“Thánh nữ” tuổi teen

25/04/2010 18:36 GMT+7

(TNTT>) Népal bí ẩn với thế giới không chỉ nhờ có đỉnh Everest hùng vĩ mà còn do sự hiện diện đầy kỳ lạ của những vị nữ thánh sống ngay giữa thời hiện đại.

Tháng Tư, đường phố thủ đô Katmandu nhộn nhịp sặc sỡ sắc màu dịp Tết truyền thống của Népal. Du khách luồn lách trong Lễ kính bò theo nghi thức đạo Hindu. Nhưng nhiều người trong số đó không chỉ ngắm đám rước. Họ trực chỉ khu biệt trang ba tầng kết cấu gỗ với cửa sổ đầy hoa văn chạm trổ cầu kỳ, đến chiêm ngưỡng và nhận phước lành từ Chanira Bajracharya, một trong ba Kumari hoàng gia, những vị nữ thánh sống nổi tiếng của Népal.


Chanira với các sinh viên, tín đồ Hindu và Phật giáo các quốc gia vùng núi Everest - Ảnh: Reuters

Thần tượng tuổi teen

Thực tế chỉ có những tín đồ Phật và Hindu mới được vào tận sân vườn để lãnh nhận bàn tay gia ân thiêng của cô thiếu nữ Chanira. Kẻ ngoại đạo và du khách phương Tây bị cấm ngặt nhập hậu cung.

Có lẽ Népal là một trong những quốc gia hiếm hoi trên địa cầu này còn duy trì sự hiện diện của những vị nữ thánh sống như vậy nên Chanira Bajracharya đã trở thành thần tượng tuổi teen ở đây.

Lớp trẻ càng tò mò và thích thú hơn khi biết dù mang danh vị nữ thánh Chanira vẫn là một cô bé hiện đại tuổi 13. Cô cũng mê phim HBO và thích chơi búp bê Barbie như trẻ đồng trang lứa ngoài giờ học riêng. Chanira còn mong làm hết bài tập ở nhà, thi hành nhanh cho xong các nghi lễ đạo giáo để vùi đầu vào máy tính, vào thú đam mê hội họa với cọ, toan vải và sơn... 

Theo quy định, một Kumari chỉ sống vỏn vẹn vài năm của "đời nữ thánh". Đến tuổi dậy thì, họ sẽ bị “đào thải” dù cho trước đó họ đã được tuyển chọn rất khắt khe từ giới chức cao cấp của cả hai đạo Hindu và Phật giáo.

Ngoài vị nữ thánh sống nổi tiếng nhất ở thủ đô Katmandu hiện nay là Chanira Bajracharya, Népal còn hai Kumari nữa. Preeti Shakya, 10 tuổi, được mệnh danh là vị nữ thánh “bảo thủ” nhất. Cô bé đã từng từ chối không in dấu chu sa ban phước theo tục lệ cho một quan chức nhà nước, vì cho rằng ông này không thuộc dòng hoàng tộc. Còn Kumari thứ ba, Sajai Shakya, 11 tuổi, “nổi loạn” nhất, dám ra ngoài đi học, tham quan nước Mỹ nên vừa bị tước danh vị.

Nghi thức ấy được biết đến đại khái như sau: Khi một Kumari tiền nhiệm “có tháng” lần đầu tiên trong đời, các bé gái từ tầng lớp thượng lưu sẽ được đưa đến trước các vị tư tế hoàng gia để chọn lọc tìm người thay thế. Bé nào đạt đủ 32 chuẩn hoàn hảo theo quy định sẽ trở thành hiện thân của nữ thần Hindu, Taleju.

Hồn nhiên và truyền thống

Với danh vị thần quyền này, những Kumari như Chanira sẽ bắt đầu một thời khóa biểu không giống lịch sống của bất cứ đứa trẻ nào trên thế giới. Không ai trong gia đình có quyền la rầy. Cô thích gì ăn nấy và chẳng phải đụng tay đụng chân vào việc nhà. Nghe vậy có lẽ nhiều trẻ sẽ nghĩ cô bé sướng nhất trần đời.

Tuy nhiên để đổi lấy một cuộc sống xa hoa tiện nghi đầy quyền lực, Chanira bị cấm không được rời biệt trang, toàn tâm toàn ý lo chuyện tôn giáo. Mỗi sáng Chanira cũng phải “thiết triều”, nghĩa là an tọa một chỗ trên ngai cho hàng dòng người theo đạo Hindu đến chiêm bái hoặc xin ban phép chữa bệnh.

Đến nay Chanira chưa thực hiện phép lạ nào, nhưng người ta kể, đã từng có Kumari chữa lành tật câm bẩm sinh của một đứa bé trai 6 tuổi nhờ uống dòng nước chảy tràn qua chân nữ thánh. Ngồi để được chụp hình là công việc cô bé phải chịu trận nhiều nhất.

Thường các tấm hình ấy tựa tựa như nhau: một Chanira Bajracharya bé nhỏ trong lễ phục tuyền đỏ - đây là màu duy nhất Kamuri được quyền mặc - đầu đội vòng hoa, tay đeo kiềng bạc và vết chu sa giữa trán hằn rõ như con mắt thứ ba, có thể nhìn xa hàng dặm và thấy được tương lai, theo niềm tin Hindu.

Đặc biệt, Chanira phải chịu một điều khó nhất đối với một cô gái: Không được cười to. Ngay cả những cảm xúc bi quan tiêu cực cũng không được biểu lộ vì như thế là gieo lời nguyền độc địa cho khách hành hương.

Nhưng làm sao một đứa trẻ luôn tuân thủ nổi chuyện khó ấy nên đôi khi kẻ tinh mắt cũng thấy cô bé giấu mặt ra sau để tủm tỉm thầm trong các nghi lễ buổi sáng.

Người nhà luôn yêu cầu các khách ngoại đạo không phỏng vấn con gái họ. Việc ấy sẽ làm ô uế sự thanh khiết của nữ thánh. Cứ thế nên Chanira không có bạn.


Cô luôn nhận được sự thành kính của các SV


Chanira với thầy phụ đạo trong giờ học riêng


Nữ thánh sống Chanira trong thâm cung ở thủ đô Népal

Truyền thống và sự tồn tại

Cũng tương tự như tục kính bò ở Népal, việc thờ phụng một bé gái sống rồi “truất phế” khi cô bé đến tuổi dậy thì là những nét tâm linh độc đáo của quốc gia vùng Hy Mã Lạp Sơn này. Bao năm nay đã tồn tại các Kumari, và vẫn có những thời khắc tồn tại song hành cả tân lẫn cựu nữ thánh sống giữa vùng đất dưới chân đỉnh Everest.

Người ta đã đặt câu hỏi rằng các Kumari khi đã qua thời “trị vì” sẽ đi về đâu? Nhiều tín đồ Hindu nghĩ rằng cưới một cựu Kumari sẽ là rất khó khăn nên việc các cô  tái hòa nhập xã hội và để làm vợ, làm mẹ gặp khá nhiều trắc trở.

Có lẽ, một phần bắt nguồn từ các tiêu chuẩn khắt khe để tuyển chọn nữ thánh trước đó. Những nghi thức truyền thống ràng buộc đã khiến nhiều Kumari tắt đường học vấn sớm, khó lấy lại căn bản, cho dù có quay lại trường sau này.

Rashmila Shakya, một cựu Kumari nay đã 25 tuổi, là người đầu tiên tốt nghiệp đại học ngành máy tính sau khi rời “ngai”. Trong trang phục trẻ trung quần jeans áo pull, móng tay sơn màu, cô tâm sự “lâu lắm đời tôi mới trở lại được bình thường!”.

Népal vừa chấm dứt chế độ quân chủ kéo dài 240 năm. Đề tài về những vị nữ thánh sống của đất nước và những liên quan quanh chuyện ấy đang được đặt lên bàn Hiến pháp. Nhưng có lẽ, ở những quốc gia nóc nhà thế giới như Népal hoặc vùng Tây Tạng này, nếu thiếu đi những truyền thống như các Kumari thì e rằng bản sắc cũng giảm đi nhiều.

An Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.