Giá trị kinh tế cao, được bảo hộ thương hiệu độc quyền
Thanh nhãn do bà Trần Kiều (71 tuổi, còn gọi là Thanh), một chủ khu vườn nhãn cổ rộng lớn ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu lai tạo thành công. Giống nhãn mới nổi tiếng thơm ngon được đặt, ghép theo tên của bà Thanh nên gọi là thanh nhãn.
Du khách tham quan khu vườn nhãn cổ Bạc Liêu |
Bà Thanh chia sẻ, vào năm 1994, trong vụ mùa thu hoạch nhãn, bà tình cờ thấy trong vườn nhãn của gia đình có một vài gốc nhãn già cỗi nhưng có trái rất thơm ngon. Trái nhãn có màu vàng tươi, cơm dày, khô ráo, vị thơm, ngọt và giòn hơn hẳn những giống nhãn khác. Thấy vậy, bà Thanh đã mày mò lấy cành cây nhãn này để tháp, bo, ghép lên những gốc nhãn cũ trong vườn và đã cho ra đời giống nhãn mới. Trải qua nhiều năm cắt ghép, bà Thanh đã lai tạo thành công cây giống thanh nhãn. Được coi là đặc sản nổi tiếng thơm ngon ở xứ Công tử Bạc Liêu hiện nay. Bà Thanh còn tự hào hơn khi năm 2014, thanh nhãn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu độc quyền. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình bà Thanh mà còn là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.
Bà Thanh cho biết thêm, so với nhiều giống nhãn hiện đang trồng phổ biến ở các tỉnh, thành ĐBSCL thì thanh nhãn có nhiều ưu việt như: Trái to hơn, nặng hơn, cơm dày, ráo và ít nước hơn, thích nghi tốt với nhiều vùng đất. Trái thanh nhãn có giá cao gấp 2 đến 3 lần so với các loại nhãn khác. Do thanh nhãn khan hiếm nên sau thu hoạch đều có thương lái, người dân đặt mua. Thanh nhãn rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch. “Bạc Liêu đang là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nếu cây thanh nhãn được trồng phổ biến thì sẽ tạo được một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn khách du lịch. Thanh nhãn còn mở ra nhiều tiềm năng cho các nhà vườn trong việc xuất khẩu, bởi có những ưu điểm mà nhiều loại nhãn khác không có được”, bà Thanh chia sẻ. Hiện gia đình bà Thanh đã nhân rộng mô hình trồng thanh nhãn lên đến hàng chục héc ta, đồng thời thành lập doanh nghiệp, nhân giống thanh nhãn cung cấp cho người dân ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Thanh chăm sóc khu vườn thanh nhãn |
Xây dựng sản phẩm du lịch homestay từ thanh nhãn
Xác định thanh nhãn là đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, UBND TP.Bạc Liêu đã đầu tư hơn 15 tỉ đồng để triển khai Dự án trồng mới 100 ha thanh nhãn trên địa bàn xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông và P.Nhà Mát. Dự án giúp người trồng thanh nhãn đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/năm. Ngày 1.4.2022, UBND TP.Bạc Liêu tổ chức hội nghị triển khai Đề án phát triển cây thanh nhãn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP.Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025. Bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, đến dự và chỉ đạo hội nghị. Theo Đề án phát triển 100 ha cây thanh nhãn, đến nay địa phương đã triển khai trồng được gần 2.000 cây giống trên diện tích hơn 12 ha, có 25 hộ nông dân áp dụng.
Thanh nhãn Bạc Liêu có giá cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với các loại nhãn khác |
Phan Thanh Cường |
Để phát huy giá trị, nhân rộng mô hình trồng cây thanh nhãn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP.Bạc Liêu, bà Lê Thị Ái Nam cho rằng, cây thanh nhãn đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng nhưng hiện nay chỉ mới tập trung nhân rộng diện tích, chưa tổ chức liên kết sản xuất. Về bảo vệ thương hiệu thanh nhãn cũng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, bà Lê Thị Ái Nam đề nghị các sở, ngành khẩn trương triển khai thực hiện đề án, có giải pháp bảo vệ thương hiệu, xây dựng hồ sơ chỉ dẫn địa lý thanh nhãn Bạc Liêu. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền những giá trị của thanh nhãn để cán bộ, nhân dân hiểu đúng, đầy đủ và tự hào về thương hiệu nhãn Bạc Liêu. Quan tâm chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất và phát triển theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị cây thanh nhãn. Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu gắn với tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Đầu năm 2023, xây dựng sản phẩm du lịch homestay từ thanh nhãn và kết hợp với các điểm tham quan tiêu biểu của tỉnh để phát triển du lịch, thu hút khách thập phương đến Bạc Liêu.
Bình luận (0)