“Thành phố điện ảnh VN” giờ là phế tích !

11/12/2005 22:09 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Cục phó Cục Điện ảnh nói: "Việt Nam mình cũng có một cái Hollywood đấy! Nó ở bên Đông Anh, Hà Nội. Năm 1966, tôi đã sang bên ấy đóng phim Đường về trận địa của đạo diễn Phạm Kỳ Nam...

...Nhưng bây giờ bên ấy chỉ còn một kho thuốc nổ của Hãng phim truyện, để đó lỡ có nổ thì cũng không chết ai. Khu tráng phim gần như bỏ hoang, cho thuê. Mấy cái studio thành xưởng mây tre... Tôi đến, bảo vệ còn không cho vào !".

Thời vang bóng

Người dân khu vực Cổ Loa, Đông Anh có lẽ không biết "Hollywood" là gì mà chỉ gọi "thành phố điện ảnh" của Việt Nam là "xưởng phim". Trước tiên, tôi tìm hiểu về thời vang bóng của "xưởng phim" trong một quán nước. Nơi đây, những người dân vốn là công nhân tráng phim kể lại thời oanh liệt của họ. Người phụ nữ tên Thu Hằng, có ông bà cùng làm ở xưởng tráng phim hào hứng: “Em từng học cấp 1 ở Trường Cổ Loa, biết em ở khu tập thể xưởng phim, các thầy cô quý lắm!”. Bà của Hằng, cụ Đinh Thị Phà, đã 74 tuổi, nguyên cán bộ hành chính thì nói: “Sướng nhất là huyện Đông Anh, nước máy lên tận tầng 4, mạnh đến nỗi rửa cốc không cẩn thận là vỡ, thế mới tráng được phim. Điện thì không bao giờ mất quá một phút!”. Ông Toàn, kỹ thuật viên in tráng thì kể chuyện Bác Hồ về thăm: "Cụ đến một cái là xăm xăm đi vào kiểm tra nhà ăn của công nhân". Ngồi bên, ông Bùi Ngọc Liêu cũng là thợ tráng phim kiêu hãnh: “Có năm, xưởng tráng đến 7 triệu mét phim, tráng cả cho hai nước bạn Lào, Campuchia. Mỗi năm, nộp ngân hàng 300 kg bạc điện phân, phần được trích lại đủ cho công nhân viên có một đời sống rủng rỉnh ngoài lương. Lại còn nghề làm hoa phim. Tỷ lệ hỏng là 0,02%, nhưng đến 7 triệu mét phim thì cũng nhiều lắm. Xưởng bán cân, công nhân mua về tẩy trắng rồi nhuộm màu, làm khung ảnh, làm cây dừa, hoa nhựa, mang sang phố Hàng Mã bán, có của ăn của để”.

Trong nhà trẻ khu tập thể Điện ảnh - (ảnh: L.Q.P)

Hoang vu như Trường Sơn!

Để xác nhận lời của bà Hồng Ngát: "Hôm rồi, một đoạn phim Giải phóng Sài Gòn còn được quay ở đấy vì nó hoang vu như đường Trường Sơn", tôi chui vào những vườn cây um tùm. Trưa vắng không một bóng người, tôi lên khu nhà văn phòng của xưởng phim. Tiếng chim gù và tiếng mọt gặm gỗ nghe rờn rợn. Nhòm qua cửa kính bụi bám dày, tổ tò vò chi chít, thấy một hội trường ngổn ngang bàn ghế và xe cải tiến. Trên tầng 2 có tấm Huân chương Lao động hạng ba đã ngả vàng. Sâu vào trong, một tòa nhà kiên cố là xưởng đóng muối ăn tư nhân. Không ai nghĩ rằng trước kia nó là xưởng tráng phim, từng cho ra đời những bộ phim huyền thoại của điện ảnh nước nhà, từng dập dìu những người thợ trong áo blouse trắng tinh, máy điều hòa trung tâm luôn giữ 18 độ C. Phòng trống không, tất cả máy móc tráng phim đã thanh lý bán phế liệu năm ngoái.

Tôi lách qua cánh cổng hậu bằng tre để vào khu trường quay và phòng thu âm của "Hollywood Việt Nam". Tương phản trời vực với sự xập xệ, hoang tàn là trang phục lịch lãm của những cậu bảo vệ chuyên nghiệp. Thấy tôi, họ hất hàm hỏi giấy tờ, đầy ngờ vực. Họ làm việc cho một cơ sở sản xuất mây tre Đài Loan, doanh nghiệp này thuê hai trường quay và phòng thu âm để làm xưởng sản xuất. Hai tòa nhà vốn là studio do Trung Quốc giúp xây dựng, trên trần nhà vẫn còn hệ thống ròng rọc, thang sắt, ray sắt để chạy đèn, máy quay. Những cô công nhân cặm cụi đan lát không hiểu tôi đến để làm gì, có lẽ họ không biết gì về quá khứ vàng son của nơi họ đang ngồi làm việc !

Khu hạ tầng kỹ thuật điện ảnh Cổ Loa được Nhà nước đầu tư cho Bộ VH-TT từ năm 1967-1976 trên diện tích 28 hecta, cách Hà Nội 18 km. Gồm 2 trường quay lớn rộng 2.475 và 748,5 mét vuông, một nhà thu thanh 457 mét vuông. Có hai tòa nhà phục trang và hành chính diện tích 2.400 mét vuông, nhà máy in tráng phim, diện tích 3.660 mét vuông. Ngoài ra, còn có các hệ thống hạ tầng khép kín, hiện đại song chỉ được sử dụng một thời gian ngắn, trong đó các trường quay hầu như không sử dụng...

Theo ông Tô Văn Động, Chánh văn phòng Bộ VH-TT: "Việc đầu tư một trường quay mới là cần thiết, đây cũng là nguyện vọng của ngành điện ảnh và Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên theo tôi, làm như thế nào là vấn đề cần phải bàn. Cả nước mình nên chỉ có một cái thôi. Phim truyện, phim truyền hình dùng chung. Và phải hiện đại, có thể ăn ngủã, quay khép kín ở đó hàng tháng hàng năm cũng được. Diện tích có lẽ phải 50-100 hecta, chi phí có thể cả nghìn tỉ đồng, địa điểm thì không nên dùng lại Cổ Loa mà nên chọn nơi nào có cả sông núi, khu Đồng Mô (Hà Tây) chẳng hạn".

Tiếng gà cục tác...

Tận cùng của "Hollywood Việt Nam" là mấy dãy nhà 4 tầng xưa là ký túc xá sinh viên Trường Điện ảnh. Tiếng gà cục tác vọng ra liên hồi. Sau những lối đi đầy cỏ lá, trong căn phòng xập xệ ở tầng trệt hiện ra nụ cười của một cậu trai xưng tên là Nguyễn Đức Văn, chủ trại gà ! Hăm hở dẫn khách lên gác thăm... gà, Văn hùng hồn: "Chúng em đã bơm thuốc sát trùng, được thú y cấp phép hẳn hoi. Bác cứ thoải mái chụp ảnh, chốc nữa về, em biếu chục trứng gà mới đẻ, còn nóng". Từ tầng 2, gà đầy nhóc trong các gian phòng. Những ô cửa sổ được rào phên tre. "Gần 6.000 con, bác ạ! Mỗi ngày nó đẻ gần năm nghìn trứng, em đang chết dở vì trứng ế, giá thì chỉ còn 200 đồng một quả, mà chỉ bán được cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo". "Đã có con gà nào chết chưa ? Không sợ gà lây dịch cúm cho à ?", tôi hỏi. "Chết thế nào được, chúng em ăn ngủ ngay dưới này có sao đâu" !

Sang dãy nhà bên cạnh, tôi mở một cánh cửa khép hờ. Đó là một căn phòng bệ rạc: xô chậu bừa bộn, quần áo ngổn ngang, một cô gái mặc quần soóc nửa nằm nửa ngồi, chẳng thèm ngồi dậy, nói: "Em thuê ở đây trăm nghìn một tháng để đi làm ngoài thị trấn".

Điểm đến cuối cùng của tôi ở "Hollywood Việt Nam" là khu nhà trẻ. Đó là hai khu nhà biệt thự liên hoàn có kiến trúc đẹp nhưng đổ nát. Lạ thay, ở đó vẫn có một cái nhà trẻ đang hoạt động trong căn phòng điêu tàn dưới tầng trệt. Cô giáo Nguyễn Minh Hoạt, người đã có 27 năm dạy trẻ ở đây rối rít gọi các cháu ra chào khách. Lũ trẻ quá đỗi sung sướng trước ống kính dù đang đứáng trên mảnh đất từng được coi là "thành phố điện ảnh!”.

Phóng sự của Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.