|
Đụng độ ở thành phố lớn thứ ba của Philippines giữa cảnh sát và binh sĩ với khoảng 200 - 300 phần tử vũ trang hạng nặng thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) nổ ra từ rạng sáng 9.9. Trong ngày đầu tiên, phía chính phủ và thường dân đã có ít nhất 6 người chết, 24 người bị thương trong khi thương vong của MNLF chưa được thống kê. Khoảng 200 thường dân cũng bị các tay súng ly khai bắt giữ làm con tin. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, trường học… phải đóng cửa giữa lúc người dân tháo chạy sơ tán. Thành phố cảng sầm uất gần 1 triệu dân bỗng trở nên hoang lạnh trong đêm 9.9 sau khi lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng được ban ra.
Ngay trong ngày 9.9, Tổng thống Benigno Aquino III triệu tập họp an ninh khẩn cấp và cử Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas cùng Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đến Zamboanga. Tuy vậy, bất chấp lệnh giới nghiêm và động thái tăng cường lực lượng an ninh của chính quyền, trong đêm 9.9, các tay súng MNLF tiếp tục bắt thêm 20 thường dân và thả bớt 6 người già, đau yếu và trẻ em. Súng lại nổ từ sáng sớm 10.9. Không có thống kê thiệt hại trong ngày đụng độ thứ 2.
Do tình hình diễn biến phức tạp nên thông tin phát đi từ Zamboanga rất nhiễu. Báo Inquirer trích lời Thị trưởng Isabelle Climaco-Salazar nói hầu hết hoạt động kinh doanh trong thành phố đã “trở lại bình thường” sáng 10.9 trong khi quân ly khai bị cô lập. Nhưng Đài GMA đưa tin chiều 10.9, đọ súng tiếp tục nổ ra cách tòa thị chính chỉ 50 m và 5 nhà dân bị thiêu hủy. “Tình hình hết sức căng thẳng và nguy hiểm”, một linh mục tại nhà thờ nơi người dân đến sơ tán nói. Bộ trưởng Mar Roxas trong cuộc họp báo chiều qua cho hay các nỗ lực thương thuyết đang được tiến hành. Lệnh giới nghiêm tiếp tục được áp dụng đêm qua.
Phá hoại đàm phán ?
Ngày 10.9, quân đội Philippines cho biết họ phát hiện một số phần tử di chuyển vào Zamboanga từ 3 hôm trước. Ngày 8.9, cảnh sát đã bắt 5 người mặc quân phục MNLF và mang vũ khí. Chính quyền không cấm quân MNLF đến Zamboanga nhưng không cho phép họ mặc đồng phục hay mang khí giới. “Những người này khai họ nhận chỉ đạo vào cắm cờ trên tòa thị chính thành phố Zamboanga” sau khi MNLF tự tuyên bố độc lập cho nhiều tỉnh phía nam Philippines hồi tháng 8, phát ngôn viên quân đội Ramon Zagala nói. Theo chính quyền, cuộc tấn công nhằm phá hoại vòng đàm phán cuối cùng giữa chính phủ Philippines với nhóm Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) diễn ra ngày 10.9 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Nhưng phát ngôn viên MNLF Emmanuel Fontanilla bác bỏ cáo buộc của chính phủ. Ông này nói với GMA News rằng quân MNLF “chỉ muốn cầm cờ đi trong thành phố để khẳng định mình” và việc này từng được thực hiện ở một số tỉnh khác mà “không gặp vấn đề gì”. Ông này tuyên bố bế tắc ở Zamboanga chỉ có thể được giải quyết khi chính phủ ngồi vào bàn đàm phán với MNLF về thỏa thuận hòa bình đã có từ năm 1996.
Thỏa hiệp ?
MNLF do cựu giáo sư Đại học Nur Misuari thành lập năm 1969 ở miền nam Philippines với đa số dân Hồi giáo. Trải qua gần 2 thập niên bất ổn triền miên, MNLF và chính phủ của Tổng thống Fidel Ramos ký thỏa thuận hòa bình năm 1996, quy định giải giới quân MNLF, đổi lại Misuari được đứng đầu Vùng tự trị Hồi giáo Mindanao (ARMM). Trong khi đó, nội bộ MNLF cũng chia rẽ dẫn đến sự tách nhóm và ra đời MILF.
Tuy nhiên, nhóm MNLF bị chính phủ cáo buộc là vẫn không giải giới hoàn toàn và xung đột triền miên ở khu vực này hơn 4 thập niên qua làm hơn 150.000 người thiệt mạng. Tổng thống Aquino III từ khi nhậm chức đã ấp ủ nguyện vọng đạt thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với đối tác chính là MILF để hình thành một “Thực thể chính trị Bangsamoro”, thay thế ARMM trước khi ông thôi chức vào năm 2016. Hồi tháng 10.2012, chính phủ và MILF ký được Thỏa thuận khung Bangsamoro. Điều này khiến thủ lĩnh MNLF Misuari tức giận và cuộc tấn công thành phố Zamboanga được cho là nhằm phá hoại tiến trình đi đến “Thực thể Bangsamoro”.
Theo các nhà phân tích, chính phủ đã sai lầm khi gạt MNLF ra khỏi tiến trình đàm phán hòa bình cho miền nam Philippines. Phủ tổng thống hôm qua cũng đánh tiếng trên báo chí rằng thỏa thuận 1996 vẫn còn hiệu lực và đàm phán với MNLF sẽ được tiến hành. Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte, vốn có quan hệ thân thiết với Nur Misuari cho hay ông đã nhận được đề nghị làm trung gian giữa hai bên.
Thục Minh
(VP Singapore)
>> Các tay súng Hồi giáo ở Philippines dùng con tin làm 'lá chắn người
>> Đụng độ lớn ở Philippines, quân ly khai bắt 200 dân thường
>> 100 tay súng Hồi giáo tấn công một thành phố Philippines
>> Philippines cảnh báo son môi Trung Quốc lậu nhiễm chì
Bình luận (0)