Tối 24.11, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Chính phủ đang gấp rút thực hiện các bước tiếp theo để TP.HCM triển khai. Khi không tổ chức HĐND cấp quận và phường, sẽ có nhiều chủ tịch HĐND quận và phường dôi dư và TP.HCM đã có kế hoạch sắp xếp hài hòa, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào ngày 10.12, nếu được thông qua thì TP.HCM sẽ có 19 phường phải sáp nhập (thành 9 phường), sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức; đồng thời sắp xếp lại các khu phố và tổ dân phố. Ông Phong cho biết TP.Thủ Đức sẽ là cực tăng trưởng mới ở khu vực phía đông, phù hợp với định hướng phát triển của TP.HCM trong tương lai.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Thành Phong thông tin buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An (Q.2) khiếu nại nhà, đất nằm ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được tổ chức chiều 27.11, tại hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.2. Trước đó, Ban Tiếp công dân T.Ư đã thông báo tới người dân đang khiếu nại tại Hà Nội và đề nghị trở về TP.HCM cử đại diện tham gia đối thoại.
Cũng trong chiều 24.11, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 10 (gồm các đại biểu Phan Thanh Bình, Ngô Minh Châu và Trần Hoàng Ngân) tiếp xúc cử tri Q.8 sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trả lời cử tri về sai sót ở bộ sách Cánh Diều, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết giáo dục đang thay đổi trên tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, chương trình lớp 1 có 5 bộ sách, trong đó có bộ sách Cánh Diều. Bộ sách Cánh Diều dù được khoảng 20% tổng số cơ sở giáo dục chọn nhưng có một số điểm chưa hay như sử dụng phương ngữ, câu chuyện ngụ ngôn phức tạp thay vì ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích VN. Theo quy định, mỗi bộ sách giáo khoa đều phải qua Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng GD-ĐT. “Sau khi dư luận phản ánh, chúng tôi đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và yêu cầu chỉnh sửa những điểm chưa hay”, ông Bình cho hay.
Bình luận (0)