằng bờ lô, ở mặt trong với nhà dân vẫn còn xây áp vào tường chưa giải tỏa. Cổng được xây theo hình thức cổng vòm, cao khoảng 0,7 m, rộng khoảng 0,6 m với bảy lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Cổng có lối kiến trúc vòm hai lớp liên kết nhau, vật liệu hoàn toàn đồng dạng với kinh thành, hình thức mỹ thuật được chăm chút rất kỹ, đẹp.

Cổng thành nhìn từ bên ngoài vào hướng đường Xuân 68

Ảnh: Văn Nguyện

Đã từng khảo sát

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đây là công trình cửa bên phải và cửa bên trái của Đông thành Thủy Quan nằm trong hệ thống Kinh thành Huế, là nơi đặt đại bác và đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy Quan. Công trình từng được ghi chép trong sử sách triều Nguyễn, cũng như tài liệu của người Pháp chứ không phải “chưa từng được ghi chép trong sử sách” như một vài thông tin phỏng đoán trước đó.

Ảnh do Phòng Nghiên cứu khoa học - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chụp từ 2018

Cụ thể, trong Đại Nam nhất thống chí (Quốc Sử quán triều Nguyễn) nguyên bản chữ Hán, ghi rõ:
東城水關: 嘉隆初架木為橋,名青龍橋。明命十一年砌石,橋下設閘為關,上砌護欄杆,及大礮廠門,因改今名。
西城水關: 明命七年砌,亦下砌閘,上設大礮廠,賜今名
Phiên âm: Đông thành Thủy quan: Gia Long sơ giá mộc vi kiều, danh Thanh Long kiều. Minh Mạng thập nhất niên, thiết thạch, kiều hạ thiết áp vi quan, thượng thế hộ lan can, cập ĐẠI PHÁO XƯỞNG MÔN, nhân cải kim danh.
Tây thành Thủy quan: Minh Mạng thất niên thiết, diệc hạ thiết áp, thượng thiết ĐẠI PHÁO XƯỞNG, tứ kim danh.
Dịch nghĩa: Đông Thành Thủy quan: Thời kỳ đầu Gia Long là cầu gỗ, có tên Thanh Long kiều. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện đóng- mở, trên cầu xây lan can và cửa xưởng đặt Đại pháo nên đổi lại tên mới.
Tây Thành thủy quan: Làm vào năm Minh Mạng thứ nhất, phía dưới đặt cánh cửa, trên đặt Đại pháo xưởng, như tên gọi hiện nay.
Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng, khả năng 2 cổng thành này sau năm 1885 thất thủ kinh đô, đến năm 1886, Pháp vào chiếm đồn Mang Cá nên không còn sử dụng nữa. Sách Đại Nam nhất thống chí thời Minh Mạng đã ghi rõ ở đây có xưởng đại bác và có vệ binh 20 người để canh giữ Đông thành Thủy Quan.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cắm bảng cảnh báo khi dọn dẹp mặt bằng, tránh làm hư hỏng công trình

Năm 1933, trong tài liệu Kinh thành Huế: Địa danh của Léopold Michel Cadière đã dánh dấu rõ trên bản đồ vị trí 121, và ghi chú cửa trái và cửa bên phải của Đông Thành thủy quan. Léopold Michel Cadière còn đề cập đến hiện trạng của 2 cổng thành này là “nay đã bị bít lại”.
Cũng theo bà Lê Thị An Hòa, cách đây 2 năm, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khảo sát khu vực Thượng thành để kiểm tra hệ thống lô cốt và các công trình trên Thượng thành. Trung tâm đã cho chụp ảnh lại 2 cổng trái và phải ở Đông Thành Thủy quan và đã cắm biển thông báo cẩn thận khi thu dọn, giải hạ. “Hiện nay dự án di dời hộ dân trên Thượng thành đã hoàn thiện dần và trả lại kiến trúc của Kinh thành, Trung tâm đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng thành. Song song với việc phục hồi, Trung tâm tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản kinh thành Huế”, bà Lê Thị An Hòa cho hay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.