Thành phố thông minh không chỉ dành cho người giàu

11/08/2018 21:26 GMT+7

Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại hội thảo "Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và triển vọng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 11.8.

Bàn về bối cảnh mới và tầm nhìn phát triển bất động sản trong thời gian tới, theo các chuyên gia là tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ và các địa phương đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều tỉnh, thành phố đã công bố nghiên cứu và phê duyệt đề án thành phố thông minh (Smart City). Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là những định hướng quan trọng, có tác động cơ bản và mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của thị trường bất động sản.

Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết TP.HCM là một trong những địa phương tiên phong chuyển mình theo hướng phát triển đô thị thông minh. Vì thế đề án phát triển thị trường bất động sản trong 10 - 15 năm tới mà thành phố vừa phê duyệt cũng tất yếu gắn với xu hướng phát triển đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, được lồng ghép vào chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch của thành phố nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Theo ông Sơn, hiện nay tỷ lệ phát triển nhà ở chiếm tới 80% các dự án bất động, trong đó tỷ lệ nhà hộ dân tự xây dựng chiếm đến 80%, chỉ có 20% là nhà chung cư. Định hướng của thành phố trong 10 - 15 năm tới là giảm nhà tự xây, tăng thị phần nhà ở chung cư, phấn đấu chiếm 30% tổng tỷ lệ phát triển nhà ở. Đây là xu hướng tự nhiên khi nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, nhằm đáp ứng tỷ lệ đô thị hóa quá nhanh kéo theo nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng nhà trong các khu vực tái thiết đô thị, chỉnh trang đô thị cung cấp khoảng 50% số lượng nhà ở xây dựng mới để đảm bảo phát triển thành phố bền vững và cân bằng.
Ủng hộ định hướng chiến lược phát triển bất động sản của TP.HCM, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá khá nhiều nhà kinh doanh bất động sản đang hướng tới đầu tư vào phân khúc cao cấp, xây dựng các công trình xa hoa, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp từ trung lưu trở lên. Tuy nhiên thành phố thông minh không chỉ dành cho những người thu nhập cao. Đại đa số người dân có thu nhập thấp, trung bình vẫn là đối tượng chủ chốt cần hướng tới. Phát triển bất động sản thông minh thời 4.0 ở các thành phố lớn phải dành cho tất cả mọi người, hướng tới sự phát triển bền vững, bao trùm.
"Phân khúc có giá trị thực, triển vọng thực vẫn là phân khúc cho người tiêu dùng bình dân. Đây là định hướng quan trọng dẫn dắt thị trường bất động sản, góp phần dẫn dắt xu hướng đô thị hóa tại các thành phố lớn. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển phân khúc sản phẩm này, vị sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản" - ông Lộc nhấn mạnh.
Về vấn đề tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM thông tin trung bình mỗi năm, tín dụng bất động sản tăng khoảng 11,5% nhưng vẫn chậm hơn mức độ tăng trưởng chung, đi đúng hướng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và nhà quản lý. Ông khẳng định việc cung ứng tín dụng đang bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững cho thị trường bất động sản cả trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.