Đã ngoài 80 tuổi, hai vợ chồng ông vẫn còn khỏe, khá minh mẫn, miệng cười móm mém thanh thản lạc quan giữa cuộc đời sau những năm tháng biền biệt xa cách suốt hai cuộc kháng chiến. Hai ông bà chỉ kịp có với nhau một mặt con: Trần Hoàng Triệu. “Một đời chiến đấu vì đất nước, dân tộc, giờ về lại quê nhà, tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản, hạnh phúc khi sum họp cùng vợ con...”.
Từng là chính ủy trung đoàn công binh 270, Quân khu 5, giờ đây cuộc sống của đại tá Giao thật đạm bạc. Hằng ngày, hai vợ chồng vẫn tất bật với vài sào rau màu, vui thú cùng đàn gà, tỉ mẩn phun nước chăm sóc từng chậu hoa, cây kiểng ngoài vườn. Thỉnh thoảng ông Giao tham gia viết báo từ những hồi ức về chiến trường xưa oanh liệt một thời, về những lá thư yêu thương từ chiến trường gửi cho vợ...
Và có lẽ có một lá thư mà cả ông và bà đều bất ngờ khi nhận lại được sau 22 năm 6 tháng lưu lạc.
Hành trình 22 năm 6 tháng của một lá thư
Tháng 7-1989, nhà văn Nguyễn Quang Sáng sang Mỹ để làm việc với Trung tâm Nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả về mặt xã hội của chiến tranh VN.
|
|
Khi về nước, ông đã viết bài Xin đưa hồn anh về Tổ quốc rất xúc động và kèm theo nội dung lá thư trên báo Công An TP.HCM (số 167 ngày 11-10-1989) với hi vọng “một người phụ nữ tên Cúc nào đó trong hơn 70 triệu người VN sẽ đọc được những dòng cuối cùng của chồng mình...”.
Người “liệt sĩ” trong thư
13g ngày 12-11-1989, ở phòng số 11 khoa nội 3 Bệnh viện C (Đà Nẵng), một vị đại tá già đang trên giường bệnh chợt có người đồng đội cũ cầm tờ báo chạy xộc vào “mời liệt sĩ dậy để xem lá thư cũ!”. Người đại tá già nhìn tờ báo, không tin vào mắt mình nữa. Đó chính là lá thư của ông - Trần Ngọc Giao!
Quá ngạc nhiên, ông rưng rưng đọc hết bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và phần giới thiệu mới hiểu đầu đuôi câu chuyện. “Một tin vui lớn và sự xúc động mạnh đến với tôi quá đột ngột. Tôi hồi hộp nói với người đồng đội cũ: “Đúng thư tôi viết rồi! Đúng 100%, chỉ sai có ba chữ, có lẽ do hồi đó tôi viết không rõ”. Tôi xúc động trước tình cảm cao cả, trong sáng của tác giả. Cái tình cảm ấy hẳn xuất phát từ tình đồng đội đã từng chiến đấu cùng một chiến hào mới có được” - ông nói.
Năm 1966, Trần Ngọc Giao - khi đó là đại úy tiểu đoàn trưởng đang chiến đấu trên chiến trường khu 5 - mới bắt được liên lạc với gia đình ở vùng lõm Đức Phổ. Ngày 3-7-1966, lần đầu tiên hai cha con gặp nhau sau gần 14 năm xa cách. Đó là giai đoạn “chuẩn bị tinh thần” cho cậu con trai.
Lớn lên trong cảnh bom đạn cày nát mảnh đất Đức Phổ thanh bình, tận mắt chứng kiến gia đình ông ngoại bị địch đốt nhà, bắt di dân sang tận Phước Long, rồi đến cảnh nhà mình cứ dựng lên lại bị Mỹ - ngụy ập đến đốt rụi, đau đớn khi thấy mẹ bị địch bắt bớ tra tấn vì tội có chồng đi cách mạng, xót xa khi nhìn cảnh giặc tàn sát dân lành, phóng lửa thiêu nhà xóm làng như đốt ngọn cỏ... đã sớm tạo nên lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương xóm làng sâu sắc trong cậu bé Trần Hoàng Triệu. Tuy chưa gặp mặt nhưng Triệu rất yêu quý và khâm phục cha. Cậu bé vẫn ao ước sớm được đi theo cha kháng chiến.
Tám tháng sau, ngày 9-3-1967, trên đường công tác qua Đức Phổ, Trần Ngọc Giao ghé nhà đưa con lên chiến khu. Trong chiến tranh, chỉ có sống và chết nên hai bên nội ngoại cũng không phản đối. Chị Cúc đành đứt ruột để chồng dẫn đứa con duy nhất ra đi. Năm đó, Triệu mới 14 tuổi rưỡi.
|
Sau bảy ngày trèo đèo vượt suối, hai cha con về đến căn cứ. Nhưng phải một tháng sau, ngày 6-4-1967, Trần Ngọc Giao mới có điều kiện viết thư về cho vợ để cô yên tâm. Trần Hoàng Triệu nhớ lại: “Những ngày đầu xa nhà theo cha lên rừng, tôi nhớ thương mẹ nhiều lắm nhưng cố cắn răng không khóc để đi những bước đầu tiên theo cha làm cách mạng. Lên rừng thấy cái gì cũng lạ.
Nhìn thấy cây suôn tôi cứ trầm trồ nói với cha là cây này làm gọng bừa, cây kia làm cán cuốc, thấy cây rừng to bằng bắp vế tôi nghĩ nếu đem về làm hầm thì không sợ bom đạn của giặc... Những ý nghĩ ngây ngô ấy sau này cha tôi đã viết thư gửi cho mẹ kể lại tỉ mỉ”. Lá thư chỉ kể lại chuyện đi đường của hai cha con, chuyện ăn uống của Triệu và vài dòng an ủi vợ: “Bom đạn thì ở đâu cũng có, ở nhà cũng như ở đây...
Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước vĩ đại này nếu anh và con hoặc Cúc có phải hi sinh thì cũng là điều vinh dự... Việc làm của mình là đúng, là cần thiết...”. Chiến tranh đầy chết chóc nhưng người chiến sĩ vẫn bình thản như giữa thái bình, đánh giặc mà không hề có sắc máu trong lòng con người Việt. Đó là một trong những điều lý giải cho câu hỏi “tại sao Mỹ thất bại?”: họ không thắng được tâm hồn người VN.
Thư gửi từ huyện Trà Mi (Quảng Nam) - căn cứ địa hiểm trở của khu 5 đến Quảng Ngãi - chỉ mất 6-7 ngày đi đường nhưng nó đã lưu lạc qua bên kia nước Mỹ xa xôi để rồi tháng 10-1989 mới đến tay người nhận - Huỳnh Thị Cúc - sau 22 năm 6 tháng.
Đồng đội gặp gỡ
Năm 1990, tại nhà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng diễn ra cuộc gặp gỡ bất ngờ, xúc động giữa hai người lính. Ông Trần Ngọc Giao dẫn con trai Trần Hoàng Triệu lặn lội từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn tìm cho được nhà của người đã mang về lá thư của ông từ bên kia đại dương. Trong câu chuyện hàn huyên, họ mới nghĩ đến khả năng duy nhất: người giao liên mang thư của ông Giao đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ. Và lá thư đã được một người lính Mỹ nào đấy lấy từ trong balô của người giao liên.
Năm 2002, “ân nhân” của gia đình ông Giao lại ra Quảng Ngãi một chuyến vì bà Cúc quá tha thiết muốn gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tác giả của Chiếc lược ngà chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác từ khi chuẩn bị cho tới lúc gần đến nhà anh Giao, hồi hộp lắm. Hai con người, kẻ Trung người Nam, không quen biết nhau lại có những cảm giác thân thiết kỳ lạ”. Hành trình của lá thư có thêm kết thúc có hậu trọn vẹn.
“Niềm vui lớn nhất của hai vợ chồng tôi là đứa con trai nối nghiệp cha hiện là đại tá ngành công an, con dâu hiền hiếu thảo và hai đứa cháu nội thành đạt. Đó là món quà quý nhất mà cuộc đời hào phóng ban tặng ngỡ chừng như phép mầu bù đắp cho hai vợ chồng sau chuỗi ngày dài xa cách của hai cuộc chiến” - đại tá Trần Ngọc Giao bộc bạch trong một ngày trời đất sắp sang xuân.
Theo My Lăng - Minh Thu / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)