Ngày 18.12, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN-PTNT.
Hàng loạt vi phạm về đê điều, thủy lợi
Kết quả thanh tra cho thấy, Bộ NN-PTNT lập, phê duyệt mới 7 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt 2 năm, thực hiện không đúng quy định tại luật Thủy lợi; và chưa lấy ý kiến của Bộ KH-ĐT.
Trong số trên, có 3 quy hoạch thủy lợi (vùng Tây nguyên, vùng Đông Nam Bộ, lưu vực sông Cầu - Thương) thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 4 năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.
Bộ NN-PTNT còn phê duyệt điều chỉnh, bổ sung 3 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không đúng thẩm quyền.
Về phía địa phương, Thanh tra Chính phủ kết luận: tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi, dẫn đến thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018 - 2023 và trước đó.
UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi thì không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch, không đúng quy định tại luật Thủy lợi.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ dẫn đánh giá của Bộ NN-PTNT cho thấy tình trạng vi phạm về đê điều tuy có xu hướng giảm nhưng mức độ và quy mô lại nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân là do nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm mái đê, hành lang đê, xây dựng công trình, nhà ở, nhà xưởng, lều quán, tập kết trung chuyển vật liệu trên bãi sông...
Trong khi đó, chính quyền địa phương một số nơi buông lỏng quản lý; chưa thực hiện kiên quyết, trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm.
Ngoài ra, phần lớn công trình, nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ đê đã tồn tại từ lâu. Số công trình, nhà ở nhiều, nhưng kinh phí của các địa phương còn hạn chế nên việc di dời gặp nhiều khó khăn.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm
Từ kết quả thanh tra đã chỉ ra, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ NN-PTNT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận.
Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm về việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi; việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khi quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều tại địa phương chưa được phê duyệt.
Đối với UBND các tỉnh, Tổng thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung cần tập trung là trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với việc chậm xây dựng quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng đó là việc phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều không đúng thẩm quyền; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại khu vực ven sông, hành lang thoát lũ vi phạm quy định pháp luật.
Đặc biệt là việc xử lý thiếu kiên quyết, không dứt điểm các vi phạm về đê điều, nhất là các vi phạm nổi cộm, kéo dài; để xảy ra tình trạng xây dựng công trình kiên cố trái phép tại các vị trí sát bờ sông, dẫn đến hạn chế dòng chảy, gây sạt lở…
Bình luận (0)