Bãi rác Nam Sơn (thuộc khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn), từ năm 1999 là nơi tập trung rác thải lớn nhất tại Hà Nội. Hằng ngày, rác thải từ nội thành chở về được phun thuốc phân hủy nhanh và thuốc chống ruồi muỗi truớc khi cho người dân vào bới rác.
Chúng tôi đến Nam Sơn lúc 2 rưỡi sáng, 30 phút nữa mới đến giờ mở cửa nhưng người người đã xếp hàng dài trước cổng với cào, móc, túi tải, xe thô... Ai nấy đều mặc quần áo dài, đi ủng cao và bịt khẩu trang, trên đầu đeo một chiếc đèn pin tự chế.
Theo quy định, 17 tuổi trở lên và phải có thẻ mới được vào bãi rác. Các “chủ lán”, người quản lý từng nhóm được vào trước để cắm cọc phân chia từng khu vực bới rác. Họ có quyền quản lý, thu mua lượng rác thu gom được trong “lãnh địa” của mình, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ cho người và tài sản của nhóm. Nhờ họ, trật tự trong bãi rác gần đây đã được cải thiện.
Đúng 3 giờ, còi báo hiệu vang lên, cánh cổng mở ra, đoàn người ào ạt tiến vào trong. Đi theo họ, chúng tôi ngửi thấy mùi hôi hám, càng vào gần, mùi càng nặng dù chúng tôi đã đeo khẩu trang. Cảm giác thất kinh xen lẫn ngỡ ngàng, chúng tôi tự hỏi vì sao người ta có thể đào bới cả mấy tiếng đồng hồ giữa mùi hôi thối đến nghẹt thở?
Từ dưới nhìn lên, bãi rác cao ngút hơn chục mét, dưới ánh đèn vàng mờ, nổi bật những chấm sáng chuyển động thoăn thoắt. Tiếng cào cuốc lạo xạo, tiếng cười nói râm ran... Một cô gái trẻ tên Lê, mới 18 tuổi, giọng nói trong lanh lảnh hồn nhiên cho biết, đã có một con gần 2 tuổi. Lê lấy chồng năm 16 tuổi, và từ đó bắt đầu vào nghề bới rác. Mỗi đêm đi làm như thế này Lê có thể kiếm được 60.000 đồng, hôm nào nhiều thì được 100.000 đồng. Mỗi tháng đi được khoảng 20 buổi, hằng ngày Lê dậy từ 2 giờ sáng để đến bãi rác, trở về nhà lúc 7-8 giờ và tiếp tục công việc đồng áng, chợ búa lo cho gia đình nhỏ của mình và bố mẹ chồng.
Nhà Lê có 12 anh chị em ruột thì 10 người làm nghề bới rác. Họ lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái rồi cùng nhau vào bãi rác kiếm sống. Bất giác tôi nhìn xuống tay Lê và lo lắng khi thấy em không hề đeo găng bảo hộ, khẩu trang cũng không mang. Lê bảo: “Đeo găng thấy nóng và khó làm hơn chị ạ”.
Giữa bãi rác ngồn ngộn, người ta vẫn phân loại và tận dụng thành rất nhiều thứ hữu ích: túi ni lông đem về giặt sạch bán lại cho nhà máy tái chế, các phế liệu kim loại thì bán tại bãi cho chủ lán, vải vụn bán cho các gara ôtô làm giẻ lau hoặc may găng tay bảo hộ, chăn bông để tái chế, thực phẩm thừa thì mang về chăn nuôi.
Người ta nói rằng có khi còn may mắn nhặt được tiền và vàng. Thậm chí có người còn bới được một bọc vải đựng 18 cây vàng, gần đây có người nhặt được 6.000 euro. Nhưng cũng không hiếm khi người bới rác phải hét lên thất kinh khi nhìn thấy những xác thai nhi hoặc trẻ sơ sinh mới đẻ bị vứt bỏ. Ban quản lý bãi rác phải dành ra một khu đất riêng để chôn cất những linh hồn bé bỏng ấy.
6 giờ sáng, bãi rác đêm qua có vẻ như đã vơi đi quá nửa, rác đã phân loại được tập trung thành từng túi, từng đống rồi chất lên xe chở về đầu làng, ở đó có một con mương đã đen ngòm và hôi thối vì người ta gột rửa, giặt giũ rác kiếm được. Cũng có người mang rác về nhà phun rửa, phân loại.
Sau một đêm vất vả, khuôn mặt những người dân sống bằng nghề bới rác giờ đây đã giãn ra, nụ cười thậm chí còn nở trên môi những người kiếm được nhiều rác. Đã hơn mười năm, người dân trong khu vực này sống chung với rác như thế...
Tiểu Yến
Bình luận (0)