Trải qua hơn 600 năm mưa nắng, cùng với những biến cố của lịch sử, giờ đây Thành nhà Hồ vẫn kiên gan như thách thức với thời gian. Được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để đến tháng 9.2009 trình UNESCO công nhận Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới...
Năm 1397, trước nguy cơ đất nước xảy ra chiến tranh với nhà Minh (Trung Quốc), Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn xây thành thủ hiểm. Thành được xây dựng ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngoạ, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, có chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50m. Đây là công trình có nhiệm vụ bảo vệ nội thành. Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ gần vuông, với hai mặt đông-tây dài 883,5m, hai mặt nam-bắc dài 870,5m, với diện tích khoảng 769.086m2.
Hiện nay, thành có độ cao trung bình 7 đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m. Thành nhà Hồ là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta và là công trình mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa to lớn. Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, có nhiều phiến lớn (dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m), được xếp chồng lên nhau. Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững.
Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tường thành không những được xây bằng đá tảng, mà vào năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương đã cho nung gạch để xây thêm phần tường thành phía trên. Phần tường gạch ngày nay gần như không còn nữa nhưng những viên gạch vẫn còn nằm rải rác trong các gia đình gần thành. Thành nhà Hồ có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam, có kích thước rất lớn với kỹ thuật cao... Kiến trúc chính trong nội thành, sách cũ còn cho biết : Nhà vua ngự triều ở điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly) Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái Miếu, cung Phù Cực...
Đàn tế Nam giao thời nhà Hồ phát lộ |
Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao được xây dựng vào tháng 8 năm 1402. Công trình này đã bị sập đổ hoàn toàn. Từ năm 2004 đến nay Viện khảo cổ kết hợp với Ban quản lý di tích, danh thắng tỉnh Thanh Hóa tiến hành khai quật khảo cổ học, qua đó đã phát hiện sự độc đáo của đàn tế này.
Riêng con đường Hoa Nhai vừa mới phát lộ vào tháng 6.2008 nằm ở độ sâu khoảng 40-60cm so với nền đường hiện tại. Mặt đường còn khá nguyên vẹn với những tảng đá xanh lớn được lát hết sức linh hoạt và bằng phẳng. Những phát hiện này đã góp phần bổ sung những luận cứ đánh giá về triều Hồ cũng như góp phần soi sáng thế giới tâm linh cùng những hoạt động văn hóa cung đình của một triều đại phong kiến ngắn ngủi và còn nhiều bí ẩn...
Trao đổi với Thanh Niên Online, Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Trưởng ban quản lý khu di tích Thành nhà Hồ cho biết: Thành nhà Hồ không chỉ là một kinh đô cổ với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, mà còn là một công trình kiến trúc quân sự hoành tráng, độc đáo nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Vì vậy Thanh Hóa đang nỗ lực hết sức để hoàn tất hồ sơ sớm đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa. Thành nhà Hồ hoàn toàn xứng đáng được đề cử và ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Hiện nay các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để khám phá những bí ẩn của công trình kỳ vĩ này. Bên cạnh đó tỉnh Thanh Hóa cũng đang xây dựng kế hoạch để đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị của di tích để nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Bài, ảnh: Ngọc Minh
Bình luận (0)