Lời mời của chàng trai trong bài thơ vừa thiết tha vừa… buồn cười, vì nó chứng tỏ chàng là người ham vui, mới “Tay cầm bầu rượu nắm nem” đã “Mải vui quên hết lời em dặn dò”. Nhưng nó cũng chứng tỏ một điều có thật: Lên Lạng Sơn đúng là quá vui! Điều này thì tôi xin chứng, góp phần gỡ lỗi cho chàng trai ham vui.
Trong đời, tôi chỉ có mấy lần lên xứ Lạng, có một lần được tắm ở sông Kỳ Cùng, có một lần được uống rượu quá vui với bạn hiền Thái Bá Lợi, Đoàn Huy Giao vào năm 1977. Sau này có mấy lần đi ngang qua Lạng Sơn nên chưa có ấn tượng nhiều lắm. Chỉ nhớ một lần đi cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và bạn anh Tạo, khi vào chợ Lạng Sơn xem chơi, bạn anh mua phải một chiếc kính râm… giả, do Trung Quốc sản xuất, mới đeo kính đã rớt mất… gương, chỉ còn lại tròng.
Lần đầu lên Lạng Sơn tôi mới học lớp 9 hay lớp 10 gì đó, anh rể tôi làm ở nhà khí tượng Trung ương dẫn tôi đi. Cơ sự vì tỉnh nào cũng có cơ quan khí tượng cấp tỉnh, Lạng Sơn cũng vậy. Hồi đó chưa xảy ra chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên đi Lạng Sơn dễ dàng lắm. Lần ấy, tôi đã được tắm ở sông Kỳ Cùng, dòng sông chảy ngược, nước rất trong xanh mát mẻ.
Mãi sau này mới biết, ngày xưa nhà yêu nước Đặng Dung bị giặc Minh bắt giải về Trung Quốc, khi qua sông Kỳ Cùng ông đã nhảy xuống sông tự tử, để lại tiếc thương cho biết bao đời. Tôi vẫn nhớ 2 câu thơ lẫm liệt của Đặng Dung: “Thù trả chưa xong đầu đã bạc/Gươm mài bóng nguyệt xiết bao dài”.
Còn lần thứ hai tôi lên Lạng Sơn vào mùa đông năm 1977 thì quá vui, đúng tinh thần như chàng trai trong bài thơ khuyết danh đã tự nhận về cái quên của mình. Số là, tôi với Thái Bá Lợi biết nguyện vọng của bạn mình là Đoàn Huy Giao, một nhà thơ quê xứ Quảng với tôi, nhưng sống ở Đà Nẵng.
Sau hòa bình, chúng tôi đã chơi thân với nhau ngay. Anh Giao chỉ có một nguyện vọng… muốn đi tàu lửa, hồi đó mới khánh thành đường sắt Thống Nhất, tàu lửa chạy từ Mục Nam Quan tới Sài Gòn luôn. Đi tàu lửa từ Đà Nẵng ra Hà Nội, có ghé Vinh quê anh Thái Bá Lợi để “nạp năng lượng”. Bác bà con với anh Lợi đúng là quá tốt, ông đãi chúng tôi cơm no rượu say rồi, còn gói cả một con gà quay, kèm một lít rượu gạo thứ thiệt, cho chúng tôi mang lên tàu lửa ăn uống. Từ Vinh ra Hà Nội, đúng là 3 anh em chúng tôi no say luôn.
Ra tới Hà Nội, tôi chỉ ghé trường báo chí thăm vợ tôi đang học ở đó, rồi lại tính chuyện vui với bạn bè. Anh Đoàn Huy Giao còn muốn đi tiếp nữa. Anh muốn đi Lạng Sơn cho biết. Thì đi. Ba đứa chúng tôi, rủ thêm Nguyễn Đình Chính (con trai bác Nguyễn Đình Thi) đi cùng cho vui. Lại đi tàu lửa. Lần này thì Đoàn Huy Giao thật sự thỏa nguyện.
Khi tàu chạy tới địa phận Lạng Sơn, chúng tôi thấy từng đoàn trai thanh gái sắc người dân tộc ùa lên các toa tàu. Tàu chợ, chỗ ngồi rất dễ, chọn được chỗ ngồi là họ… hát. Hát đối đáp cực hay. Đoàn Huy Giao chưa bao giờ được nghe hát dân ca như này, nên mê đi. Anh nói chuyến đi quá ấn tượng trong đời.
Lạng Sơn đón chúng tôi bằng một dàn văn nghệ nhân dân như thế, không vui làm sao được. Đoàn hát dân ca miễn phí hát từ trên tàu hát lúc xuống tàu, rồi hát luôn tới khi vào chợ Lạng Sơn. Vào chợ năm ấy thì tha hồ “bầu rượu nắm nem”.
Chúng tôi cũng theo đoàn hát vào chợ, nhưng chọn vịt quay nổi tiếng ở chợ Lạng Sơn, thay vì chọn món nem. Ăn uống ở chợ thú vị thật. Ồn ào đông vui nhưng cũng thật ấm áp. Vì đang mùa đông xứ Lạng, cái rét cắt da, nhưng ngồi trong chợ thì quên cả rét.
Đêm ấy chúng tôi tìm được một quán rượu, ông chủ rất hào sảng, chúng tôi uống rượu tới khuya, ông chủ mời chúng tôi ngủ lại ở… ổ rơm. Giữa cái rét Lạng Sơn mà được nằm ổ rơm ngủ thì thật quá đã.
Cuối năm 1979, chúng tôi được tin khi quân Trung Quốc đánh vào Lạng Sơn, chúng đã sát hại cả gia đình ông chủ quán lành hiền. Vào năm 1980, tôi đã viết được bài thơ Thị xã Lạng Sơn để ghi nhớ niềm đau và nỗi hận này:
Chợ họp tới khuya những ngọn đèn nho nhỏ
những mẹt hàng nho nhỏ
thuốc lá sợi vàng mộc nhĩ măng khô
mùi vịt quay thơm lừng rượu đong bằng bát
ùa xuống toa tàu những câu hát
những gồng gánh áo xanh áo nâu
những thổ cẩm phô sắc màu sặc sỡ
gương mặt chàng trai say câu lượn đỏ bừng
tôi ngồi uống bát rượu men lá rừng
thấm chầm chậm một chiều đông xứ Lạng
chợt mỉm cười
câu ca dao xưa
nhớ người bạn có nhà trong thị xã
những trái mận Thất Khê thật giòn
những trái mận lăn tròn
lăn bình yên trong ký ức
lăn chóng mặt trên đường phố đổ nát
nơi tôi qua một lần
ngủ một đêm nhà trọ
những góc phố vôi phai loang lổ
bỗng một ngày giặc thù xóa tan khi tôi ở xa
những cụ già bị giết bên cầu
tôi chưa gặp
những bà mẹ tay xách nách mang chạy trong tầm pháo giặc
tôi chưa quen
ngôi nhà còn trơ mảng tường cháy đen
tôi chưa ở
chúng hủy diệt cả những gì tôi chưa kịp nhớ
những góc yên lành hờ hững của đời ta
bàn tay cô mậu dịch viên
cốc cà phê bốc khói
câu nói bâng quơ người khách nào ghé vội
ngọn gió se se bắp cải cuộn mình
và ánh lửa đâu đây…
quân thù buộc ta yêu bằng một tình yêu khác
mỗi hơi thở mỗi căn nhà đã mất.
(1980, đã in trong tập thơ Khối vuông Ru bich, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới - 1985)
Lạng Sơn bây giờ đã là một thành phố cửa ngõ biên giới cực kỳ đông vui, buôn bán tưng bừng qua cửa khẩu. Thành phố đã được xây dựng lại vừa hiện đại vừa đẹp, đúng tính cách một thành phố biên giới.
Nhưng Lạng Sơn in đậm nhất trong tôi vẫn là Lạng Sơn những ngày xưa cũ. Không quên được.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc với diện tích tự nhiên hơn 8.310 km2, hẹp nhất là thành phố Lạng Sơn gần 78 km2, rộng nhất là huyện Đình Lập hơn 1.189 km2.
Thành phố Lạng Sơn là đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh Lạng Sơn; dân số năm 2022 là 153.284 người, với nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Tày, Nùng, Hoa và các nhóm người Dao, Mường, Sán Dìu, Sán Chỉ...
Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút giao lưu kinh tế với các tỉnh phía tây là Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn; phía đông là tỉnh Quảng Ninh; phía nam là Bắc Giang và phía bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ.
Lạng Sơn là điểm đầu tiên của Việt Nam trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội – TP.HCM - Mộc Bài (tham gia hành lang xuyên Á: Nam Ninh - Singapore), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Lạng Sơn có đường biên giới với Quảng Tây - Trung Quốc dài hơn 231 km. Lạng Sơn cách Nam Ninh là thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc khoảng 230 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km.
Địa hình phức tạp, chủ yếu là núi thấp và đồi chiếm hơn 80%, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển, nơi thấp nhất là 20 m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1.541 m. Khu du lịch Mẫu Sơn được quy hoạch là khu du lịch quốc gia, cách thành phố Lạng Sơn 31 km về phía đông.
Nguồn: langson.gov.vn
Bình luận (0)