Vốn vay ưu đãi tồn đọng hàng trăm triệu đồng nhưng thanh niên ở
Quảng Nam vẫn chưa tiếp cận được, trong khi nhu cầu cần vốn khởi nghiệp
khá bức thiết...
Thanh niên Quảng Nam đang khó tiếp cận nguồn vốn vay để khởi nghiệp - Ảnh: H.X.H |
Nghịch lý thiếu - thừa
|
Hàng loạt ý kiến của Đinh Thanh Tân (Bí thư chi đoàn thôn, ở H.Đại Lộc), Đỗ Thanh Tùng (Bí thư Huyện đoàn Đông Giang)… đã đặt vấn đề tháo gỡ để thanh niên tiếp cận nguồn vốn, giữa lúc tiền lại “thừa” trong ngân hàng.
Bởi lẽ, trong khi nguồn vốn Giải quyết việc làm (Chương trình 120) qua kênh T.Ư Đoàn được phân bổ 981 triệu đồng, nhưng tính đến cuối tháng 1.2016, nguồn vốn này lại tồn ngân đến… 766 triệu đồng.
Mổ xẻ nghịch lý này, Tỉnh đoàn Quảng Nam xác định một số nguyên nhân khiến nguồn vốn Chương trình 120 chậm giải ngân. “Vướng” đầu tiên thuộc về chủ trương không giải ngân cho các dự án nhỏ lẻ (dưới 100 triệu đồng), trong khi năng lực tài chính của đối tượng thanh niên mới lập nghiệp hạn chế, không có tài sản lớn thế chấp để được vay gói này.
Chưa kể, các dự án tiếp cận nguồn vốn lại tập trung ở vùng nông thôn, miền núi nên định mức tài sản càng không đảm bảo. Thêm trở ngại nữa là kênh vốn Chương trình 120 chỉ tập trung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh... chứ không giải ngân cho các dự án đầu tư trang trại, chăn nuôi.
Quá nhiều ràng buộc!
Chính những quy định mang tính ràng buộc của mỗi chương trình vốn vay ưu đãi đã “hạn chế” khả năng tiếp cận của thanh niên nghèo. Ban Thanh niên - nông thôn công nhân và đô thị (thuộc Tỉnh đoàn Quảng Nam) trong báo cáo về các nguồn vốn vay mà thanh niên đang thụ hưởng tính đến tháng 2.2016 có nêu nguyên do về sự phối kết hợp của các ngân hàng chính sách xã hội “chưa thật sự vào cuộc, chưa mạnh dạn giải ngân” cho các dự án lớn, nên nhiều dự án đã qua thẩm định nhưng không được giải ngân.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia phân tích tài chính, ông Nguyễn Quang Dinh, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam lại nghĩ khác. Theo ông Dinh, định mức cho vay tối thiểu - tối đa kèm theo những ràng buộc về tải sản thế chấp nhằm hạn chế rủi ro về nợ xấu, nợ quá hạn mà trên thực tế đang xảy ra đối với nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách.
“Vấn đề quan trọng ở đây không phải là chuyện lãi suất ưu đãi, mà là chuyện dự án của bạn có hiệu quả không. Thanh niên mới khởi nghiệp thường chưa có kinh nghiệm quản lý mà đòi hỏi có nguồn vốn lớn thì rất rủi ro”, ông Dinh giải thích thêm với PV Thanh Niên. Đây cũng là lý do mà vị đại diện ngân hàng chính sách ở Quảng Nam khuyên các hộ thanh niên nghèo nghiên cứu tiếp cận gói vay vốn nhỏ hơn, bởi với dự án tối đa 50 triệu đồng thì không cần tài sản thế chấp, lãi suất chỉ 0,55%/tháng.
“Trong điều kiện còn hạn chế về kinh nghiệm và tài sản thế chấp, thanh niên hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ, đi từ nhỏ đến lớn”, ông Dinh nói.
Mặc dù vậy, chỉ có hộ nghèo mới được vay gói lãi suất thấp thông qua vốn ủy thác từ các ngân hàng chính sách, còn đối tượng thanh niên chưa tách hộ không đủ điều kiện tiếp cận. Ngược lại, nguồn vốn Chương trình 120 không cho vay theo nhóm, trong khi mỗi thanh niên thì không đủ tài sản thế chấp.
“Thanh niên dưới cơ sở cần vốn lắm, nhưng quá nhiều ràng buộc. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị giải quyết, và đang tìm kiếm các đối tượng đáp ứng các yêu cầu mà định chế tài chính đưa ra để được giải ngân”, anh Đinh Nguyên Vũ, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam nói.
Bình luận (0)