Thành phố mở cửa, doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

14/10/2021 06:00 GMT+7

Ráo riết huy động nhân lực, nối lại liên hệ với các bạn hàng; tất bật xây dựng kế hoạch sản xuất thích ứng với diễn biến mới của thị trường…

Những ngày này, cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh theo lộ trình mở cửa kinh tế trở lại của các tỉnh, thành thực hiện giãn cách nhiều tháng qua.

Nhiều doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại từ sau ngày 1.10

T.D - V.T

Tình hình Covid-19 tại TP.HCM sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 có chuyển biến tích cực

Hàng triệu lao động đi làm trở lại

Trải qua quãng thời gian chưa từng có trong lịch sử, những ngày đầu mở cửa kinh tế trở lại mang tới cho các ông chủ doanh nghiệp (DN) những cảm xúc đặc biệt. Trò chuyện cùng chúng tôi sau 4 ngày TP.HCM chính thức mở cửa, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, vẫn chưa vơi niềm hứng khởi: “Sắp "chết" tới nơi rồi, giờ mới dám hé miệng cười một chút đây… Không còn gì hạnh phúc hơn. Chúng tôi đã mong mỏi, trông chờ từng giờ cho tới ngày này”. Ông Kịch xúc động như vậy là bởi trong suốt 2 tháng tính từ giữa tháng 7, khi mà TP.HCM cùng 18 tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Cafatex phải “nín thinh tại chỗ” vì không có đủ điều kiện xây dựng phương án hoạt động “3 tại chỗ”. Hoạt động của Cafatex, cũng như nhiều DN thủy sản khác, gắn liền với công việc nuôi trồng trên quy mô 400.000 - 500.000 ha, liên quan tới hàng triệu người dân các tỉnh miền Tây. Thế nên bất đắc dĩ phải tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng tới đời sống của hàng ngàn người lao động. Đó là điều mà ông Nguyễn Văn Kịch đau đáu đến mức thốt lên "sắp chết rồi", để diễn tả niềm vui sướng, hạnh phúc của mình khi có thể hoạt động trở lại.

“Mở cửa không chỉ là cứu DN trước ngưỡng tử mà còn mang đến cơ hội cho người dân, người lao động được trở lại mưu sinh, quay về với công việc của họ. Con người được di chuyển, nhà máy được sản xuất, hàng hóa bắt đầu lưu thông, cuộc sống bình thường đang dần trở lại. Đó là điều tuyệt vời mà tất cả mọi người cùng mong mỏi, không phải chỉ có DN như chúng tôi” - ông Kịch nói.

Không phải tạm ngưng hẳn sản xuất như Cafatex nhưng việc cố gắng duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” kể từ giữa tháng 7 đã tạo áp lực rất lớn đối với lực lượng lao động của Công ty TNHH Việt Thắng Jean. Bắt đầu với khoảng 35% lao động thực hiện “3 tại chỗ” từ giữa tháng 7, sau đó, công ty buộc phải giảm xuống chỉ còn 25% thực hiện ăn ngủ tại chỗ. Đến giữa tháng 9, khi TP.HCM rục rịch bàn phương án mở cửa, công ty đã bổ sung thêm khoảng 25% lao động bên ngoài nhà máy theo mô hình 4 “xanh” (công nhân xanh, nhà máy xanh, chỗ ở xanh và cung đường xanh). Thế nhưng, không chỉ những người lao động đã gần 3 tháng phải ở lại trong nhà máy ước muốn được về nhà gặp gia đình, vợ, con... ngay cả những người ở ngoài cũng chỉ mong công ty hoạt động trở lại để có thể đi làm.

“Tâm lý công nhân được giải tỏa rồi”, “phấn khởi hơn rồi”... ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Việt Thắng Jean, nhắc đi nhắc lại khi nói chuyện với chúng tôi. Ông kể: Ngay sau khi TP.HCM ban hành Chỉ thị 18 về việc mở cửa lại các hoạt động dịch vụ, sản xuất thì cuối ngày 30.9, các công nhân của Việt Thắng Jean như “chim xổ lồng”. Người sắp được về thì phấn khởi rõ rồi. Ngay cả những người đang ở các vùng có nguy cơ bị lây nhiễm cao hoặc ở ngoại tỉnh phải tiếp tục ở lại tại nhà máy cũng mừng rỡ vì họ biết, ngày họ được đoàn viên không còn lâu nữa. Điều đó khiến năng suất công nhân tăng lại ngay chỉ sau 1 ngày.

“Từ ngày 1.10, công ty đã tăng số người quay trở lại nhà máy làm việc lên gần 700 người, tương đương khoảng 70% lượng lao động trước đó. Dự kiến đến tháng 11, công ty sẽ tiếp tục gia tăng lên 80 - 85% tổng số lao động và duy trì đến hết năm và chỉ có thể tăng lại 100% lượng công nhân trong quý 1/2022” - ông Phạm Văn Việt hào hứng chia sẻ.

DN mở lại hoạt động kinh doanh, hàng triệu lao động cũng trở lại với công việc của mình... dòng chảy sản xuất, phân phối, tiêu dùng... lại bắt đầu.

Nhiều doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại từ sau ngày 1.10
T.D - V.T

Viết tiếp những câu chuyện mới

Những hoạt động sản xuất, thương mại được hoạt động

theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM từ đầu tháng 10:

- DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung và các cơ sở sản xuất trên các quận, huyện, TP.Thủ Đức.

- DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

- Công trình giao thông, xây dựng

- DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: Cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng dầu, điện, nước; bưu chính, viễn thông; các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; dịch vụ công ích, dịch vụ rửa xe, dịch vụ giới thiệu việc làm; bưu chính, viễn thông, báo chí; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cửa hàng sách, thiết bị văn phòng; cửa hàng điện máy; cửa hàng thời trang, mắt kính, vàng bạc đá quý và đồ trang sức...

- Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet).

- Cơ sở cắt tóc, gội đầu, thể dục - thể thao (gym, yoga) được hoạt động tối đa 50% công suất và tối đa 10 người tại cùng một thời điểm.

- Hoạt động của văn phòng đại diện và chi nhánh thương nhân nước ngoài tại TP.

- Tổ chức tín dụng, kho bạc, logistics, dịch vụ bổ trợ người dân và doanh nghiệp (công chứng, bảo hiểm, đăng kiểm...), chứng khoán, dịch vụ cầm đồ.

- Các hoạt động xúc tiến thương mại gồm hội chợ, triển lãm: trong nhà chỉ tập trung tối đa 10 người, trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 60 người; hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người, trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 90 người.

Những ngày đầu sản xuất trở lại, Việt Thắng Jean đặt kế hoạch tiếp theo của công ty là mở rộng, tìm kiếm thêm nhà cung cấp phụ liệu trong nước để ứng phó với tình huống bị đứt gãy chuỗi cung ứng như trong đại dịch vừa qua. Theo ông Phạm Văn Việt, các nguyên liệu chính vẫn còn nhưng kho dự trữ đã hết sạch một số phụ liệu khi những nhà cung ứng cũ cũng ngưng sản xuất để phòng chống dịch Covid-19 hay gặp khó trong vận chuyển. DN cũng thay đổi phương án chống dịch để phù hợp và hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn đến từng dây chuyền sản xuất. Nói về những ngày sắp tới, ông Phạm Văn Việt lo lắng, sau gần 4 tháng chỉ duy trì sản xuất khoảng 30%, nguyên liệu chính tồn kho nhiều nhưng đặc thù may hàng thời trang theo mùa nên số nguyên liệu này phải tiếp tục xếp kho để chờ năm sau.

Lỡ chuyến tàu hồi hương ở ga Sài Gòn vì chưa tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19

Bật mí kế hoạch đang xây dựng nhà máy mới ở Đắk Lắk với công suất lớn gấp 5 lần so với hiện tại, bà Ngô Tường Vi, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, cho biết công ty đang quay về lo nguồn đầu vào bắt đầu cho “cuộc chơi mới”. Bà Thu đánh giá việc các địa phương đang dần lan tỏa chủ trương mở cửa, tháo bỏ các quy định giãn cách tạo thuận lợi cho DN rất nhiều về hồ sơ giấy tờ, đi lại, vấn đề logistics thông quan hàng hóa… Cơ chế mở, nhiều thủ tục, chi phí được tháo gỡ, DN mạnh dạn hơn trong việc sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Dù vậy, bà Thu cũng tỏ ra thận trọng: "Chúng tôi phải cân nhắc điều kiện sản xuất, khảo sát nhu cầu thị trường rõ ràng để cho ra các sản phẩm phù hợp. Sau dịch bệnh, nhu cầu thị trường đã hoàn toàn khác. Nhu cầu ăn uống của người dân các nước phát triển đang thay đổi theo hướng chú trọng nhiều hơn tới yếu tố an toàn, sức khỏe và sự tiện dụng. Các thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng đang bắt đầu nâng cao nhu cầu tiêu dùng. Nông sản Việt muốn cạnh tranh phải thay đổi tiêu chuẩn từ canh tác, sản xuất để tạo ra các sản phẩm phù hợp khuynh hướng tiêu dùng của thế giới. Ngay cả tại thị trường nội địa, khuynh hướng tiêu dùng đối với sản phẩm sạch cũng đã tăng lên rất nhiều. Người dân có thu nhập từ tầm trung trở lên đang ngày càng quan tâm đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe". Nhưng trên tất cả, sự lạc quan vẫn toát ra từ người phụ nữ này. “Thực tế, thị trường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Những DN xuất khẩu làm ăn nghiêm túc, chuẩn chỉnh thì không lo đầu ra. Chúng ta nên lo ngại nhiều hơn về vùng nguyên liệu hiện không đáp ứng được nhu cầu. Vùng không đạt chất lượng thì sản lượng rất nhiều. Do đó, việc đầu tiên của Chánh Thu hiện nay là quay về xây dựng lại nguồn nguyên liệu để trong năm tới sẽ có được sản lượng cũng như chất lượng nguồn nguyên liệu tăng đáng kể, tương ứng với doanh thu. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía nhà nước, DN lúc này cần chủ động tư duy mới trong điều kiện bình thường mới, chuẩn bị cho những câu chuyện mới ở phía trước”, bà Ngô Tường Vi nhận định.

Chưa đi nhanh nhưng sẽ đi xa

Mừng rỡ ngày trở lại, song ông chủ các DN cũng túi bụi với hàng tá công việc cần giải quyết. Với nhà máy sản xuất ở Hậu Giang, Cafatex mất gần 1 tuần để xây dựng và được duyệt phương án hoạt động theo mô hình “1 cung đường - 2 điểm đến”, thay vì “3 tại chỗ” trong địa phận tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, cái khó là hầu hết nhân sự cấp cao, từ ban giám đốc, trưởng phòng, quản lý tài chính, kỹ thuật, tới cán bộ kiểm định chất lượng đều ở Cần Thơ. Công ty cũng sử dụng rất nhiều lao động ở Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng. Tuy chỉ cách nhau có vài chục phút di chuyển nhưng những người ở địa phương khác tới Hậu Giang làm việc thì buộc phải thực hiện ăn ngủ tại nhà máy. Vì thế, Cafatex mới chỉ huy động được khoảng 50% nhân lực. Trong khi để kịp đơn hàng tồn đọng đòi hỏi lực lượng lao động nhiều hơn, năng suất lớn hơn.

“Thị trường các nước Đông Nam Á, các nước châu Âu, Mỹ, Canada đang từng bước ổn định, sức mua lớn nhưng mình cũng không thể nhanh được mà buộc phải đi từng bước. Từ nay đến hết tháng 10, chúng tôi phải làm rất nhiều việc để ổn định lại sản xuất. Chúng tôi phải xây dựng phương án hoạt động sao cho phù hợp với tình hình, kiểm soát dịch bệnh của các địa phương; phải vận động người lao động quay trở lại; phải tìm kiếm, kết nối lại nguồn nguyên liệu; phân loại bạn hàng; xác định sức mua của từng thị trường khác nhau để vẽ kế hoạch… Sản xuất thủy sản là ngành thâm hụt lao động, phụ thuộc rất nhiều vào con người. Thế nên chắc chắn không thể trở lại nhanh được nhưng sản xuất trở lại càng sớm thì khách hàng nhập khẩu quốc tế càng nhanh chóng quay trở lại với mình”, ông Nguyễn Văn Kịch cho biết.

Tương tự, với 200 lao động phải thực hiện vừa sản xuất, vừa ăn ngủ luôn tại công ty trong gần 3 tháng qua, đại diện Công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết, cuối ngày 30.9, họ đã được về sum vầy với gia đình. Từ sáng 1.10, hơn 300 lao động trong tổng số 400 người của công ty đã quay trở lại nhà máy làm việc. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty APT, cho biết có thể hết tháng 10, tất cả 400 lao động của nhà máy sẽ trở lại làm việc bởi toàn bộ đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin trong tháng 8. Tuy nhiên, vị giám đốc này vẫn không hết lo bởi vào mùa cao điểm cuối năm khi đơn hàng gia tăng, công ty sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động thời vụ. Hiện có những nhân sự trong cùng một khâu bị thiếu đến 70% thì phải đào tạo nhanh lao động ở công đoạn khác để bổ sung.

“Thử tưởng tượng, một người chưa bao giờ nhổ lông gà mà nay phải làm việc đó thì sẽ chậm hơn, cực hơn người đã quen việc này bao nhiêu. Vì vậy công ty vừa duy trì sản xuất vừa phải tăng cường đào tạo lại cho người lao động. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng nhất, ban giám đốc vẫn tự lấy niềm vui là duy trì được ánh đèn trong nhà máy, còn đủ lực lượng lao động và góp chút công sức để cùng TP phòng chống dịch”, ông Trương Tiến Dũng chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.