Thanh niên góp ý, đề xuất giải pháp xây dựng đảng, nhà nước

31/08/2005 22:04 GMT+7

Sau 5 tháng tổ chức, đến nay cuộc thi tìm hiểu "60 năm nước CHXHCN Việt Nam" đã thu hút 11.576.000 bài dự thi, trong đó có khoảng 70% là bài dự thi của thanh niên, sinh viên và học sinh với hàng triệu ý kiến góp ý tâm huyết với Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Doãn Tiến - Phó tổng biên tập website Đảng Cộng sản Việt Nam - về cuộc thi này.

* 11.576.000 bài dự thi là con số ấn tượng. Theo ông, đâu là nguyên nhân thu hút sự quan tâm của mọi người?

- Ông Trần Doãn Tiến: Cuộc thi có thể nói là thành công vượt ra ngoài sự mong đợi của Ban Tổ chức. Trực tiếp theo dõi không khí sôi nổi, hào hứng hưởng ứng cuộc thi từ khi tổ chức phát động, triển khai ở một số tỉnh, thành phố đến khi đọc trực tiếp nhiều bài dự thi, chúng tôi thực sự xúc động và khó có thể diễn tả nổi sự ngưỡng mộ trước những công trình dự thi của các bạn trẻ. đặc biệt là công trình dự thi hoành tráng của thanh niên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Vinh (Nghệ An), tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc... Đây là cuộc thi có chất lượng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử các cuộc thi viết tìm hiểu lịch sử đất nước, dân tộc ở Việt Nam. Không chỉ nội dung, chất lượng sâu sắc, nhiều bài thi làm rất công phu, sưu tầm, chắt lọc, viết tay hoặc đánh máy hàng nghìn trang, với hình thức phong phú, hấp dẫn; sưu tầm nhiều ảnh đẹp, tư liệu quý. Có bài thi đầu tư hàng chục triệu đồng...

Ông Trần Doãn Tiến: “Tôi tin rằng họ tham gia dự thi không hẳn vì giải thưởng, mà là tấm lòng đối với Đảng, Nhà nước”. 
Phải khẳng định rằng, chính Báo Thanh Niên và Đài Truyền hình Việt Nam, cũng như nhiều tờ báo khác từ trung ương đến địa phương, đã vào cuộc ngay từ đầu trong việc cổ vũ, tuyên truyền nên đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc thi.

* Qua các bài dự thi, thanh niên muốn nói, bày tỏ gì với Đảng, Nhà nước?

- Nhiều bạn trẻ đề nghị thiết lập đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiện tố giác khi họ nghi ngờ hoặc phát hiện; hay công dân tố giác cán bộ công chức tham nhũng phải được hưởng các chế độ bảo vệ và thưởng xứng đáng. Hoặc, một bạn trẻ ở một tỉnh vùng cao đề xuất, nên áp dụng chế độ bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND các cấp giữa nhiệm kỳ, cũng như bỏ phiếu tín nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn. Những người không được tín nhiệm cần thiết phải thay thế kịp thời. Xác lập cho được chế độ trách nhiệm trước dân. Nghĩa là người nào không được tín nhiệm của dân sẽ không được bầu. Bên cạnh đó, nên tổ chức hệ thống điều tra về ý kiến, sự tín nhiệm của người dân đối với các ngành để đánh giá về công việc của các công chức, quan chức. Một trong những góp ý khác mà rất nhiều bạn trẻ đề xuất là cơ chế sử dụng con người, việc sử dụng cho tốt nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hiện nay của nền kinh tế chúng ta. Sử dụng nhân tài và ưu đãi nhân tài như thế nào cho đúng. Phải làm sao có tính minh bạch, tính công khai, dân chủ thực sự thông qua các quy định, tiêu chuẩn rõ ràng, thông qua các cuộc phỏng vấn, thi tuyển.

* Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến việc soạn sử, dạy sử cũng như việc học sử của các em học sinh. Cuộc thi này cũng là một dịp để ôn lại những kiến thức về lịch sử, theo ông, kiến thức về lịch sử của các em có đến mức báo động như một số báo đã nêu trong thời gian qua không?

- Theo tôi nghĩ là không. Đơn cử, ngoài cuộc thi viết, Ban Tổ chức còn có sáng kiến mở cuộc thi trắc nghiệm trên truyền hình và trên Website Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả hằng tuần đã phản ánh, 90% số người được giải đều là các em học sinh cấp hai và cấp ba, còn lại là một số em sinh viên đại học. Cuộc thi viết thu hút hơn 70% số người dự thi là thanh, thiếu niên, cán bộ công chức, người lao động trẻ. Chỉ riêng việc họ đầu tư công sức sưu tầm, chắt lọc hàng nghìn trang tư liệu để viết bài dự thi đã cho thấy điều đó. Họ không những trả lời xuất sắc mà còn phát biểu cảm tưởng, liên hệ thực tế với công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo hiện nay. Trong tất cả 10 câu hỏi, từ lịch sử dựng nước của các vua Hùng đến các cuộc khởi nghĩa giữ nước, dựng nước vĩ đại của cha ông đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay. Và đặc biệt là những cảm xúc về sự đổi thay của quê hương, đất nước cũng như những ý kiến góp ý, đề xuất giải pháp xây dựng Đảng, Nhà nước một cách chân thành, có tính khả thi. Thực tế đó khẳng định rằng, phần lớn thanh niên, sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung am hiểu lịch sử, sống có lý tưởng, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thành công của CNXH.

* Xin cảm ơn ông.

Minh Quý (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.