Thanh Niên 30 năm hướng về cộng đồng

03/01/2016 05:44 GMT+7

Trong hành trình hướng về cộng đồng 30 năm qua của Báo Thanh Niên , rất nhiều ước mơ đã được thắp sáng, những sinh mệnh nhỏ bé đã được cứu sống và biết bao gia đình lâm vào cảnh nghiệt ngã đã được giúp đỡ...

Trong hành trình hướng về cộng đồng 30 năm qua của Báo Thanh Niên, rất nhiều ước mơ đã được thắp sáng, những sinh mệnh nhỏ bé đã được cứu sống và biết bao gia đình lâm vào cảnh nghiệt ngã đã được giúp đỡ...

Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho SV ĐH Quốc gia TP.HCM tháng 2.2013Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho SV ĐH Quốc gia TP.HCM tháng 2.2013
“Bệ phóng” cho người trẻ hiếu học


9.000 người nghèo được mổ mắt

Chương trình Nguồn sáng cho đời được Thanh Niên khởi xướng từ năm 2004, nhằm giúp bệnh nhân nghèo được mổ mắt miễn phí. Hơn 10 năm qua, Thanh Niên cùng các nhà tài trợ đã tổ chức 77 đợt mổ mắt trên toàn quốc với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng, giúp gần 9.000 bệnh nhân nghèo sáng mắt.

Hai chị em Nguyễn Thụy Khánh Đoan - Nguyễn Thị Phương Dung sinh ra trong gia đình rất nghèo, phải đi bán vé số kiếm sống. Dù vậy, cả hai nỗ lực học hành, đậu một lúc nhiều trường đại học và 3 lần được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên. Cả hai sau đó tiếp tục được nhận học bổng của Chính phủ Úc. Phương Dung tâm sự: “Em nhớ ngày ấy, trong suốt thời sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình 1 triệu đồng/năm học đối với em là một khoản tiền rất lớn, đã hỗ trợ cho em rất nhiều về vật chất, động viên tinh thần và giúp em học tập. Em luôn hứa với lòng mình là phải cố gắng học tập để xứng đáng với ý nghĩa của học bổng mang tên người thanh niên trí thức yêu nước và tấm lòng của Báo Thanh Niên. Học bổng Nguyễn Thái Bình là một trong những “bệ phóng” vững chắc cho em đạt đến những ước mơ…”.
Hồ Hữu Xuyên sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở Kim Long (Huế). Chị gái Xuyên phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không đủ tiền chu cấp. Em Xuyên là học sinh giỏi cấp thành phố 3 năm liền nhưng không đủ tiền đóng học phí nên không thể học trường chuyên… Những khó khăn đó càng thôi thúc Xuyên học giỏi. Năm học 1993 - 1994, Xuyên đạt thủ khoa Trường ĐH Kiến trúc với số điểm 29, đồng thời là á khoa của ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Nhờ có học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên, Xuyên đã vượt qua nghịch cảnh và được Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) cấp học bổng du học…
Và rất nhiều, rất nhiều trong số hơn 14.000 học sinh, sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình suốt từ 1991 đến nay, đã trở thành những người có ích cho xã hội. Đồng hành cùng các em trên con đường vượt khó khăn, nghịch cảnh để tiếp cận tri thức, có sự ủng hộ, giúp đỡ của rất nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm, với tổng trị giá học bổng đến nay lên đến 28 tỉ đồng. Riêng năm học 2013 - 2014, Thanh Niên đã trao hơn 5 tỉ đồng học bổng cho các học sinh, sinh viên trên cả nước, trong đó có con em cán bộ chiến sĩ biên phòng, hải quân, không quân.
Rộn rã những trái tim non
Nhận thấy có rất nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình quá nghèo khó, không có điều kiện chạy chữa, năm 2010 Báo Thanh Niên phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khởi xướng chương trình Trái tim trẻ thơ. Đến nay, đã có gần 60 cháu bé được Báo Thanh Niên đưa vào chương trình để mổ tim và được cứu sống, tất cả là con của những người công nhân ngày ngày miệt mài trong các nhà máy hay nông dân cần cù với ruộng rẫy. Họ không còn biết bấu víu vào đâu, khi chi phí một ca mổ tim (đã trừ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi) từ 15 - 20 triệu đồng. “May mà có chương trình, con tôi như được sinh ra lần thứ hai. Suốt cuộc đời này, vợ chồng tôi không bao giờ quên ơn nghĩa quá to lớn này”, anh Phạm Văn An (Lâm Đồng) nói trong nước mắt vui sướng khi ca mổ tim đứa con trai thành công.
Từ Ninh Bình, vợ chồng anh An đưa nhau vào H.Di Linh (Lâm Đồng) lập nghiệp. Khi cháu Phạm Khánh Hưng (sinh năm 2012) bị bệnh, gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Bao nhiêu tiền dành dụm khi đi làm mướn chỉ đủ chi phí ăn uống, đi lại, tiền đâu mổ tim cứu con. Rất kịp thời, Thanh Niên đã đưa cháu vào chương trình mổ miễn phí và trái tim non của Hưng đã rộn rã đập trở lại. Rồi các cháu Nguyễn Quốc Huy, Phan Tấn Đạt, Phạm Danh Đại (cùng ở Lâm Đồng), Yến Nhi (H.Củ Chi, TP.HCM)… sau mổ tim giờ đã bước chân vào mẫu giáo hay tiểu học, ngày ngày nô đùa cùng trẻ cùng trang lứa mà không còn lo những cơn thở dốc mệt nhọc như trước đây…
Thanh Niên 30 năm hướng về cộng đồng
Báo Thanh Niên chuyển hàng cứu trợ vượt biển đến người dân thôn Hòa Vân (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) năm 2006 - Ảnh: Hữu Trà

Đồng hành với ngư dân giữ biển
Trong những năm qua, nhiều ngư dân các tỉnh miền Trung mặc dù được sự trợ giúp của nhà nước song vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có các ngư dân trẻ. Đây chính là nỗi lo lắng của toàn xã hội, bởi ngư dân ngoài việc làm ăn sinh sống, bao đời qua họ còn là lực lượng giữ biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế từ biển, khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông.
Ngày 23.6.2011, Thanh Niên khởi xướng Chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi. Đến nay, chương trình đã giúp xây dựng 25 căn nhà cho ngư dân ở 5 tỉnh, với tổng trị giá 1 tỉ đồng; hỗ trợ trực tiếp 1,04 tỉ đồng cho ngư dân bị sự cố trên biển, bị bệnh tật lâm vào cảnh ngặt nghèo, giúp ngư dân trang bị một số thiết bị thông dụng trên tàu để liên lạc với nhau và với đất liền khi gặp sự cố (bị tàu nước ngoài tấn công, khi gặp bão tố ngoài khơi…), hỗ trợ cho con cái ngư dân có điều kiện đến trường…
Ngoài những chương trình trên, Thanh Niên còn khởi xướng và vận động, trực tiếp thực hiện nhiều chương trình khác như Chung tay góp sức bảo vệ Biển Đông, Nguồn sáng cho đời, Nhà bán trú cho em (phối hợp với Hội LHTN VN), Áo ấm mùa đông, Cây mùa xuân…Chỉ riêng giai đoạn 2010 - 2015, Thanh Niên đã vận động tài trợ cho các chương trình công tác xã hội - từ thiện gần 133 tỉ đồng; trong đó chương trình Chung tay góp sức bảo vệ Biển Đông huy động được 11,82 tỉ đồng. Trong chặng đường sắp tới, bên cạnh làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, chắc chắn Thanh Niên sẽ cùng những nhà tài trợ, hảo tâm, những người bạn đồng hành… tiếp tục các chương trình hướng về cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội VN ngày càng tốt đẹp hơn.
Kỳ vọng tuổi 30
Giá trị Thanh Niên lan tỏa ngày càng mạnh

       Ảnh: Ngọc Thắng
       
Có thể nói Thanh Niên là tờ báo có những bước phát triển rất ngoạn mục và hiện là một “gương mặt” đáng chú ý của báo chí VN. Thanh Niên cũng là một trong số ít những tờ báo mà mỗi buổi sáng được đông đảo công chúng ưu tiên tìm đến. Những vấn đề báo nêu ra không chỉ là mối quan tâm của thanh niên, sinh viên mà còn của nhiều giới, trong đó tập trung cổ vũ thanh niên sáng tạo trong lao động, học tập, lập nghiệp, tạo ra những diễn đàn để tập hợp người trẻ…
Cá nhân tôi mong muốn trong tương lai Thanh Niên vẫn giàu sức trẻ, giàu sức sáng tạo, tiếp tục mang những hoài bão của giới trẻ; trở thành những món ăn tinh thần bổ ích của bạn đọc và tiếp tục thể hiện được vị thế của mình. Tôi cũng kỳ vọng Thanh Niên tiếp tục thể hiện và đưa được chất nhân văn, vốn đã trở thành một giá trị của báo, lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Thế Kỷ  (Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư)
Cổ vũ khát vọng trẻ
Ảnh: D.Đ.Minh
       
Cá nhân tôi theo dõi và đọc Thanh Niên từ lúc còn là tuần tin của 30 năm trước. Tôi cũng rất vui mừng trước sự trưởng thành, đi từ không thành có và ngày càng lớn mạnh của báo.
Tôi kỳ vọng Thanh Niên sẽ là người lính tiên phong trên mặt trận văn hóa, thông tin không chạy theo giật gân, câu khách. Thanh Niên phải đặc biệt vun đắp, cổ vũ cho những khát vọng trẻ cả trong và ngoài nước, nêu bật những tấm gương thanh niên khởi nghiệp, những thế hệ doanh nhân vươn ra biển lớn trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để xây dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân và cho xã hội; cổ vũ tinh thần hào hiệp, chuộng nghĩa, sống hướng thiện, đoàn kết, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trước những mai một, hư hao nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường.
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn  (Nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện
phía nam - Bộ Nội vụ) 

Chiến đấu để bảo vệ môi trường sống tốt
Ảnh: Tân Phú
       
Điều tôi tin tưởng và kỳ vọng Thanh Niên sẽ làm được sau tuổi 30 là không ngừng chiến đấu để bảo vệ môi trường sống tốt về mọi mặt trên phạm vi cả nước. Báo tiếp tục bám sát thực tiễn đời sống xã hội, mỗi phóng viên phải lăn lộn, đồng hành cùng cuộc sống trên khắp mọi miền, trên nhiều lĩnh vực để phơi bày, lên án không ngừng nghỉ những vấn đề tiêu cực, đi ngược lại mong ước nhân bản của cộng đồng, điển hình như phản ánh mạnh mẽ việc làm dự án bất động sản lấp sông Đồng Nai vừa qua…
Vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự đi lên tốt đẹp của đất nước, Thanh Niên phải tuyên chiến với tất cả những gì được cho là trì trệ, cản trở, kìm hãm sự phát triển, hội nhập theo xu hướng văn minh, hiện đại để đáp ứng kỳ vọng của tuyệt đại bộ phận người dân. Những việc Thanh Niên làm phải gắn liền với cảm thức cộng đồng, với sự tin yêu bền chặt của bạn đọc, không chỉ ở VN mà còn ở khắp nơi trên thế giới, bởi suy cho cùng đó là một giá trị đặc biệt của Thanh Niên.
PGS-TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Bảo vệ quyền lợi người đi học
Ảnh: Ngọc Thắng
       
Đất nước đang có những thay đổi quan trọng, tôi mong Thanh Niên tiếp tục kịp thời lắng nghe ý kiến người dân - người chịu tác động trực tiếp về những thay đổi để chuyển tải các góp ý, phản biện kịp thời. Riêng với lĩnh vực giáo dục, mọi quyết sách, thay đổi đều nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Báo Thanh Niên đã luôn phản biện và bảo vệ quyền lợi người đi học, tôi mong báo tiếp tục phát huy vai trò này với cách làm chuyên nghiệp, đa dạng hơn nữa.
PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội)
Đi đầu trong phản biện văn hóa
Ảnh: Kiều Trinh
       
Không chỉ mình tôi mà nhiều chuyên gia cũng đánh giá Thanh Niên là tờ báo đi đầu trong phản biện văn hóa. Đây chính là cách cảnh báo những biến tướng của bản sắc văn hóa. Những bài viết của báo bao giờ cũng nhanh, thời sự và dũng cảm, không lảng tránh mà nhìn trực diện. Lối hành văn trong các bài viết rất khoa học, mềm mỏng nhưng đanh thép. Tôi trông chờ trong thời gian tiếp theo, Thanh Niên tiếp tục có những phản biện văn hóa.
GS Ngô Đức Thịnh  (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia)
Đừng quên những phận nghèo
Ảnh: Đức Tiến
       
Với tôi, việc đọc Báo Thanh Niên vào mỗi buổi sáng như một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tôi làm nghề tài xế nên sáng nào không đọc kịp ở nhà thì bỏ báo lên xe, dừng chân chỗ nào thì lấy ra đọc chỗ đó. Tôi mê Thanh Niên vì báo thông tin nhanh, chính xác, nhiều bài điều tra, phản ánh có tính phản biện cao, nỗ lực phản ánh kịp thời những nhu cầu, bức xúc của người dân. Sắp tới, tôi muốn Thanh Niên có thêm nhiều bài viết điều tra về tham nhũng, đặc biệt chú trọng phản ánh sâu hơn nữa những vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, nhiều năm qua công tác từ thiện - xã hội được thực hiện thường xuyên, rộng khắp nên Thanh Niên phải tiếp tục phát huy, đừng bao giờ quên những phận người nghèo khó.
Ông Đặng Bền (58 tuổi, tài xế, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.