Giọt nước mắt của Thanh Thúy khiến Trịnh Công Sơn viết nên Ướt mi với nhiều dự cảm về sự trắc trở, những gam âm buồn, suy tư chủ đạo trong nhạc Trịnh sau này.
Hình bóng bồng bềnh và cơn mưa nước mắt
Thanh Thúy không chỉ là một danh ca, bà còn được biết đến là giai nhân có sức hút, đi vào trang viết, trở thành người trong mộng của nhiều thi nhân, văn sĩ. Bà sở hữu vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà, thanh mảnh đầy nữ tính, cùng mái tóc dài đen óng. Bà còn có phẩm hạnh và đạo đức đáng ngưỡng mộ, với đời tư kín đáo, dù nổi tiếng bậc nhất nhưng không bao giờ ồn ào. Nhà văn Hồ Trường An từng viết: "Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho những người ưa săn tin giật gân…".
Hiển nhiên, với nhan sắc và phẩm hạnh cao đẹp như vậy, Thanh Thúy đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải mê lòng từ cái nhìn đầu tiên. Khi còn sống, ông Sơn tâm sự: "Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi 17 tuổi, đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết".
Trịnh Công Sơn phải lòng Thanh Thúy nhưng không dám lại gần vì mặc cảm nghèo và vô danh, chỉ nhìn dáng gầy, tà áo dài mong manh khuất dần vào con hẻm nhỏ mỗi tối.
Đến một ngày, chàng thanh niên Trịnh Công Sơn lấy hết can đảm viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát ca khúc Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Những câu hát trong ca khúc này khiến Thanh Thúy xót xa vì nhớ tới người mẹ mới mất của mình, nên bà vừa hát vừa rơi lệ.
Chính hình ảnh đẹp diễm lệ của giai nhân trên sân khấu đã khiến Trịnh Công Sơn say đắm viết nên tuyệt phẩm Ướt mi. Ca khúc này được chính Trịnh Công Sơn công nhận là sáng tác đầu tay thật sự của mình, đồng thời là tác phẩm đầu tiên được chính thức công bố, để rồi trở thành bài hát bất hủ.
Về khoảnh khắc sáng tác Ướt mi, Trịnh Công Sơn từng viết trong bài giới thiệu ca khúc: "Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ. Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và tôi đã viết ra như không kiềm giữ được...".
Trịnh Công Sơn còn sáng tác bài Thương một người, cũng là những xúc cảm dành riêng cho Thanh Thúy. Trong mỗi ca từ của bài hát, Trịnh Công Sơn đều trĩu nặng tình yêu dành cho nữ ca sĩ. Người nhạc sĩ tài hoa nhiều lần lặp lại từ "thương".
Như vậy, có thể thấy vai trò quan trọng của Thanh Thúy. Bà là nguồn cảm hứng sáng tác đầu tiên trong sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, chi phối đến những xúc cảm về ca từ, giai điệu nhạc Trịnh từ thuở ban sơ, khi ông mới 17 tuổi.
Từ những xúc cảm này đã định hình nhạc Trịnh là thứ nhạc đa sầu đa cảm, đắm say tình yêu, rung động trước cái đẹp, giai nhân và đậm "âm tính". Nói cách khác, mảng tình ca trong nhạc Trịnh bắt đầu từ giai nhân và kết thúc cũng là giai nhân, lấy cảm hứng chủ đạo là cái đẹp để suy tư, trải lòng, chiêm nghiệm.
Có thể nói, giọt nước mắt của Thanh Thúy khiến Trịnh Công Sơn viết nên Ướt mi đã mang nhiều dự cảm về sự trắc trở, những gam âm buồn, suy tư chủ đạo trong nhạc Trịnh suốt về sau này.
Tiếng hát trầm độc đáo chạm tới sâu thẳm nỗi buồn
Giọng hát Thanh Thúy được xem là hiếm thấy, gần với một nữ trầm nhất tại VN, với các đặc trưng như tính lưỡng tính, giọng rất sâu, dày, nặng, tối, chắc khỏe, đậm tính thổ và rền như tiếng đại hồng chung; quãng hát thoải mái nằm trên âm khu trung, trầm.
Chính vì thế, cách hát và kỹ thuật được Thanh Thúy sử dụng trong nhạc Trịnh cũng rất đặc trưng, riêng có, không giống với bất kỳ nữ ca sĩ nào. Thanh Thúy chủ yếu hát bằng chest voice (giọng ngực). Thậm chí, nếu có hát pha thì tỷ lệ giọng ngực của bà vẫn rất cao (chesty). Đây là cách hát lợi thế của các giọng nữ cận nữ trầm.
Nhờ hát thuần chest nên Thanh Thúy đẩy mạnh tối đa chất thổ trong giọng hát của mình, khiến nó trở nên tối, nặng, sâu thẳm và ma mị, liêu trai hơn bao giờ hết. Nghe Thanh Thúy hát nhạc Trịnh, người ta có cảm giác như đang nghe một thứ âm thanh huyền bí nào đó phát ra từ lòng đất, ôm trọn đau thương, ai oán.
Cũng nhờ cách hát này mà Thanh Thúy có thể giãi bày nhạc Trịnh một cách chậm rãi, đậm chất tự sự, như kể một câu chuyện hay tâm tình chân thành với người nghe, nhưng khi cần vẫn đầy nức nở, ai oán, dằn vặt và đẩy không gian chùng xuống tận cùng, chạm đến sâu thẳm nỗi buồn.
Thanh Thúy nhả chữ nào chắc chữ đó, nặng như chì và rền. Trong từng chữ đều in hằn sức nặng của thời gian, da thịt. Bà chẳng cần phải nhấn nhá nhiều vì bản thân với cách hát tự sự, chậm rãi đã nhấn vào mọi chữ.
Có thể nói, đây là tiếng hát âm tính nhất trong các giọng nữ từng thể hiện nhạc Trịnh, khi vừa tối, vừa trầm, nhưng cũng không kém phần nữ tính, hợp với "tính âm" buồn bảng lảng của âm nhạc Trịnh Công Sơn. (còn tiếp)
Bình luận (0)