Thanh tra công vụ tại Bộ Tài chính: Chậm giải quyết thủ tục nhưng không xin lỗi

19/11/2024 20:18 GMT+7

Thanh tra Chính phủ xác định một số trường hợp thuộc Bộ Tài chính giải quyết thủ tục hành chính quá thời hạn, nhưng đơn vị giải quyết không gửi văn bản xin lỗi người dân, doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Tài chính.

Cơ quan thanh tra ghi nhận thời gian qua, Bộ Tài chính đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện, đã đạt được kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh...

Tại thời kỳ thanh tra (tháng 6.2021 - tháng 11.2023), số hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính gửi đến Bộ Tài chính là hơn 292,2 triệu hồ sơ (không bao gồm hơn 11,4 triệu hồ sơ từ chối giải quyết).

Trong số trên, số lượng hồ sơ đã giải quyết là hơn 291,9 triệu hồ sơ (chiếm tỷ lệ 99,92%); gồm giải quyết trước hạn hơn 2,8 triệu hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,96%), giải quyết đúng hạn hơn 288,7 triệu hồ sơ (chiếm tỷ lệ 98,9 %), giải quyết quá hạn 395.440 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,13%).

Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong giải quyết thủ tục hành chính tại một số cục, vụ thuộc Bộ Tài chính.

Thanh tra công vụ tại Bộ Tài chính: Chậm giải quyết thủ tục nhưng không xin lỗi- Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ tại các bộ, ngành, địa phương

ẢNH: TTCP

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp chưa đạt

Thanh tra Chính phủ xác định, tại thời điểm thanh tra, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết năm 2023, một số mục tiêu của kế hoạch cơ bản đã hoàn thành, trong đó có một số mục tiêu vượt kế hoạch.

Tuy vậy, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 chỉ đạt hơn 41%, năm 2023 là hơn 24% (mục tiêu, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là 90%).

Bộ Tài chính không ban hành riêng các kế hoạch về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng năm (2021 - 2023) mà lồng ghép tại các kế hoạch, chương trình hành động của bộ.

Cạnh đó, Bộ Tài chính chưa kịp thời thực hiện việc trình, báo cáo Thủ tướng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đến ngày 24.4.2024, Bộ Tài chính mới có tờ trình Thủ tướng về nội dung này.

Bộ Tài chính còn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên chậm thời gian theo quy định.

Trong thời kỳ thanh tra, Bộ Tài chính đã ban hành 27 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó có 23 quyết định ban hành chậm thời gian so với quy định. Điển hình như Quyết định số 947/2023 công bố chậm tới 1.820 ngày.

Giải quyết thủ tục quá hạn nhưng không gửi văn bản xin lỗi

Kết luận thanh tra còn nêu rõ, một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Vụ Tài chính ngân hàng) trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không qua bộ phận một cửa. Việc này thực hiện chưa đúng quy định theo Nghị định 61/2018.

Một số công chức của Bộ Tài chính giải quyết thủ tục hành chính còn trực tiếp gọi điện, gửi văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ tài liệu mà không thực hiện qua bộ phận một cửa.

Vẫn theo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định quá trình giải quyết thủ tục hành chính, một số trường hợp quá thời hạn giải quyết nhưng đơn vị giải quyết không gửi văn bản xin lỗi người dân, doanh nghiệp (qua bộ phận một cửa).

Một số trường hợp người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, tài liệu kéo dài (điển hình từ 174 - 378 ngày), ảnh hưởng đến thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Đến thời điểm thanh tra, Bộ Tài chính chưa ban hành quyết định danh mục thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử. Việc giải quyết phản ánh, khiếu nại của người dân, doanh nghiệp trong một số trường hợp còn chậm…

Cơ quan thanh tra cũng nhận định còn một số bất cập trong quy định về chế độ báo cáo, quy định thời hạn công bố mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính… cần được rà soát, sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp.

Kiến nghị xử lý hành vi cố tình đùn đẩy, né tránh, nhũng nhiễu

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính tăng cường quản lý cán bộ, công chức viên chức trong thực thi công vụ, có cơ chế chính sách khuyến khích để việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả hơn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức cố tình chậm trễ, đùn đẩy, né tránh, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nợ, khắc phục, xử lý kịp thời, dứt điểm, đúng quy định đối với các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm đã nêu tại kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.