Nơi có vấn đề phức tạp có thể có thanh tra “cắm chốt”, các đoàn thanh tra sẽ đến mỗi điểm thi mà không báo trước.
Chú ý các biện pháp phòng ngừa từ xa
|
|
Việc tổ chức thi ở tất cả các tỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh (TS) và gia đình TS. Cũng có ý kiến băn khoăn về tính cục bộ có thể xảy ra nhưng qua các cuộc làm việc với các tỉnh cho thấy lãnh đạo và các cơ quan của tỉnh đều rất trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, quy chế thi. Các trường ĐH được giao chủ trì đều đã có kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh từ nhiều năm trước. Sự phối hợp của trường ĐH chủ trì với sở GD-ĐT, các cơ quan, tổ chức ở địa phương rất đồng bộ. Với các đơn vị mới được giao chủ trì cụm thi năm nay thì Bộ tập huấn kỹ hơn. Lãnh đạo Bộ cũng ưu tiên làm việc với những trường lần đầu chủ trì tổ chức thi THPT quốc gia để nắm tình hình, chỉ đạo cụ thể.
Cũng cần nói thêm là thanh tra, kiểm tra hướng tới việc giúp lực lượng tham gia kỳ thi làm hết trách nhiệm của mình. Vấn đề là làm sao làm hết trách nhiệm mà vẫn tạo được không khí trường thi thân thiện, nhân văn, khơi gợi được ý thức tự giác chấp hành quy chế thi của tất cả những người tham gia thi, từ giám thị tới TS.
Cần phải chú ý các biện pháp phòng ngừa từ xa, đừng để các TS mang vật dụng không được phép vào phòng rồi mới xử lý. Giám thị coi thi cần nghiêm túc, công tâm, tận tình hướng dẫn TS thực hiện quy chế với thái độ kiên quyết nhưng mềm mỏng, nhất là với những hành vi không đúng.
Thưa ông, ai mới có quyền giám sát lãnh đạo điểm thi, hội đồng thi?
Đó chính là các lực lượng thanh tra, kiểm tra. Hoạt động giám sát là cơ chế bảo đảm bên trong, tự các điểm thi thực hiện. Còn thanh tra, kiểm tra là cơ chế bên ngoài, bao trùm lên các điểm thi, thậm chí bao trùm lên hoạt động của cả hội đồng thi.
Theo quy chế thì bộ trưởng, giám đốc sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra. Trường ĐH là đơn vị sự nghiệp nên không có thẩm quyền thanh tra. Vì vậy Bộ chỉ đạo hiệu trưởng các trường thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động của cụm thi do trường mình chủ trì. Bộ đã có hướng dẫn giám đốc các sở GD-ĐT thành lập các đoàn thanh tra, hiệu trưởng trường chủ trì thành lập đoàn kiểm tra rất cụ thể. Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho đối tượng này và yêu cầu gửi tên, số điện thoại các vị trưởng đoàn về Bộ để cùng phối hợp thanh tra, kiểm tra trong phạm vi toàn quốc. Thời gian thanh tra, kiểm tra bắt đầu từ khi chuẩn bị cho đến khi chấm thi xong.
Thanh, kiểm tra hoạt động độc lập
Thưa ông, sẽ không có thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT như trước đây?
Nhiều năm nay Bộ đã bỏ cơ chế thanh tra ủy quyền. Các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động độc lập với các điểm thi, hội đồng thi và chịu sự chỉ đạo của bộ trưởng, giám đốc sở, hiệu trưởng trường được giao chủ trì cụm thi.
Năm nay, Bộ đã thành lập 14 đoàn thanh tra, chia ra các khu vực để làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Bộ còn có một đoàn thanh tra dự bị, “trực chiến” tại Bộ. Đoàn này vừa là đầu mối tập hợp thông tin từ các kênh để điều chỉnh khi cần thiết, vừa là lực lượng cơ động khi cần sẽ tung đi các nơi.
Thành viên các đoàn thanh tra này bao gồm lực lượng thanh tra Bộ, cán bộ làm việc tại cơ quan Bộ và cán bộ thanh tra của một số sở GD-ĐT.
tin liên quan
Thanh Niên Online đăng gợi ý giải đề, đáp án kỳ thi THPT quốc giaĐể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Thanh Niên Online sẽ liên tục ghi nhận tình hình thi cử trong cả nước, đăng gợi ý bài giải các môn thi ngay sau các buổi thi.
Theo ông, với 14 đoàn thanh tra thì liệu Bộ có bao quát được hết hoạt động ở tất cả các cụm thi?
Như đã nói, thanh tra, kiểm tra không chỉ là trách nhiệm của Bộ mà còn là của các sở GD-ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi. Hiện nay, 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do sở GD-ĐT, Cục Nhà trường chủ trì đều đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra.
Các đoàn thanh tra của Bộ được phân công phụ trách một số hội đồng thi nhưng không nhất thiết phải đến tất cả các điểm thi. Các đoàn tập trung thanh tra công tác tổ chức, triển khai thực hiện quy chế của các hội đồng thi. Khi phát hiện vấn đề bất thường thì kiến nghị xử lý hoặc xử lý cụ thể theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư để có giải pháp chỉ đạo chung.
Hoạt động thanh tra không chỉ tác động trực tiếp đến một số điểm thi, hội đồng thi cụ thể mà còn nhằm tác động vào cả hệ thống. Bộ trưởng cũng giao chánh thanh tra điều phối, chỉ đạo các đoàn không chỉ thực hiện theo kế hoạch mà còn kịp thời thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi cần.
Như vậy, bất cứ hội đồng thi nào, điểm thi nào cũng có thể có thanh tra đến. Nơi có vấn đề phức tạp có thể có thanh tra “cắm chốt”. Để bảo đảm khách quan, các đoàn thanh tra sẽ đến mỗi điểm thi mà không báo trước.
Một lực lượng quan trọng hỗ trợ Bộ rất nhiều trong việc đảm bảo sự an toàn, tính nghiêm minh cho kỳ thi là Cục A83, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Năm nay, chúng tôi sẽ có cơ chế trao đổi thông tin hằng ngày chứ không chỉ phối hợp khi có vụ việc.
Được thi ở phút 89
Ngày 29.6, ông Hà Hữu Phúc, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết vừa báo cáo Bộ GD-ĐT giải quyết cho 15 TS tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Ngày 28.6, các TS này đến cơ quan đại diện xin được nộp hồ sơ tham dự kỳ thi (đã hết hạn đăng ký ngày 30.4). Các TS là những người phục vụ có thời hạn trong ngành công an, đăng ký xét tuyển vào các trường khối công an, nhưng không tìm hiểu kỹ quy định là phải dùng kết quả từ kỳ thi THPT để xét tuyển nên không đăng ký hồ sơ dự thi trước đó.
Công an các địa phương này cũng đã có công văn gửi đến Bộ. Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho TS, Bộ đã đồng ý giải quyết cho các TS này được thi. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp nhận 15 TS thi tại cụm thi của trường tại một phòng thi riêng.
Đăng Nguyên
Cụm thi đặc biệt
Trong số 50 cụm thi tốt nghiệp trên toàn quốc, có một cụm thi khá đặc biệt. Đó là cụm thi số 50 do Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2) phối hợp với Cục Nhà trường của Bộ Quốc phòng tổ chức. Có 27 phòng thi được bố trí tại Trường CĐ nghề số 8, Đồng Nai cho 800 TS là những bộ đội xuất ngũ chưa tốt nghiệp THPT, hiện đang theo học nghề tại 2 trường của Bộ Quốc phòng, gồm CĐ nghề số 8 và CĐ nghề số 22 (Bình Dương).
Theo đại tá Phạm Hoài Bắc, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề số 8, học sinh chưa tốt nghiệp khi học chương trình nghề sẽ được học bổ sung các môn văn hóa. Mặc dù theo quy định, bằng tốt nghiệp trường nghề có thể thay thế bằng tốt nghiệp THPT nhưng khi đi xin việc, nhiều doanh nghiệp vẫn yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc tổ chức cụm thi này nhằm đáp ứng nhu cầu được nhận bằng tốt nghiệp THPT của bộ đội xuất ngũ đang theo học tại 2 trường nghề của Bộ Quốc phòng.
Mỹ Quyên
|
Bình luận (0)