Thanh toán không tiền mặt bằng ví điện tử, người dùng được lợi gì

29/04/2019 10:00 GMT+7

Chỉ trong một năm từ 2018 đến nay, tỷ lệ người dùng sử dụng thanh toán di động đã tăng từ 37% lên đến 61%, cho thấy xu hướng thanh toán không tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Con số trên có được từ báo cáo gần đây của Công ty PwC, theo đó, số lượng người dùng thực hiện thanh toán bằng mobile money tại các cửa hàng ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn so với trung bình khu vực ASEAN. Tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động tăng từ 37% năm 2018 lên 61% vào năm 2019.

Từ sự bùng nổ ví điện tử

Thị trường Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 công ty Fintech, đa số hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, trong đó có 26 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử. Tính đến ngày 31.12.2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử.
Thanh toán điện tử trong thời gian qua cũng phát triển mạnh. Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng 300.000 tỉ đồng.
Trong những loại hình Fintech trên, ví điện tử đang hoạt động sôi nổi và hấp dẫn nhất thị trường. Sức hấp dẫn của thị trường trong nước còn khiến nhiều công ty nước ngoài cũng nhảy vào “cuộc chiến”. Chẳng hạn, Công ty công nghệ SEA Group có trụ sở ở Singapore đã hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (VED) để triển khai dịch vụ thanh toán AirPay tại Việt Nam. Đây là ứng dụng ví điện tử cho phép người dùng sử dụng tiền trong ví để mua hàng (thẻ điện thoại, thẻ giải trí...), thanh toán các dịch vụ, hóa đơn. Bên cạnh đó, người dùng ví AirPay còn được hưởng nhiều mức chiết khấu khác nhau tùy các dịch vụ hỗ trợ trong ví. Mặc dù mới chỉ ra mắt gần 2 năm nhưng AirPay đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam nhờ được sử dụng làm kênh đặt hàng và thanh toán chính thức cho Foody (công ty chuyên đánh giá các dịch vụ ăn uống tại Việt Nam) và dịch vụ giao đồ ăn Now.
Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam
Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam
Một ứng dụng thanh toán di động khác là ZaloPay cũng đã phát triển nhanh chóng kể từ khi ra mắt vào năm 2017. Ứng dụng này dựa vào mạng lưới người dùng đã đăng ký với công ty mẹ VNG, một nền tảng giải trí và truyền thông xã hội trực tuyến.

Đến tăng tốc thanh toán không tiền mặt

Kết quả khảo sát mới công bố hồi tháng 3.2019 của Visa cho thấy thanh toán kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người tiêu dùng Việt, từ mua sắm trực tuyến cho đến trả tiền mua nhu yếu phẩm ở siêu thị.
Xu hướng trên xuất phát từ chính những ưu thế mà thanh toán điện tử mang lại. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên chiếc smartphone, người dùng đã có thể thanh toán các chi phí dịch vụ, hay thực hiện các giao dịch ngân hàng một cách nhanh chóng. Song song đó, các ứng dụng này còn liên tục tung ra nhiều khuyến mãi, ưu đãi, qua đó giúp họ nhận thấy những lợi ích được hưởng khi thanh toán phi tiền mặt. Ngoài việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng điểm thanh toán dịch vụ, tăng cường khuyến mãi là một trong những yếu tố quan chính trong cuộc đua thu hút người dùng từ các ví thanh toán điện tử. Cụ thể, tháng 1 vừa qua, Momo thu hút tài trợ nhằm mở rộng qui mô của họ, tăng cường các khuyến mãi cho người dùng khi thanh toán tại Circle K. Trong khi đó, ngoài việc mang đến nhiều ưu đãi cho người dùng mới lần đầu tích hợp thanh toán, ZaloPay và AirPay còn mang đến nhiều ưu đãi cho thanh toán hóa đơn điện, nước, internet và truyền hình cáp qua Ví điện tử của các đơn vị này.
Các ứng dụng thanh toán điện tử thường xuyên tung ưu đãi, khuyến mãi để người dùng tận hưởng nhiều lợi ích
Các ứng dụng thanh toán điện tử thường xuyên tung ưu đãi, khuyến mãi để người dùng tận hưởng nhiều lợi ích
Khảo sát cũng chỉ ra người tiêu dùng Việt mang theo tiền mặt ngày càng ít hơn. Một nửa số người được khảo sát cho biết sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và di động ít nhất 2 - 3 lần/tuần. 73% số người được khảo sát trả lời rằng họ đang sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, tăng 59% so với năm trước, trong khi đó 82% người tiêu dùng đã thực hiện giao dịch trên điện thoại di động. Việc không mang theo tiền mặt không chỉ giúp cho quá trình thanh toán an toàn, tiện lợi mà còn mang đến cho họ nhiều ưu đãi, giảm giá hấp dẫn.
Tại hội thảo Hướng đến xã hội không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hồi đầu năm nay, các chuyên gia cho rằng lợi ích cụ thể của thanh toán điện tử cho thấy hướng đến một xã hội phi tiền mặt dường như một quá trình không thể đảo ngược.
Trong khi đó, tại hội nghị triển khai chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn 2030 mới diễn ra, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu tất cả các thanh toán sẽ được thực hiện trên điện thoại di động. Cụ thể, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia gồm thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán bù trừ điện tử; chuyển mạch thẻ làm nền tảng kết nối, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.